Quốc hội bám sát thực tiễn để có quyết sách trúng

Đổi mới, sáng tạo, lắng nghe ý kiến của cử tri, chuyên gia, nhà khoa học, không 'bắc nước sôi chờ gạo người', có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa để chuẩn bị tốt nhất cho công tác lập pháp - đó là phương châm hành động của Quốc hội khóa XV.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động đến mọi mặt của nền kinh tế, đời sống xã hội như hiện nay, với phương châm chủ động, sáng tạo, Quốc hội đã có nhiều hoạt động đổi mới để đồng hành cùng đất nước như tái khởi động diễn đàn kinh tế thường niên lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các đạo luật; đẩy mạnh ngoại giao nghị viện để bổ sung nguồn vaccine, trang thiết bị y tế cho người dân.

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế, xã hội được tái khởi động sau một thời gian gián đoạn đã tập hợp được đông đảo chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, quản lý, đóng góp những ý kiến thẳng thắn, thiết thực, hiến kế cho Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là một mạng lưới sáng kiến Quốc hội Việt Nam để hỗ trợ cho Quốc hội nâng cao chất lượng về công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia theo đúng luật định.

"Đây là cuộc đầu tiên lắng nghe các ý kiến của chuyên gia, các bộ ngành đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công của năm 2021 để có những căn cứ khoa học, thực tiễn tốt nhất để quyết sách những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách của năm 2022, phục vụ trực tiếp cho kỳ họp thứ 2 của Quốc hội" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

Bày tỏ ấn tượng với những hoạt động rất tích cực của Quốc hội trong thời gian qua, TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc Quốc hội tái khởi động Diễn đàn Kinh tế thường niên do Ủy ban Kinh tế tổ chức và nâng cấp lên thành Diễn đàn của Quốc hội là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam.

"Khi Quốc hội đã tập hợp được những bộ óc quan trọng, những tiếng nói thuộc nhiều ngành nhiều lĩnh vực quan trọng sẽ tạo nên sức mạnh của Quốc hội. Với những ý kiến nhiều chiều, đóng góp rất tâm huyết, chắc chắn, đây là những nguồn thông tin rất quan trọng và bổ ích cho các hoạt động giám sát, chất vấn và thông qua những quyết sách về kinh tế quan trọng của Quốc hội. Tôi tôi tin rằng, đây cũng là một định hướng và giúp cho hoạt động của Quốc hội sôi nổi hơn, chất lượng hơn, trí tuệ hơn và dân chủ hơn"

Tại các cuộc gặp gỡ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam hay cuộc gặp mặt Đoàn doanh nghiệp cấp cao của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN theo đề nghị của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN với các điểm cầu tại 12 quốc gia, Quốc hội cũng đã lắng nghe những ý kiến của các doanh nghiệp để nắm bắt, kịp thời điều chỉnh những bất cập nẩy sinh trong cuộc sống.

Không những thế, lần đầu tiên, Tổ công tác 24/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thành lập bên cạnh Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống dịch Covid của Chính phủ với yêu cầu “làm việc không kể ngày đêm, tập trung trí tuệ rộng rãi tham mưu, góp ý các cơ chế, chính sách phù hợp để sớm kiểm soát dịch bệnh. Đó cũng là cách Quốc hội thể hiện vai trò giám sát một cách quyết liệt, thực chất hơn việc triển khai thi hành các quyết sách do Quốc hội ban hành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ các doanh nhân.

Những hoạt động này cho thấy quyết tâm mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong diễn đàn có sự tham gia của hơn 100 chuyên gia không là khẩu hiệu mà đã được chuyển hóa thành những việc làm cụ thể.

"Quốc hội cần phải tăng cường hơn nữa trong việc năng lực về hoàn thiện về thể chế trong các lĩnh vực, quản trị quốc gia, tăng trưởng xanh, mô hình kinh doanh mới, đổi mới sáng tạo, thể chế cho chuyển đổi số…. kể cả trước mắt, kể cả dài hạn. Tăng cường giải trình ở cấp Ủy ban, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội về các vấn đề quan tâm để chúng ta có thể góp ý nhiều nhất cùng đồng hành nhiều nhất với Chính phủ, Thủ tướng trong công tác phòng, chống đại dịch này, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị"- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ.

Ngoài đóng góp về mặt chính sách như phê chuẩn ngân sách cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thì ngoại giao Nghị viện cũng đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc kêu gọi hợp tác quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Tại các cuộc gặp gỡ hội đàm, hội kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Quốc hội/nghị viện các nước cũng đều vận động và kêu gọi hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn nữa trong phòng, chống dịch bệnh, bao gồm hỗ trợ, chia sẻ vaccinen, công nghệ sản xuất vaccine, trang thiết bị y tế, thuốc chữa Covid-19.

Theo ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 được tổ chức trực tiếp tại Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo Quốc hội/Nghị viện các nước, trong đó kêu gọi hợp tác quốc tế một cách mạnh mẽ và chặt chẽ để cùng nhau vượt qua dịch bệnh.

"Trước hội nghị này thì Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã có thư gửi Chủ tịch Quốc hội nghị Viện các nước thành viên của Liên minh châu Âu kêu gọi hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian vừa qua với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành của các kênh ngoại giao thì kết quả trong việc vận động vaccine hợp tác phòng, chống dịch bệnh cho đến nay là hết sức tích cực đã góp phần tiếp cận nhiều hơn đối với vắc xin và giúp chúng ta từng bước có thể kiểm soát được dịch bệnh".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ bàn giao vaccine, thiết bị, vật tư y tế và kinh phí ủng hộ nhận được trong chuyến công tác tại Châu Âu của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.

Trong cuộc họp mới đây giữa Đảng đoàn Quốc hội với Đảng đoàn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội thời gian qua, góp phần nâng cao vị thế đất nước và thực hiện hiệu quả chiến lược ngoại giao vaccine.

Còn tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cử tri đánh giá cao hoạt động ngoại giao vaccnie của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong thời gian qua. Ông Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết: Trong thời gian qua, cử tri chứng kiến những hoạt động rất chủ động rất tích cực của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Chính phủ, của Quốc hội trong việc xúc tiến ngoại giao về vaccine và chứng kiến các nguồn cung cấp Vaccine ngày càng dồi dào hơn ngày càng đầy đủ hơn thì người dân rất yên tâm

Đổi mới, sáng tạo, lắng nghe ý kiến của cử tri, chuyên gia, nhà khoa học, không “bắc nước sôi chờ gạo người”, có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa để chuẩn bị tốt nhất cho công tác lập pháp - đó là phương châm hành động của Quốc hội khóa XV. Quốc hội quyết tâm đồng hành cùng đất nước để ban hành những quyết sách phù hợp với tình hình thực tiễn, tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang suốt chiều dài hơn 75 năm qua./.

Lê Tuyết- Vân Hồng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi-bam-sat-thuc-tien-de-co-quyet-sach-trung-898116.vov