Phim cổ trang dã sử: Bao giờ mới thôi nói chuyện 'tấm áo'

Mới đây, Thanh Hằng và ê-kíp đã gây bất ngờ khi công bố dự án tái xuất màn ảnh với dự án phim dã sử ra rạp vào năm 2021 có tên 'Quỳnh hoa nhất dạ'. Chỉ một đoạn giới thiệu ngắn ngủi khán giả chưa có quá nhiều thông tin nội dung, nên tất cả những tò mò tranh cãi, lại vẫn quẩn quanh chuyện… xiêm y mà nhân vật chính sẽ mặc trong phim.

Tranh cãi chuyện sáng tạo hay phải giống nguyên tác

Người mẫu, diễn viên Thanh Hằng chia sẻ về dự án mới rằng: Cô thường bị thu hút bởi những nhân vật tính cách mạnh mẽ, quyết liệt và có sự trắc ẩn trong tâm hồn: “Sau lần viếng thăm nơi thờ cúng Thái hậu Dương Vân Nga hai năm trước, tôi rất muốn làm một bộ phim về người phụ nữ quyền lực của hai triều Đinh – Lê”. Cũng bởi yêu mến và đã tìm hiểu về nhân vật này trong suốt 2 năm qua, Thanh Hằng quyết định tham gia dự án với cả hai vai trò diễn viên chính và đồng sản xuất, để có thể chủ động phát triển các ý tưởng theo mục tiêu ban đầu của mình.

Bản thân Thanh Hằng cũng biết, đây là một quyết định táo bạo, nhiều khó khăn nhưng cô muốn thử sức mình, bởi Việt Nam có rất nhiều nhân vật lịch sử xuất chúng và tạo cảm hứng, nhưng lại chưa có nhiều phim điện ảnh về họ. Và thực tế là, làm phim về dã sử ở Việt Nam chưa bao giờ là dễ dàng cả.

Đồng hành cùng Thanh Hằng trong dự án “Quỳnh hoa nhất dạ” là đạo diễn Lý Minh Thắng và nhà thiết kế Thủy Nguyễn – những cộng sự thân thiết từng hợp tác với cô trong phim “Mẹ chồng”. “Quỳnh hoa nhất dạ” sẽ cân bằng cả hai yếu tố lịch sử và sáng tạo, nhằm mang tới cho khán giả những góc nhìn và cảm xúc mạnh mẽ nhất về người phụ nữ đặc biệt này.

Tạo hình của Thanh Hằng trong vai Dương Vân Nga cũng chính thức được giới thiệu qua poster và trailer. Trong đó, vai diễn Dương Vân Nga khoác lên mình bộ phượng bào màu đỏ, đội mão vàng, ngồi trên ngôi hậu, khẽ mỉm cười đầy quyền uy.

Hình ảnh đó ngay lập tức gây chú ý giới chuyên môn, cộng đồng mạng với nhiều ý kiến trái chiều về áo mão của nhân vật chính. Nhiều ý kiến cho rằng, trang phục của nhân vật thái hậu Dương Vân Nga mang âm hưởng nhà Thanh của Trung Quốc.

Nhà thiết kế Thủy Nguyễn – người phụ trách trang phụ cho bộ phim đã nhanh chóng phản hồi. Theo đó, trang phục mà Thanh Hằng mặc trong bộ ảnh là bộ phượng bào gồm 5 lớp áo giao lĩnh lớn nhỏ và 2 lớp váy. Trong phim, phượng bào sẽ được nhân vật Dương Vân Nga mặc vào ngày cưới và cũng là ngày lên ngôi hoàng hậu.

“Khi thiết kế, chúng tôi đã nghiên cứu và tham khảo nhiều trang phục cổ của Việt Nam và các nước lân cận. Mỗi món đồ, chi tiết trong bộ trang phục đều được tính toán kỹ lưỡng và đều có ý đồ của nhà thiết kế” – Thủy Nguyễn nói. Riêng về nút áo - chi tiết nhận nhiều tranh cãi, Thủy Nguyễn thừa nhận nút áo được làm theo hơi hướng của các thời đại về sau.

