Philippines sẽ đánh Trung Quốc nếu quân lính bị hại ở Biển Đông

Reuters ngày 30.5 dẫn lời Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon tuyên bố Philippines sẵn sàng lâm trận, nếu quân binh Philippines bị hại ở vùng Biển Đông tranh chấp.

Lính Philippines giữ chủ quyền lãnh thổ trên chiến hạm mắc cạn Sierra Madre - Ảnh: Saturday Paper

Cố vấn Esperon nói Philippines luôn muốn theo đuổi đối thoại để hạ nhiệt căng thẳng, nhưng không thể loại trừ chiến tranh là giải pháp cuối cùng, nếu quân đội Philippines bị khiêu khích hoặc bị tấn công. Ông nói với các nhà báo: “Đêm kia, Tổng thống nói nếu quân đội bị hại thì đấy sẽ là lằn ranh đỏ của ngài”.

Manila đã phản ứng với Trung Quốc "quá đáng lắm nhe" ở vùng biển Philippines

Ngày 28.5, Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano cũng nói Philippines sẵn sàng lâm trận, cho biết Manila không chấp nhận các hành vi “quá đáng lắm nhe” của Trung Quốc, như xây dựng công trình trên Bãi cạn Scarborough hoặc đơn phương khai thác dầu và khí đốt tại các vùng biển tranh chấp.

Khi thực hiện lễ thượng cờ ở trụ sở Bộ Ngoại giao Philippines, ông Cayetano nói với các nhà báo: Tổng thống Rodrigo Duterte đã cho Trung Quốc biết: rằng ông không cho phép xây dựng trái phép trên Bãi Scarborough hoặc khai thác dầu khí ở những khu vực mà Philippines có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Ngoại trưởng Philippines nói: “Không ai được phép tự ý khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đó. Tổng thống tuyên bố rằng nếu ai khai thác tài nguyên ở biển Tây Philippines, Ngài sẽ tuyên chiến”.

Sau khi Tổng thống Duterte chọn làm Ngoại trưởng Philippines hồi năm 2017, ông Cayetano nói từ năm 2017, Philippines đã cùng Trung Quốc đã thảo luận nhiều vấn đề gai góc gồm những hành động mà mỗi bên đều không chấp nhận được.

Ông Cayetano khẳng định “binh sĩ Philippines sẽ không chấp nhận bị Trung Quốc bắt nạt, khi họ tiến hành hoạt động tiếp tế hoặc sửa chữa các cơ sở, chẳng hạn một đường băng”.

Tổng thống Philippines bị chỉ trích "không dám đối đầu" với Trung Quốc

Các tuyên bố của hai vị Cố vấn và Ngoại trưởng Philippines, nhằm phản ứng với các nghị sĩ đối lập, là những người chỉ trích Tổng thống Duterte không dám đối đầu Trung Quốc, thậm chí không dám ra công hàm ngoại giao để phản đối Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Cayetano phản ứng với những chỉ trích: “Đối với những ai luôn miệng nói ‘hãy gửi công hàm phản đối’, việc chúng tôi nói rằng “chúng tôi đang thực hiện mọi biện pháp ngoại giao” có ý nghĩa gì?. Vào thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ chứng minh quí vị sai vì không có gì là bí mật mãi mãi. Một khi chúng tôi giải mật tất cả mọi thứ, một khi chúng tôi đạt được các mục đích trong tương lai, quí vị sẽ thấy Bộ Ngoại giao đã làm không thiếu thứ gì, từ hành động ngoại giao cho đến công hàm phản đối".

Biển Tây Philippines là tên gọi được Manila dùng, để chỉ vùng biển nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 370km của Philippines trên Biển Đông.

Trung Quốc cũng ráo riết quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trong vài năm qua, với lý do họ có quyền bảo vệ lãnh thổ.

Tuần trước, Philippines bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, trước việc Trung Quốc đưa máy bay ném bom H-6K có thể mang đầu đạn hạt nhân đến Biển Đông, nhưng Manila không hề phản ứng việc Trung Quốc dàn tên lửa trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Việc Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường hàng hải chiến lược trị giá 3 ngàn tỉ USD/năm, và trưng “bản đồ tự vẽ đường lưỡi bò 9 đoạn” đã gây ra tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan.

Manila cũng không yêu cầu Trung Quốc tuân theo phán quyết được Tòa trọng tài thường trực (PCA) tuyên hồi tháng 7.2016: Trung Quốc không hề có “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông, và bác “bản đồ tự vẽ đường lưỡi bò 9 đoạn”, dẫn đến tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan.

Đáng tiếc là không có cơ chế nào buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết, và không như tiền nhiệm, Tổng thống Duterte đang hài lòng với quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh và muốn Trung Quốc đầu tư mạnh vào nước ông. Ông thường nói không thể đánh trận với Trung Quốc mạnh hơn.

Các nghị sĩ Philipines cũng chỉ trích Tổng thống Duterte “thần phục” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hồi cuối năm 2016, Tổng thống Duterte tuyên bố “gạt qua một bên” phán quyết PCA và “không áp đặt bất cứ điều gì với Trung Quốc”.

Năm 2017, khi Tổng thống Trump đề nghị làm trung gian cuộc tranh chấp, ông Duterte nói “tốt nhất để yên vụ việc”, và ông sẽ không liều lĩnh đối đầu với Trung Quốc vì không có gì đảm bảo Mỹ sẽ đứng về phía các nước Đông Nam Á nếu chiến tranh nổ ra.

Theo Reuters, Tổng thống Duterte nhắc đi nhắc lại đề nghị Philippines cùng Trung Quốc khai thác và phát triển vùng Biển Đông nhiều dầu thô và khí tự nhiên.

Trung Trực (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/dien-bien-bien-dong-c-124/philippines-se-danh-trung-quoc-neu-quan-linh-bi-hai-o-bien-dong-89193.html