Philippines đối mặt 'bóng ma' lạm phát

Khi lạm phát tăng mạnh, khiến chi phí mua sắm nhu yếu phẩm hàng trở nên tốn kém hơn, người dân Philippines bắt đầu thắt chặt hầu bao và chờ đợi các giải pháp của chính phủ. Trong khi đó, Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, đổ lỗi lạm phát cho chính phủ Mỹ và giá dầu, theo tờ South China Morning Post.

Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, nói lạm phát tăng do Mỹ phát động chiến tranh thương mại chống Trung Quốc. Ảnh: AP

Người dân khổ sở vì lạm phát tăng

Đầu bếp nổi tiếng của Philippines, Him Uy de Baron, đang đối mặt với thế bế tắc. Chi phí loại ớt địa phương mà ông sử dụng để chế biến các món ăn tại chuỗi nhà hàng chuyên các món ăn Peru của ông ở Philippines gần đây đã tăng lên gấp ba. Các nguyên liệu nhập khẩu mà nhà hàng ông có nhu cầu cũng trở nên đắt đỏ hơn vì đồng peso của Philippines suy yếu. Ông đã tăng giá các món ăn tại các nhà hàng thêm 5-12% nhưng nếu ông tăng thêm nữa, khách hàng có thể không ghé trở lại.

“Nhà hàng món ăn Peru mà tôi quản lý sử dụng rất nhiều ngò. Dù chúng tôi đã được bảo đảm nguồn cung ngò nhưng giá tăng lên cao đến mức chúng tôi thấy cần phải giảm sử dụng ngò. Chúng tôi đã tăng giá các món ăn nhưng không thể tăng quá nhiều. Chúng tôi không ngừng cắt giảm chi phí công thức chế biến các món ăn để giữ giá bán thấp, giúp duy trì tính cạnh tranh”, Him Uy de Baron nói.

Cuộc khủng hoảng lạm phát đang nhen nhóm ở Philippines và đầu bếp Him Uy de Baron không phải là người duy nhất đau đầu về chuyện này. Ruiz Eden, một người dân ở thủ đô Manila, phàn nàn rằng, giá cà chua đã tăng lên mức 140 peso (60.000 đồng)/kg, gần gấp đôi so với cách đây một năm. Chị cho biết giờ đây, chị rất dè xẻn trong chi tiêu, đặc biệt là giảm mua các loại đồ uống vì giá của chúng đang quá đắt.

Hồi đầu tháng 9, Cơ quan Thống kê Philippines cho biết, mức lạm phát trong tháng 8 của Philippines tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 9 năm qua. Mức tăng này cũng cao hơn mức dự báo 5,9% của Bộ Tài chính Philippines. Với tốc độ lạm phát tăng như hiện tại, Philppines chắc chắn không đạt được mục tiêu kìm lạm phát ở mức 2-4% trong năm nay.

Khi Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines cách đây hai năm, lạm phát trong tháng 7-2016 chỉ là 1,9%. Hiện nay, giá cả các loại bia rượu và thuốc lá đã tăng 21,6% so với cách đây một năm, trong khi đó, giá các loại thức uống không có cồn tăng 8,5%. Giá bán lẻ trung bình của gạo loại thường là 45,27 peso (19.500 đồng)/kg trong tuần đầu tiên của tháng 9, tăng 19% so với cách đây một năm.

“Tôi không phải là chuyên gia kinh tế nhưng với tư cách là một doanh nhân, tôi muốn thấy các quan chức phải dành nhiều nỗ lực hơn để giải quyết vấn đề lạm phát”, Him Uy de Baron nói.

Lạm phát tăng do đâu?

Lạm phát ở Philippines tăng vì nhiều lý do bao gồm đồng peso mất giá, dầu thô tăng giá và thuế tiêu thụ tăng.

Đồng peso của Philippines đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua, chỉ còn 54,28 peso ăn một đô la Mỹ vào hôm 17-9, khiến chi phí các loại thực phẩm nhập khẩu tăng cao. Đầu bếp Him Uy de Baron đã cố gắng thay thế nguyên liệu nhập khẩu bằng các nguyên liệu địa phương rẻ hơn nhưng ông vẫn phải sử dụng một số nguyên liệu nhập khẩu để bảo đảm chất lượng của các món ăn.

Phát biểu trong một cuộc họp báo đầu tháng 9, Tổng thống Duterte đổ lỗi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc chiến thương mại mà ông phát động chống Trung Quốc đã khiến lạm phát tăng ở Philippines.