Cũng có ý kiến cho rằng, với dòng phim dã sử, khán giả đừng quá khắt khe về chuyện có giống y phục thật của lịch sử hay không, bởi điện ảnh cần khuôn hình và tạo hình, chính bản thân những cường quốc điện ảnh khi thiết kế trang phục cho phim dã sử, lịch sử cũng có những cải biên cho phù hợp. Tuy nhiên, dù có sáng tạo bao nhiêu, khán giả cũng mong muốn đó là những sáng tạo phù hợp với lịch sử và văn hóa của người Việt.

Trang phục của Thanh Hằng trong dự án mới “Quỳnh hoa nhất dạ”vừa ra mắt đã gây tranh cãi. (Ảnh: CJ)

Trang phục của Thanh Hằng trong dự án mới “Quỳnh hoa nhất dạ”vừa ra mắt đã gây tranh cãi. (Ảnh: CJ)

Chiếc áo không làm nên chất lượng cả bộ phim

Có một thực tế là làm phim dã sử cổ trang ở Việt Nam theo hình thức nào cũng rất khó khăn: Từ điện ảnh, đến truyền hình, đến phim chiếu mạng. Bởi chúng ta cần những đội ngũ tham vấn để có kịch bản tốt, thiếu các khung cảnh cần thiết, thiếu vốn đầu tư “dày dạn” để “làm cho ra làm”.

Vốn là dòng phim khó, nhưng cả nhà sản xuất, cả khán giả lần nào cũng như lần nào, bao giờ cũng tranh cãi chuyện áo mão đầu tiên, thay vì quan tâm đến diễn viên chính, đến nội dung phim – điều mà đối với phim đề tài dã sử cổ trang vô cùng quan trọng.

“Phương Khấu” – một dự án được quảng bá rầm rộ rằng sẽ là phim “cung đấu” đáng đón đợi nhất của thị trường web drama Việt năm 2020 lúc đầu cũng chỉ xoay quanh chuyện áo mão. Nhà sản xuất và cả khán giả đều quan tâm đến trang phục. Nhưng cuối cùng thì, trang phục được đầu tư không “đỡ” lại được sự nghèo nàn của bối cảnh và sự “chay” của các phân cảnh phim, hầu hết các tình tiết cần hành động thì diễn viên chỉ nói, kỹ xảo lại lộ liễu kém thật. Thế là dù kiên nhẫn đến mấy, dù trang phục của “Phượng Khấu” được khen đến mấy, phim vẫn bị khán giả… lắc đầu.

Nhà sản xuất của “Quỳnh hoa nhất dạ” cho biết, đây mới chỉ là tạo hình đầu tiên được hé lộ và phim sẽ đầu tư xây dựng nhiều tạo hình của Dương Vân Nga ở mỗi thời khắc quan trọng trong cuộc đời bà.

“Chúng tôi quyết định làm phim dã sử và sẽ phải sáng tạo rất nhiều về trang phục và thiết kế mỹ thuật. Trang phục hay thiết kế bối cảnh không chỉ cần hợp lý về lịch sử, mà còn phải tạo ra được không khí uy nghi của triều đình, thể hiện được tính cách, tâm tư của nhân vật và giúp nhà làm phim kể được câu chuyện mà họ muốn kể"- đạo diễn Lý Minh Thắng nói.

Và hi vọng những mong muốn đó sẽ được chuyển tải nhuần nhuyễn trên phim. Và càng hi vọng hơn ở Thanh Hằng – dù diễn xuất nội tâm ngày càng tiến bộ nhưng đài từ có phần hơi cứng sẽ được khắc phục tốt nhất ở vai diễn nặng ký mới.

Vì vậy, Thanh Hằng và ê-kíp có lẽ cần đầu tư nhiều hơn cho nội dung, tránh sa đà vào những áo mão hình thức, bởi suy cho cùng, chiếc áo, không bao giờ có thể gánh đỡ được nội dung cho cả bộ phim.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phim-co-trang-da-su-bao-gio-moi-thoi-noi-chuyen-tam-ao-209920.html