Phim điện ảnh chính luận đã không còn 'đóng băng'

Khác với các bộ phim chính luận chỉ chiếu vào những dịp kỷ niệm, tuyên truyền… rồi cất vào kho, thì nay, dòng phim Việt do Nhà nước đặt hàng đã thẳng tiến đến phòng chiếu để bán vé.

Kể từ sau cơn bão “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” năm 2015, bộ phim do Nhà nước đặt hàng hãng phim Thiên Ngân sản xuất – một sự kết hợp hài hòa về mọi mặt của các nhà quản lý điện ảnh, của những người làm phim và những người kinh doanh điện ảnh đã mang lại tín hiệu tích cực cho dòng phim do Nhà nước đặt hàng, tài trợ. Sắp tới đây, LHP Việt Nam lần thứ 21 diễn ra từ ngày 23 đến 27-11 tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tiếp tục ghi nhận 4 tác phẩm điện ảnh thuộc dòng phim điện ảnh của Nhà nước tham gia tranh tài với “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Thạch Thảo”, “Nơi ta không thuộc về” và “Hợp đồng bán mình”. Có thể thấy, sự trở lại dòng phim Nhà nước bên cạnh dòng phim tư nhân sản xuất tạo sự cân bằng, đa dạng. 4 tác phẩm tham gia đều được giới chuyên môn đánh giá cao so với những bộ phim điện ảnh từng gây cơn sốt phòng vé như “Hai Phượng”, “Cua lại vợ bầu”, “Tháng năm rực rỡ”…

Dòng phim Nhà nước vẫn được coi là khởi thủy của điện ảnh Việt, một dòng phim có bề dày lịch sử, văn hóa, là niềm tự hào của bao thế hệ công chúng yêu nghệ thuật thứ bảy. Cùng với sự trở lại dòng phim Nhà nước trên phòng vé cho thấy dòng phim này đã có “xê dịch” đáng khích lệ.

Bộ phim “Hợp đồng bán mình”, dòng phim chính luận về mối quan hệ chân dài – đại gia, vòng xoáy tình – tiền được điện ảnh hóa trở thành bộ phim chiếu rạp để bán vé. Ảnh: Đoàn làm phim

Bộ phim “Hợp đồng bán mình”, dòng phim chính luận về mối quan hệ chân dài – đại gia, vòng xoáy tình – tiền được điện ảnh hóa trở thành bộ phim chiếu rạp để bán vé. Ảnh: Đoàn làm phim

Chạy đua cùng thời cuộc, hãng phim Giải Phóng vừa ra mắt bộ phim “Hợp đồng bán mình”, dòng phim chính luận về đề tài tham nhũng nhưng được điện ảnh hóa trở thành bộ phim chiếu rạp để bán vé. Bộ phim hiện đang tranh tài tại LHP Việt Nam lần thứ 21, với kịch bản mới cho thấy sự thay đổi ít nhiều của điện ảnh Việt phù hợp với thời đại. Nội dung phim kể về câu chuyện cô gái trẻ Ngọc Lam (Hoàng Kim đóng) để cứu người cha vướng vòng lao lý do kinh doanh thua lỗ đành phải chia tay vị hôn thê Danh Thế (Minh Luân đóng) để làm vợ đại gia Đắc Minh (Lâm Vissay đóng) bằng một hợp đồng bán mình trá hình.

Ngay khi ra mắt, bộ phim ngay lập tức nhận được sự chú ý từ phía khán giả. Trước đó, đạo diễn Trần Ngọc Phong từng thừa nhận, phim không có yếu tố ngôi sao để câu khách. Dàn diễn viên được khẳng định chỉ có tài năng diễn xuất. Ngoại trừ Lâm Vissay, Minh Luân thì 2 nữ chính của bộ phim là Hoàng Kim, Thùy Trang… đều là những gương mặt mới. “Hợp đồng bán mình” cũng đánh dấu sự trở lại của hãng phim Giải Phóng về thể loại phim điện ảnh.

Theo đạo diễn Trần Ngọc Phong, phim được làm theo đơn đặt hàng của Bộ VH-TT&DL, khó khăn lớn nhất khi làm phim theo đơn đặt hàng là làm sao vừa đạt các tiêu chí quy định, tiêu chuẩn về tính giáo dục, giải trí, tính dân tộc. “Nhưng nếu làm phim theo lối mòn thì sẽ là phim tô hồng nên chúng tôi phải nương theo kịch bản của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn để làm một bộ phim vừa được duyệt và phải ra rạp được khán giả chấp nhận và tạo doanh thu phòng vé. Kịch bản đã phải chỉnh sửa 12 lần, quay phim trong 2 tháng, 2 năm chuẩn bị”, đạo diễn Trần Ngọc Phong cho hay. Chính diễn viên Lâm Vissay từng chia sẻ bộ phim tưởng chừng sẽ phải “đóng băng”, với niềm đam mê và tình yêu, sau gần 3 năm, bộ phim chính thức giới thiệu đến công chúng.

Khi làm về phim điện ảnh, thường ngoài khó khăn về kinh phí thì yếu tố kịch bản hay luôn là câu hỏi đầy trăn trở. Nền điện ảnh Việt mặc nhiên phải thực hiện sứ mệnh cao cả, phục vụ tuyên truyền, cổ vũ lòng yêu nước. Nói cách khác, điện ảnh có chức năng phục vụ Nhà nước, đảm nhiệm các công việc Nhà nước giao. Và cũng vì thế, dòng phim Nhà nước vẫn đóng vai trò trụ cột trong tiến trình phát triển của điện ảnh Việt Nam. Thế nên, các hãng phim được giao nhiệm vụ thực hiện các bộ phim do Nhà nước đặt hàng cần tìm tòi những cách thể hiện cho bộ phim mới. Bởi dù được Nhà nước đầu tư, không phải lo kinh phí, lo bán vé để hoàn lại vốn, song dòng phim do Nhà nước đặt hàng nếu muốn tiếp tục là dòng chủ lưu cho sự tồn tại của điện ảnh nước nhà, thì cần phải được thay đổi và tìm hướng đi phù hợp với hoàn cảnh nhất là trong tiến trình hội nhập quốc tế..

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phim-dien-anh-chinh-luan-da-khong-con-dong-bang-170154.html