Phim cung đấu Việt: 'Có tâm'?

Trong khi phim cung đấu ở Trung Quốc được cho là đến thời tàn thì lần đầu tiên khán giả lại được xem một bộ phim cung đấu 'made in Việt Nam'.

“Thượng đế” háo hức là điều dễ hiểu. Cứ xem “ké” “nhà hàng xóm”, bây giờ được thưởng thức “của nhà trồng được”, chưa biết dở hay thế nào cũng cứ vui đã. Cùng với dàn diễn viên tên tuổi, phát ngôn của đạo diễn phim đã lập tức gây chú ý: “Phượng Khấu”, không xuyên tạc lịch sử. Đứng đằng sau “Phượng Khấu” là những cố vấn đáng nể, trong đó có sự góp mặt của nhà sử học Lê Văn Lan.

Có lẽ, các nhà làm phim cung đấu Trung Quốc không đặt ra cho mình trọng trách to lớn: Giúp khán giả hiểu hơn về lịch sử Trung Quốc, mà họ chú trọng để làm ra một bộ phim ăn khách. Cho nên chuyện bóp méo lịch sử, biến những ông vua thành “soái ca” ngôn tình chẳng có gì lạ. Có thế phim mới kéo dài triền miên, hô mưa gọi gió với khán giả trong nước và các nước lân cận. Còn đạo diễn “Phượng Khấu”có vẻ không đặt vấn đề câu khách lên trên. Anh nói: “Mình chọn đề tài lịch sử này cũng là lòng tự ái. Văn hóa lịch sử Việt Nam luôn có hàng tỉ những câu chuyện hay tại sao chúng ta lại không làm? Cái lòng tự trọng là phải làm cho bằng được…”. Thái độ này rất đáng hoan nghênh, bởi nếu “Phượng Khấu” làm được như vậy thì đây sẽ là một cánh cửa giúp khán giả mở vào quá khứ vàng son, trong đó nổi bật vai trò, thân phận của người phụ nữ nơi cung cấm.

Nhưng câu hỏi đặt ngược lại: Phim cung đấu Việt đang được dư luận khen “có tâm” song liệu có hấp dẫn? Nhìn sang địa hạt văn chương ở ta những năm gần đây, đề tài lịch sử thu hút cả những cây bút chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Dù người viết dốc công, dốc sức và rất tâm đắc với đứa con tinh thần của mình song rõ ràng, cực kỳ hiếm tác phẩm về đề tài lịch sử gây tiếng vang, kích thích dư luận tìm đọc. Nguyên nhân, nhà văn chưa thoát ra được sự kiện, nhân vật trong quá khứ để tái tạo nên đứa con tinh thần mang hơi thở của ngày hôm nay. Một lí do khiến những người làm sáng tạo nghệ thuật rón rén khi đụng vào đề tài lịch sử là áp lực dư luận.

Kịch bản “Phượng Khấu” qua giới thiệu của đạo diễn xem chừng cũng không khác nhiều so với cách các nhà văn xử lí khi viết truyện lịch sử: Tôn trọng ngày tháng, diễn biến lịch sử… Phần “pha chế” chỉ ở những tình tiết chưa được nêu rõ, hoặc nêu vắn tắt trong sử, thêm vài tuyến nhân vật phụ để câu chuyện mềm mại hơn. Hấp dẫn hay không hồi sau sẽ rõ song “Phượng Khấu” có lẽ sẽ là một bộ phim về đề tài cung đấu an toàn, lành mạnh, hiếm có lâu nay. (Chẳng như “Diên hi công lược” hấp dẫn nhưng bị “tuýt còi” ở Trung Quốc).

Miu Miu

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/phim-cung-dau-viet-co-tam-1426279.tpo