Phim chính luận: Vẫn luôn 'nóng, khó và đầy gian khổ'

Nếu ai theo dõi trang facebook cá nhân của nhà văn Phạm Ngọc Tiến chắc sẽ từng biết về một tác phẩm được ông viết và ấp ủ trong 10 năm trời. Đến hôm 25-10 vừa qua, bộ phim 'Sinh tử' chính thức họp báo ra mắt, nhà văn Phạm Ngọc Tiến mới thốt lên một lời để giải tỏa sự kìm nén: Cuối cùng 'Sinh tử' cũng được ra đời với sự trợ giúp của đồng nghiệp và các cố vấn nghiệp vụ. Chúc mừng 'Sinh tử'. Hy vọng 'con' sẽ sống. Nghề viết thật khốn khổ.

Theo nhà văn Phạm Ngọc Tiến, kịch bản phim được thai nghén, ấp ủ và thực hiện trong 10 năm. Vốn được mệnh danh là “kiêu ngạo” trong nghề viết, nhưng mà đến kịch bản “Sinh tử”, lần đầu tiên Phạm Ngọc Tiến chấp nhận việc buộc phải viết lại, chỉnh lại cho phù hợp với hiện tại và “vật vã” vượt cạn để “Sinh tử” ra đời. Từ ý tưởng thay đổi cơ chế bằng đấu tranh quyền lực ban đầu rồi trở thành một phim chống tham nhũng với sự tham gia quy mô lần đầu tiên của ngành kiểm sát. Cái cực khi làm phim đề tài chính luận ở Việt Nam là phải phiếm danh. Cũng không thể dùng bất cứ tỉnh nào cụ thể dù có thể câu chuyện cụ thể về chính vùng đất ấy.

“Sinh tử” cũng không ngoài thông lệ, giống như tỉnh Bình Lãng trong phim “Đàn trời” 36 tập trước đây lần này là tỉnh Việt Thanh. Khác với tất cả kịch bản đã làm, “Sinh tử” lần này lấy đi nhiều tâm sức, hao tổn nhiều thần kinh của tôi vì những quăng quật thay đổi. Cuộc sống thay đổi đến chóng mặt và không một thứ nghệ thuật nào có thể theo kịp diễn tiến của nó. Thành thật là như vậy. Thay vì dự báo, nghệ thuật đuổi theo không kịp cuộc sống và đó chính là bi kịch thời đại của cả nghệ sĩ, nhà văn lẫn xã hội. Hai lần viết với tổng số chữ mỗi lần xấp xỉ 320.000 từ tương đương với 1.200 trang sách. 3 tháng cật lực viết lại, mỗi lần viết đến nhòa mắt kiệt cùng thân xác” - nhà văn Phạm Ngọc Tiến bộc bạch.

Dàn diễn viên hùng hậu góp mặt trong “Sinh tử”. Ảnh tư liệu

Dàn diễn viên hùng hậu góp mặt trong “Sinh tử”. Ảnh tư liệu

Cũng có lẽ vì thế mà kịch bản “Sinh tử” đã đủ sức hấp dẫn đến độ NSND, đạo diễn Khải Hưng (cựu GĐ VFC) sau 11 năm vắng bóng trên phim trường đã “bước qua lời nguyền” để trở lại đảm trách vai trò đạo diễn 35 tập phần đầu của bộ phim này.

Theo chia sẻ của đạo diễn NSƯT Đỗ Thanh Hải – GĐ VFC, trong quá trình thực hiện “Sinh tử’, NSND, đạo diễn Khải Hưng bị gút, tiểu đường, làm xong phim này ông đã bị hỏng một mắt. Bên cạnh đó, các thành viên trong đoàn làm phim đối mặt với điều kiện thời tiết không mấy ủng hộ, nhất là với những phân đoạn ngoại cảnh, thời tiết 50 độ, ngồi 50 phút quay được 3 đoạn thoại.