“Ai là người đã châm ngòi lạm phát? Nước Mỹ! Khi Mỹ tăng thuế (đánh vào hàng hóa Trung Quốc) và lãi suất cơ bản của đồng đô la thay đổi khiến giá cả mọi thứ tăng lên”, ông nói.

Hôm 21-9, trong cuộc trao đổi với báo chí, ông lại đổ lỗi giá dầu làm tăng lạm phát. Philippines phải nhập khẩu phần lớn dầu thô vì sản lượng dầu khai thác được ở trong nước không đáng kể. Một nghiên cứu cho thấy vào năm 2016, Philippines nhập khẩu đến 94% nhu cầu dầu thô so với con số 70% của Thái Lan, 41% của Indonesia và 10% của Malaysia.

Song Ngân hàng trung ương Philippines lý giải rằng, lạm phát một phần là do chính phủ áp các mức thuế tiêu thụ cao hơn, dẫn đến thực phẩm bia rượu và thuốc lá tăng giá.

Lạm phát của Philippines giờ đây đang ở mức cao thứ hai ở ASEAN, chỉ sau mức 7,56% của Myanmar.

Để khống chế lạm phát, các nhà hoạch định chính sách kinh tế của chính phủ Philippines dự định đề xuất ông Duterte ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm đơn giản hóa quy trình nhập khẩu thực phẩm.

Âm mưu lật đổ chính phủ ông Duterte?

Lạm phát ở Philippines trong tháng 8 tăng 6,4%, mức cao nhất trong 9 năm qua. Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Duterte cáo buộc các đối thủ chính trị của ông sử dụng lạm phát để lèo lái công luận chống đối ông. Ông nói rằng họ đang có âm mưu lật đổ ông.

Ông đã ra lệnh bắt giữ thượng nghĩ sĩ Antonio Trillanes của phe đối lập sau khi thu hồi lệnh ân xá dành cho Trillanes liên quan đến vai trò của ông trong các âm mưu đảo chính bất thành vào năm 2003 và 2007 để lật đổ vị Tổng thống Philippines lúc bấy giờ là Gloria Arroyo. Tuy nhiên, ông Trillanes nộp đơn lên tòa án tối cao để kiện quyết định thu hồi này.

Dù Duterte đã phán đoán đúng về âm mưu phế truất ông, câu hỏi hiện nay là, liệu sự bất bình của người dân về mức lạm phát tăng cao đã đủ để tiếp sức hiệu quả cho âm mưu đó hay không?

Maria Ela Atienza, giáo sư ngành khoa học chính trị ở Đại học Philippines Diliman nói, bà lưu ý rằng có mối tương quan lạm phát tăng cao và tỷ lệ ủng hộ một chính quyền. “Tuy nhiên, điều này thường kết hợp với các vấn đề khác như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, các vụ bê bối chính trị hoặc niềm tin ở bộ máy lãnh đạo đất nước xuống thấp”, bà nói.

Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7-2018 ở Philippines là 5,4%. Theo công ty nghiên cứu ý kiến công chúng Social Weather Station (Philippines), chỉ số hài lòng của cử tri đối với chính phủ của ông Duterte trong tháng 6-2018 ở mức 58 điểm, giảm so với mức 66 điểm hồi tháng 9-2016. Chỉ số hài lòng được tính dựa trên tỷ lệ phần trăm ý kiến hài lòng trừ tỷ lệ phần trăm ý kiến không hài lòng.

Philippines từng khốn đốn với những lần lạm phát tăng cao trước đây. Năm 1984, lạm phát ở Philippines tăng lên mức đỉnh 50,3% dười thời kỳ cầm quyền của nhà độc tài Ferdinand Marcos. Mức tăng cao của lạm phát gần đây nhất là vào năm 2008 với mức tăng 9%.

Rogelio Alicor Panao, giáo sư khoa học chính trị ở Đại học Philippines Diliman cho rằng, mối tương quan giữa mức lạm phát cao và tỷ lệ ủng hộ suy giảm đối với chính phủ dễ nhận thấy ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ nhưng ít chắc chắn hơn ở các nước đang phát triển. Ông cho rằng, tại các nước đang phát triển, các chính sách có thể gây ra lạm phát nhưng người dân không quan tâm nếu có những biện pháp bảo vệ họ được triển khai, chẳng hạn như trợ giá cho nông dân trồng lúa hay can thiệp chính sách để khống chế giá thực phẩm tăng.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279065/philippines-doi-mat-bong-ma-lam-phat.html