Phim 'Đoạn trường vinh hoa': Ơn Tổ nghiệp trả hết một đời

Những thước phim tài liệu dung dị và chân thực của 'Đoạn trường vinh hoa' vén màn đời sống thường nhật lắm nỗi thiếu thốn và trăn trở của những nghệ sĩ trong gánh tuồng cổ miền Tây.

Đoạn trường Vinh Hoa thuộc dòng tài liệu hiện thực, ghi lại một cách khách quan những con người và câu chuyện gắn với gánh tuồng cổ Phương Ánh miền Tây Nam Bộ. Gánh hát do nghệ sĩ Phương Ánh làm chủ với đào chính là con gái bà - nghệ sĩ Phương Anh. Năm này qua tháng khác, gánh hát mấy chục con người rong ruổi qua nhiều tỉnh thành, biểu diễn ở đình, miếu phục vụ người dân vào các dịp lễ Kỳ Yên (lễ cầu an theo phong tục xưa của người Nam Bộ). Một biến cố xảy đến với hai mẹ con nghệ sĩ Phương Ánh - Phương Anh khiến cuộc sống riêng của họ chao đảo và con đường nghệ thuật, mưu sinh của gánh hát rơi vào chênh vênh.

Từ những cảnh phim đầu tiên,

Đoạn trường vinh hoa đưa người xuôi dòng Cửu Long về với miền Tây của dọc ngang sông nước, của những con người chân chất và phóng khoáng trong cả lối sống lẫn lời ăn tiếng nói. Qua những cuộc hội thoại giữa các nghệ sĩ với nhau, tình hình hoạt động của các gánh hát cải lương, tuồng cổ và khởi nguồn ra đời của gánh hát Phương Ánh được khắc họa cơ bản, đủ để khán giả nhập cuộc với câu chuyện trong phim.

Nhiều lát cắt xoay quanh gánh hát được trải ra trên màn ảnh với những buổi tập vừa căng thẳng vừa hài hước dưới cái nóng mùa khô Nam Bộ, với sự đối lập giữa sân khấu hào nhoáng và khu vực cánh gà tạm bợ. Trút bỏ vẻ ngoài rực rỡ của những "ông hoàng", "bà chúa" trong các vở diễn, những người nghệ sĩ trở về với hình hài bình phàm, tự mình họa mặt bằng những bộ phấn son rẻ tiền, quây quần ăn chung bữa cơm dân dã, trải chiếu nằm ngủ la liệt cạnh nhau. Cuộc sống của họ gắn với gánh hát, nay ở đình làng này mai ở đình làng khác, nay ở tỉnh này mai ở tỉnh kia, không cố định nơi chốn, không ổn định tiền bạc.

Đoạn trường vinh hoa miêu tả sự đối lập giữa sân khấu hào nhoáng và hậu trường tạm bợ của gánh hát.

Đoạn trường vinh hoa miêu tả sự đối lập giữa sân khấu hào nhoáng và hậu trường tạm bợ của gánh hát.

Tuy nhiên, Đoạn trường vinh hoa không đơn thuần mang mục đích phóng sự ghi chép hiện thực của thể loại tuồng cổ đang ngày càng mai một ở miền Tây. Sau câu chuyện chung của gánh hát, bộ phim dẫn dắt người xem đến với câu chuyện rất riêng tư của gia đình nghệ sĩ Phương Ánh và nghệ sĩ Phương Anh. Ngoài việc theo nghề nghệ thuật, họ cũng như bao gia đình lao động trên khắp đất nước này, cũng nặng gánh cái ăn cái mặc, cũng lo toan thuốc men bệnh tật, cũng đau đớn nghĩ đến biệt ly. Và cũng có lúc, những thành viên trong nhà phải nói với nhau về sự sống và cái chết.

Theo lời kể của bà Phương Ánh, gia đình bà đã ba đời làm đào hát cải lương và tuồng cổ. Mẹ bà là người làm lễ cúng đưa con gái bà - nghệ sĩ Phương Anh - bước vào nghiệp sân khấu. Nhưng trớ trêu thay, nghệ sĩ Phương Ánh lại khuyên cháu ngoại của mình - một chàng trai trẻ mê hát - chuyên tâm đi làm kiếm tiền, còn chuyện đi hát chỉ dành cho các dịp đặc biệt như một cách trả nợ Tổ nghiệp.

Cô đào chính Phương Anh chuẩn bị trước giờ lên sân khấu.

