Philippines chống nạn mua bán trẻ em: Xâm nhập đường dây tìm lời giải

Trước vấn nạn mua bán trẻ em làm con nuôi, ngày 21/2, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký một đạo luật giúp cho việc nhận con nuôi hợp pháp trở nên đơn giản hơn, theo trang ABS-CBN hôm 14/3.

Và để việc nhận con nuôi đơn giản và ít tốn kém hơn, luật pháp cũng cho phép tiến hành các thủ tục hành chính để nhận con nuôi nếu đứa trẻ sống với cha mẹ nuôi ít nhất 3 năm trước khi đạo luật trên có hiệu lực và Bộ Phúc lợi Xã hội và Phát triển (DSWD) tuyên bố đứa trẻ có thể được nhận nuôi hợp pháp.

Đạo luật cũng sẽ xử phạt từ 6-12 năm hoặc phạt tiền không dưới 200.000 peso (gần 4.000 USD) đối với những người nhận con nuôi mà không xuất phát từ sự tự nguyện, thúc ép, hứa hẹn hoặc một áp lực nào đó, lừa đảo hay hành vi tương tự... Theo DSWD, hiện có khoảng 6.500 trẻ em chờ được nhận làm con nuôi.

"Điểm đến" - Các khu ổ chuột

Joyce đang tìm kiếm một đứa trẻ và cô ta biết rằng phải có ai đó trong khu ổ chuột muốn bán con của họ. Joyce trước đây là nữ hộ sinh (tên thật không được tiết lộ để bảo vệ danh tính), đã kết nối gần 30 bà mẹ tuyệt vọng trong các khu dân cư nghèo nhất ở Manila với những người mua trẻ sơ sinh để họ "nhận làm con nuôi".

Cảnh sát Philippines làm nhiệm vụ.

Cảnh sát Philippines làm nhiệm vụ.

Người phụ nữ này môi giới tất cả, từ bé trai đến bé gái, từ là người Philippines đến đa chủng tộc. Một vài đứa trẻ trong số đó thậm chí đã xuất ngoại để đến với một gia đình tốt. Song Joyce hiếm khi biết được nơi đến của đứa trẻ hoặc đứa trẻ còn sống hay không. Cô ta thực sự không quan tâm. Ngay khi được trả hoa hồng môi giới thì cô ta không còn bận tâm đến những đứa trẻ đó nữa.

"Nếu mẹ chúng thấy ổn thì tại sao tôi phải lo lắng?" - Joyce nói khi đang ngồi trên một chiếc xe tải tại một bãi đậu xe hẻo lánh cách nhà cô ta không xa.

Các em bé được mua bán nhanh chóng trong một hợp đồng giao nhận con nuôi - một hoạt động bất hợp pháp do những người cùng khổ trong tầng lớp nghèo của Philippines tiến hành. Sự nghèo đói lan rộng, cùng với sự thiếu tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe cơ bản đã khiến phụ nữ và trẻ em trong các cộng đồng nghèo khổ bị những kẻ buôn người lạm dụng dưới "vỏ bọc" trao nhận con nuôi.

Trẻ em thường được mua bán khi chúng mới vài ngày tuổi, hoặc có thể đã vài tháng tuổi. Giá bán một đứa trẻ sơ sinh thường dao động trong khoảng từ 100-500 USD. Nhưng theo kinh nghiệm của Joyce, giá có thể trên 1.000 USD nếu đó là đứa trẻ đa chủng tộc và được coi là "đẹp đẽ". "Những đứa trẻ được người nước ngoài nhận nuôi luôn rất được giá" - Joyce nói về một trong những đứa trẻ mà cô ta đã thực hiện giao dịch.

"Chúng tôi đã đồng ý với giá 50.000 peso (1.000 USD) song giá sau đó đã tăng lên vì em bé có một nửa dòng máu ngoại lai. Người mẹ cũng không ngờ diễn biến lại như vậy. Người mua đã trả thêm 10.000 peso (200 USD) khi thấy đứa trẻ thật xinh đẹp. Tôi được thưởng 10.000 peso đó và người mẹ cũng cho tôi thêm 5.000 peso (100 USD)" - Joyce cho biết.

Quy mô của hoạt động này thật khó xác định. Tuy nhiên, đôi khi nhiều trường hợp bất ngờ bị lộ. Năm ngoái, Jennifer Erin Talbot (quốc tịch Mỹ) bị bắt tại sân bay quốc tế Manila khi đang cố gắng đưa một trẻ sơ sinh 6 ngày tuổi ra khỏi Philippines trong một chiếc túi. Jennifer khai với cảnh sát rằng cô ta muốn nhận nuôi đứa trẻ và mẹ cậu bé đã tặng cho cô ta tại thành phố Davao.