Là một trong không nhiều những bộ phim đề cập đến vấn đề chính trị, vấn đề xoay quanh đến quan chức tham nhũng, tha hóa của những quan chức, đoàn làm phim tất yếu gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và lựa chọn những địa điểm quay phim. Với chủ đề trọng tâm như vậy, việc tìm đến các cơ sở công quyền, các trụ sở tỉnh ủy hay ủy ban là điều tất yếu, làm sao để có thể thuyết phục họ tin tưởng việc truyền tải thông điệp đến từ bộ phim tới công chúng cũng là điều hết sức khó khăn.
“Sinh Tử” lựa chọn hai tuyến nhân vật chính là nhóm quan chức với sự hiện diện của hai NSND nổi tiếng: Trọng Chinh trong vai Bí thư Tỉnh ủy Văn Thành Nhân và Hoàng Dũng trong vai Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa và nhóm nhân vật là các doanh nhân, người làm kinh tế. Phim khai thác câu chuyện về cách thức làm ăn sau vỏ bọc đầu tư dự án đất đai, trong đó các nhân vật sử dụng những mối quan hệ nhạy cảm và cực kỳ phức tạp.

Nếu như trong bộ phim “Đàn trời” NSND Hoàng Dũng vào vai nhân vật Chủ tịch Đinh Xuân Ẩn của tỉnh Bình Lãng là một người hai mặt, phần xấu nhiều hơn tốt. Còn trong phim “Sinh tử”, NSND Hoàng Dũng cho biết, nhân vật Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa lần này cũng có chút giống về sự uy quyền, có mưu mô nhưng cái đời sống riêng, cái tốt nhiều hơn. Trong con người Trần Nghĩa, một người sinh ra và lớn lên tại Việt Thanh, mặt tốt là có một tình yêu quê hương thật sự và luôn khát khao quê hương phát triển. Nhưng bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh lại có những mặt trái là “đi hai chân” vừa làm kinh tế chung, vừa làm kinh tế riêng nên đôi khi nếu biết kiểm soát thì sẽ tốt nhưng nếu chỉ vì nóng vội, vì lập trường chưa vững vàng thì sẽ phải nhận những hậu quả tất yếu và khi đó, đã quá muộn màng.

Đạo diễn NSND Khải Hưng cho hay, cái khó khi làm “Sinh tử” ngoài việc động chạm đến vấn đề nhức nhối và gai góc của đời sống xã hội, còn là ở lời thoại. Sở dĩ vậy bởi phần lớn lời thoại trong phim đều không phải ngôn ngữ thường nhật mà mọi người vẫn nói với nhau hay nghe thấy ngoài cuộc sống, mà lại mang tính chính sự và nhiều ngôn từ chuyên môn chuyên ngành. Minh chứng là tất cả các diễn viên, chưa một ai có dịp ngồi dự một cuộc họp thường vụ tỉnh bao giờ, càng không hình dung được hai vị lãnh đạo cấp cao của tỉnh đó là Bí thư và Chủ tịch tỉnh khi trò chuyện với nhau thì sẽ nói thế nào. Vì thế mà mặc dù phim toàn gương mặt gạo cội như: NSND Hoàng Dũng, NSND Trọng Trinh, Thúy Hà… Song rất khó khăn mới có thể nhập tâm và thuộc thoại. Khó khăn này diễn ra trong khoảng nửa tháng đầu quay phim. Đó cũng chính là lý do ngay cả NSND Trọng Trinh cũng nhiều cảnh phải quay 50-70 đúp mới xong được vài câu thoại.

NSND Trọng Trinh cũng bộc bạch rằng, từ khi bước chân vào nghề diễn viên cho tới bây giờ, đây là lần đầu tiên anh hóa thân vào một vai diễn mà ngôn ngữ đời sống chẳng được dùng đến ở trong phim, thay vào đó là những câu từ “chuẩn chỉ, chấm phẩy rõ ràng, không được sai dù chỉ một từ”. Trọng Trinh cũng cảm thấy khó hiểu vì rõ ràng có nhiều câu thoại anh đã mất cả đêm để học thuộc rồi, không hiểu sao đến sáng hôm sau ra quay thì lại cứ như…chưa đọc bao giờ, đành phải học lại. Nhiều lần, anh với NSND Hoàng Dũng ngỡ diễn thế là được rồi, nghĩ là được “duyệt cho qua” để quay cảnh tiếp theo, nhưng đạo diễn NSND Khải Hưng nhất mực bảo không được, phải quay lại.

“Sinh Tử” sẽ chính thức lên sóng 21g từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên VTV1 từ ngày 1-11.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phim-chinh-luan-van-luon-nong-kho-va-day-gian-kho-167710.html