Phim cổ tích Việt: Nặng lòng và đam mê

Là những câu chuyện nằm lòng với nhiều thế hệ, cổ tích Việt Nam sau nhiều thăng trầm vẫn có sức hút đặc biệt. Quyết định thực hiện những series cổ tích trong bối cảnh phim truyền hình gặp nhiều khó khăn là nỗ lực lớn của các ê kíp sản xuất hiện nay.

Những câu chuyện quen thuộc được thổi hồn mới trong Rồng rắn lên mây

Thổi hồn vào tích xưa

Từ ngày 1-11, loạt phim cổ tích Việt Nam với tên gọi Rồng rắn lên mây (Purpose Media và Novel Production sản xuất) lên sóng trên HTV3 DreamsTV lúc 18 giờ 30 thứ năm và thứ sáu hàng tuần. Mùa đầu tiên của chương trình gồm 10 câu chuyện cổ tích được chế tác mới thành 20 tập, gồm: Cậu bé thông minh, Của Thiên trả Địa, Sự tích hoa râm bụt, Sự tích hoa cúc chi, Sự tích cây vú sữa, Tam và Tứ, Sự tích ông Táo, Lọ nước thần, Hai cô gái và cục bướu, Cây tre trăm đốt. Những câu chuyện nói trên được “thổi hồn” bởi đạo diễn Nguyễn Minh Chung - người từng gắn bó với series Cổ tích Việt Nam của Phương Nam phim (PNF) ra mắt mấy chục năm trước.

Nói về lý do thực hiện Rồng rắn lên mây, bà Lê Thị Phương Thủy, Giám đốc điều hành HTV3 DreamsTV, cho biết: “Truyện cổ tích Việt Nam từ ngàn đời nay vẫn luôn là nguồn nội dung hàm chứa giá trị giáo dục nhân sinh và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Qua loạt phim Rồng rắn lên mây, chúng tôi muốn một lần nữa lan tỏa những bài học nhân sinh này đến thế hệ trẻ hiện nay. Với mục tiêu giáo dục cụ thể, chúng tôi chuyển tải vào phim những giá trị tinh hoa văn hóa của dân gian, thông qua những bài đồng dao, trò chơi dân gian, những phong tục tập quán dân gian mang nét đẹp của văn hóa Việt Nam”.

Trước khi Rồng rắn lên mây lên sóng và nhận được nhiều phản hồi tích cực, loạt phim Cổ tích Việt Nam đã được PNF thực hiện ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 1992). Từ việc sản xuất, phát hành dưới dạng băng đĩa, năm 2015, PNF và Đài Truyền hình Vĩnh Long (THVL) cùng nhau hợp tác dưới hình thức phim truyện truyền hình và hiện vẫn lên sóng đều đặn.

Đạo diễn Quách Khoa Nam- người thay thế đạo diễn Nguyễn Minh Chung thực hiện Rồng rắn lên mây - cho biết: “Làm mới chuyện xưa tích cũ luôn là trăn trở khi tôi được trao vai trò đạo diễn. Nhưng làm mới là để phù hợp với khán giả hiện nay chứ không phá đi tính giáo dục hay thông điệp cốt lõi. Tôi vẫn giữ hồn cốt ấy và lồng ghép thêm các mảng miếng, các tuyến nhân vật hay một số chi tiết để đường dây câu chuyện thêm hấp dẫn”. Bà Phan Mộng Thúy, Giám đốc PNF, bổ sung thêm: “Chúng tôi chủ động có những thay đổi về kịch bản hay xâu chuỗi các câu chuyện đơn lẻ lại với nhau để tăng tính cuốn hút”.

Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để mang không khí tươi mới cho những câu chuyện đã quá quen thuộc, bà Phương Thủy nhấn mạnh đến các yếu tố: kỹ thuật ghi hình và quay dựng hiện đại, đặc biệt là thu tiếng trực tiếp; phục trang được nghiên cứu, phục dựng bài bản; bối cảnh sinh động tại nhiều tỉnh Đông và Tây Nam bộ; lồng ghép các ca khúc đồng dao quen thuộc; giới thiệu các gương mặt diễn viên nhí triển vọng; chương trình quảng bá các yếu tố văn hóa trong phim…

Vượt khó vì thiếu nhi Việt

Trong báo cáo của Vietnam TAM (Hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Việt Nam) tuần thứ 42 (từ 15 đến 21-10), tại khu vực Cần Thơ, tập 2 phim Con chim khách nhiệm mầu trong series Cổ tích Việt Nam đạt tỷ suất 14,1%. Tính rộng ra, ở khu vực ĐBSCL thời gian trên, tập phim này đạt tỷ suất 15,5%. Các đoạn video giới thiệu các tập phát sóng của loạt phim Rồng rắn lên mây trên fanpage chính thức của HTV3 DreamsTV cũng thu hút hàng ngàn lượt xem. Dù không tiết lộ con số chính xác, nhưng đại diện đơn vị sản xuất cho biết, tập phim đầu tiên nhận được lượt theo dõi lớn của nhóm khán giả trẻ em 4 - 14 tuổi, phụ nữ và gia đình.