Một trẻ sơ sinh Philippines trong vòng tay của mẹ tại Metro Manila. Ảnh: Pichayada Promchertchoo.

Thuật ngữ "nhận con nuôi" thường được sử dụng trong các giao dịch ngầm buôn bán trẻ em, nơi trẻ sơ sinh được bán mua trên thị trường chỉ bằng những giao kèo miệng giữa người mẹ, những người thân và kẻ chuyên môi giới trẻ sơ sinh như Joyce. Những kẻ phạm tội này giao dịch gần như hoàn toàn bằng lời nói và cẩn thận không để lại dấu vết, bằng chứng để có thể sử dụng kết tội chúng.

Trong quá trình điều tra hoạt động mua bán con nuôi bất hợp pháp, CNA đã tiếp xúc với hai "cò" chuyên trẻ sơ sinh ở thủ đô Manila. Cả hai "cò" đều nói rằng, chúng cùng chọn địa bàn hoạt động là những khu ổ chuột như Joyce.

Nơi đó, những trường hợp mang thai ngoài ý muốn và muốn bán con khá phổ biến. Việc mua bán con nuôi thông thường được trả bằng tiền mặt. Một trong 2 "cò" này đã sắp xếp thành công 3 vụ giao dịch cho đến nay. "Cò" còn lại tổ chức trót lọt 2 vụ. Theo họ, những người bán con thường là phụ nữ trẻ người Philippines làm việc trong các quán bar và không muốn vướng bận con cái.

Chúng tôi tìm kiếm người bán trong khu vực ổ chuột. Họ không muốn mang thai ở lần nhỡ nhàng đầu tiên. Vì vậy, khi sinh đứa trẻ ra, họ muốn vứt bỏ nó. Nên họ cố gắng bán đứa trẻ để lấy tiền" - Ronald Aguto, Trưởng phòng Chiến dịch Quốc tế của Cục Điều tra Quốc gia (NBI) cho biết.

Ronald Aguto cho hay, năm ngoái, cơ quan của ông đã tiến hành kiểm tra khoảng 10 trường hợp mua bán con nuôi. Số vụ việc "ổn định" trong những năm gần đây, song đó là vì NBI không có đơn vị chuyên xử lý tội phạm. Ông Aguto cho rằng, nếu có lực lượng điều tra riêng về loại tội phạm này, số vụ án có thể lớn không ngờ.

Tại Philippines, NBI luôn đi đầu trong nỗ lực triệt phá nạn buôn bán trẻ em làm con nuôi. "Luật đã quy định. Vì vậy, nếu bạn cố tình "lách" luật, đi "tắt", nhận tiền từ việc trao nhận con nuôi, thì nghĩa là nó đã trở thành phi vụ buôn bán trẻ em bất hợp pháp" - Aguto nói.

Vấn nạn ngang nhiên tồn tại

Bất chấp những xử phạt nghiêm khắc, việc mua bán con nuôi vẫn ngang nhiên tồn tại ở Philippines. Theo NBI, các giao dịch chủ yếu diễn ra tại Metro Manila - vùng đô thị đông dân nhất Philippines, nơi việc thanh toán được thực hiện trực tiếp bằng tiền mặt. Nhiều trẻ sơ sinh được đưa từ các vùng nông thôn lên giao tận tay cho người mua ở các thành phố lớn, Aguto nói với CNA.

Nghèo đói lan rộng đã khiến vô số phụ nữ và trẻ em trong các cộng đồng nghèo khó bị lạm dụng. Ảnh: Pichayada Promchertchoo.

Dựa trên kinh nghiệm của mình, những kẻ buôn người có xu hướng hoạt động theo nhóm nhỏ 2-3 người, bao gồm cha mẹ hai bên và "cò". Tuy nhiên, cũng không có hồ sơ chính thức phản ánh quy mô thực tế của các vụ việc bất hợp pháp này do tính chất bí mật, thỏa thuận ngầm giữa các bên.

"Buôn bán trẻ em là một vấn nạn toàn cầu ảnh hưởng đến số lượng lớn trẻ em. Một vài ước tính cho thấy có tới 1,2 triệu trẻ em bị buôn bán hàng năm" - theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).

Joyce đã có nhiều năm làm "cò" trẻ sơ sinh. Và cô ta tuyên bố đã môi giới thành công 27 em bé. Công việc trước đây là nữ hộ sinh cũng góp phần giúp cô ta có nhiều mối liên hệ. Cô ta biết rất nhiều bà mẹ mang thai bất đắc dĩ ở những khu vực tồi tàn của Manila cũng như người mua, "đồng nghiệp" môi giới tìm kiếm những đứa trẻ được sinh ra ngoài ý muốn.