Đúng như tựa phim

Đoạn trường vinh hoa, nghệ sĩ Phương Ánh hay bất cứ thành viên nào của đoàn hát thấm thía hơn ai hết rằng chẳng có vinh hoa nào không phải trải qua những nỗi đoạn trường. Họ không muốn những sóng gió, gian truân họ từng trải nối dài đến thế hệ con cháu. Với bản thân mình, nghệ sĩ Phương Ánh coi cải lương và tuồng cổ là máu xương, là hơi thở, là ân tình Tổ nghề sân khấu gieo duyên mà bà nguyện dùng cả đời để trả nợ. Những người nghệ sĩ xuất thân nông dân như bà có lẽ ít khi trăn trở sống để làm nghề hay làm nghề để sống, mà đơn giản chỉ là tồn tại và làm nghề.

Nghệ sĩ Phương Ánh - người dẫn dắt gánh tuồng cổ mang tên bà.

Lược bỏ toàn bộ giọng phỏng vấn của mình, đạo diễn Lê Mỹ Cường chỉ giữ lại lời chia sẻ của các nhân vật trước máy quay, tạo cảm giác họ đang tự sự câu chuyện của chính mình với khán giả. Cách làm này tựa như xóa bỏ rào chắn của máy quay và màn chiếu, đưa khán giả bước vào những cuộc chuyện trò trong phim, trở thành người ngồi cạnh, chứng kiến và trao đổi trực tiếp với nhân vật.

Ròng rã đồng hành cùng gánh hát trong 18 tháng, cùng ăn, cùng ở với họ qua nhiều đình miếu ở các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, êkíp làm phim tạo được lòng tin nơi các nghệ sĩ. Nhờ vậy, họ bỏ đi sự ngại ngần, thoải mái bộc bạch những góc cá nhân nhất, bản thể nhất trước máy quay. Thậm chí, họ không ngại phô bày diện mạo kém đẹp của mình lúc ốm đau trên giường bệnh, uể oải sau buổi diễn và cả các câu bông đùa, lời chê trách dành cho người khác trong những cuộc chuyện phiếm.

Đôi khi giữa những cuộc hội thoại,

Đoạn trường vinh hoa mang đến tiếng cười nhẹ nhàng, hồn nhiên bởi tính cách dí dỏm của nhân vật. Nhưng đời sống và nghề nghiệp của họ khiến bộ phim khó tránh những khung hình và khoảnh khắc buồn bã đến xót xa. Phim khép lại bằng cái kết lặng lẽ, không tiếng nhạc, không tiếng người, lắng đọng cảm xúc và gây ám ảnh.

Các nghệ sĩ ngả lưng ngủ ngay sau sân khấu, chẳng kịp tẩy trang vì quá mệt.

Trong tháng 10 và đầu tháng 11,

Đoạn trường vinh hoa tạo hiệu ứng tích cực qua các buổi chiếu phi lợi nhuận tại Hà Nội, TP HCM và Cần Thơ. Với mong muốn lan tỏa câu chuyện đẹp đẽ về tinh thần nuôi dưỡng nghệ thuật truyền thống của những người nghệ sĩ trong gánh hát Phương Ánh, nhà sản xuất quyết định đưa phim ra rạp để tác phẩm có dịp đến gần hơn với công chúng.

Đây là phim tài liệu thứ ba của Việt Nam ra rạp trong những năm qua, nối tiếp sức ảnh hưởng của

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng Đi tìm Phong (Finding Phong). Phim có tại hệ thống rạp BHD trên toàn quốc từ 13/11. Toàn bộ số tiền vé bán vé sẽ được gửi tặng cho nhân vật của phim.

Đoạn trường vinh hoa là phim tài liệu dài đầu tay của đạo diễn trẻ Lê Mỹ Cường. Lê Mỹ Cường sinh năm 1989. Anh tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Đại học Ngoại thương Hà Nội, hiện là nhà làm phim tài liệu tự do kiêm biên tập viên truyền hình. Trước Đoạn trường vinh ho a, Lê Mỹ Cường từng có các phim tài liệu ngắn: Ốc đảo gió, Bạn đồng hành, Nhà đối diện ... Trong đó, một số phim từng trình chiếu tại tám trường đại học của Mỹ.

Theo Phong Kiều/Ngôi sao

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/van-hoa/phim-doan-truong-vinh-hoa-on-to-nghiep-tra-het-mot-doi/20201114092544209