Những câu chuyện quen thuộc được thổi hồn mới trong Rồng rắn lên mây

Trên thực tế, để đạt được những con số ấn tượng nói trên, các ê - kíp thực hiện phim đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Đạo diễn Nguyễn Minh Chung cho biết: “Hiện nay làm phim cổ tích cho thiếu nhi khó khăn đầu tiên là bối cảnh, vì muốn có hình ảnh đẹp phải đến vùng sâu, vùng xa, tách biệt hoàn toàn khỏi các khu vực đô thị. Toàn bộ đạo cụ trong phim cũng phải chế tác, làm mới hoàn toàn cho phù hợp với từng câu chuyện. Phần phục trang cũng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, thuần Việt. Quan trọng nhất là cách kể như thế nào để hấp dẫn khán giả nhí hiện nay”. Bà Phan Mộng Thúy cũng như đạo diễn Quách Khoa Nam cho biết, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, ngay cả việc đến những khu vực rất xa, bối cảnh cũng chỉ ở mức tương đối, đôi khi phải chấp nhận những thứ không như mình mong muốn.

Một khó khăn được đặt ra liên quan đến câu chuyện diễn viên. “Với các em nhỏ tham gia vào công tác diễn xuất của loạt phim này, chúng tôi tôn trọng tối đa quyền lợi, nhu cầu và nhịp điệu sinh hoạt của các em. Hoạt động tổ chức sản xuất phải nương theo các em để đảm bảo cân bằng việc học, việc diễn, sinh hoạt hàng ngày của các em. Điều này đòi hỏi đoàn phim phải cân nhắc rất nhiều yếu tố trong quá trình sản xuất để đảm bảo được sự hài hòa”, bà Thúy nói.
Vượt lên khó khăn, các ê - kíp sản xuất cũng có nhiều thuận lợi. Với nội dung chính là những câu chuyện gắn liền với nhiều thế hệ người Việt, các phim này luôn được nhiều đối tượng khán giả đón nhận. Xuất thân là diễn viên từng tham gia loạt Cổ tích Việt Nam, sau đó là vị trí phó đạo diễn, rồi đạo diễn, đó là những cơ sở giúp Quách Khoa Nam nắm bắt và truyền tải được tốt nhất tinh thần của những câu chuyện này.

Thêm một đơn vị mạnh dạn bước chân vào lĩnh vực sản xuất phim cổ tích cho thiếu nhi như HTV3, điều đó đồng nghĩa với việc các khán giả nhí có thêm món ăn tinh thần. Điều này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh gameshow, truyền hình thực tế bùng nổ, các chương trình thuần Việt dành cho đối tượng thiếu nhi quá ít. Theo bà Phan Mộng Thúy, PNF luôn xác định phải tự đặt áp lực cho mình để các sản phẩm về sau có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. “Không chỉ HTV3, việc thị trường có nhiều đơn vị nữa tham gia cũng chưa chắc đủ so với nhu cầu của thiếu nhi. Do đó, việc cạnh tranh là tất yếu và đáng mừng”, bà Thúy nhấn mạnh.

Thêm một thông tin đáng khích lệ, sau Cổ tích Việt Nam và Rồng rắn lên mây, PNF đã và đang triển khai loạt phim cổ tích Cậu bé nước Nam, sẽ lên sóng trên THVL thời gian tới. Đạo diễn Quách Khoa Nam cũng báo tin vui, anh đang bàn bạc với THVL về việc lên kế hoạch sản xuất những series phim cổ tích mới. Vị đạo diễn này cũng không giấu tham vọng trong tương lai gần có thể bắt tay thực hiện một bộ phim điện ảnh từ cổ tích Việt Nam.

Liên quan đến câu chuyện then chốt - kinh phí sản xuất, bà Phan Mộng Thúy cho biết, dù Đài THVL luôn dành ngân sách cho các chương trình thiếu nhi ở mức cao, nhưng muốn phim được đầu tư quy mô, hoành tráng, có kỹ xảo hiện đại hơn, không thể không tốn kém, đặc biệt với thể loại cổ tích. Đạo diễn Nguyễn Minh Chung chia sẻ, ê - kíp phải liệu cơm gắp mắm để có được những thước phim tốt nhất trong kinh phí cho phép. Tuy mức đầu tư chưa được như mong muốn nhưng anh hài lòng vì kinh phí thực hiện Rồng rắn lên mây hiện cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường phim truyền hình.

Văn Tuấn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phim-co-tich-viet-nang-long-va-dam-me-65573