Nhu cầu cao về trẻ sơ sinh cũng có nghĩa là các đơn hàng tiếp tục bất kể liệu có một phụ nữ mang thai nào sẵn sàng bán con hay không. Những người mua tiềm năng thường tìm đến những kẻ môi giới, đưa ra yêu cầu về giới tính, độ tuổi và ngoại hình. Sau đó, họ sẽ chờ "cò" tìm kiếm. Nếu Joyce không thể tìm được đứa trẻ đáp ứng yêu cầu của khách hàng, công việc của cô sẽ chậm lại.

"Nhưng một số người sẽ nói với tôi rằng: Đứa bé này thật ra sẽ không phải làm con tôi. Tôi cũng đang nhận để chuyển cho người khác. Họ không phải là người nhận nuôi đứa bé, mà chỉ là người nhận chúng. Họ nói trả 80.000 pesos (1.600 USD)" - Joyce cho CNA hay.

Trước khi trẻ sơ sinh được bán, một số người mua cũng phải trả thêm các chi phí chăm sóc trước sinh, chi phí sinh con và chi phí vận chuyển cho thai phụ, thường bắt đầu khi họ mang thai được 7-8 tháng, Joyce cho biết thêm.

Đến lúc này cả người bán và người mua sẽ hiểu rõ hơn về sức khỏe của thai nhi, nguy sơ sảy thai thấp, cô ta cho hay. Khoản thanh toán cuối cùng sẽ chỉ diễn ra sau khi "mẹ tròn con vuông". Đôi khi, đứa trẻ sơ sinh được mang đi ngay khi còn đỏ hỏn.

"Lúc tôi cắt dây rốn cho đứa trẻ, cha mẹ nuôi đã mang theo quần áo sơ sinh, mặc và ẵm em bé đi. Theo tôi, đây không phải là nhận con nuôi, mà những gì họ đang làm chính là bán tiếp đứa trẻ" - Joyce nói.

Tất cả là vì tiền!

Việc nhận con nuôi bất hợp pháp ở Philippines thường liên quan đến việc làm giả hồ sơ khai sinh. "Đứa trẻ được trao đi khi mới vài ngày tuổi. Vì vậy, khi đi đăng ký khai sinh, bạn thực sự có thể nói "Nó là con tôi" và tên bạn sẽ được ghi vào mục họ và tên mẹ. Đó là cách dễ nhất áp dụng trong trường hợp nhận con nuôi bất hợp pháp" - Gwendolyn Pimentel-Gana, từ Ủy ban Nhân quyền, một cơ quan của chính phủ chuyên điều tra các vi phạm về nhân quyền để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương ở Philippines, cho biết.

Trẻ em được nhận nuôi bất hợp pháp thường đến từ các khu ổ chuột. Ảnh: Pichayada Promchertchoo.

Bất chấp Luật Con nuôi, "có những kẽ hở trong hệ thống, rất nhiều yếu tố buộc cha mẹ bán con cho các vợ chồng - những người không muốn tiến hành quy trình pháp lý phức tạp" - Gwendolyn nói.

Theo UNICEF, có cả nhu cầu mua bán trẻ em để sử dụng như lao động rẻ tiền hoặc để khai thác tình dục. Mặc dù chưa có trường hợp nào liên quan đến việc nhận con nuôi bất hợp pháp với mục đích phạm pháp như vậy ở Philippines được phát hiện ra, song Aguto nói rằng, "đó là một khả năng lớn. Bởi nếu không, vụ việc đã trải qua quy trình pháp lý thông thường".

Tuy nhiên, việc nhận nuôi con hợp pháp có thể là một quy trình mất thời gian bao gồm cả quá trình hành chính và tư pháp. Đối với cha mẹ ruột muốn cho con đi làm con nuôi, họ cũng phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định do Bộ Phúc lợi và Phát triển xã hội đặt ra.

Các kênh hợp pháp có thể cung cấp cho họ trợ giúp xã hội, nhưng không đưa ra bất kỳ lợi ích tài chính nào. Vì vậy, đối với những người kiệt quệ về tài chính, họ sẵn sàng cho con miễn phí. "Họ không nghĩ nhiều đến việc đi đến trung tâm. Dường như họ không có thời gian làm việc đó. Tất cả thời gian của họ để làm những việc khác. Sau đó, những đứa trẻ ngoài ý muốn sẽ bị bán đi bởi vì họ không thể nuôi nấng chúng" - Joyce cho hay.

"Đôi khi tôi nghĩ, tại sao lại tồn tại những bà mẹ như vậy? Họ thậm chí chả nghĩ gì. Nhưng tôi không thể quyết định thay họ. Tôi không phải là mẹ của chúng và tôi cũng cần tiền. Quy tắc tiền bạc. Nhìn từ bất kỳ góc độ nào, thì tất cả cũng đều vì tiền" - Joyce nói.

Huyền Anh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/philippines-chong-nan-mua-ban-tre-em-xam-nhap-duong-day-tim-loi-giai-587352/