Philippines cấm thuốc lá điện tử

Quốc gia Đông Nam Á sẽ ban hành lệnh cấm hút và nhập khẩu thuốc lá điện tử, thậm chí bắt giữ bất kỳ ai sử dụng những sản phẩm này nơi công cộng.

Thông báo được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra trong cuộc họp báo đột xuất sau khi Bộ Y tế nước này ghi nhận trường hợp tổn thương phổi đầu tiên liên quan hút thuốc lá điện tử. Hồi tháng 10, Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Sebastuez cho biết cấm thuốc lá điện tử là không khả thi nhưng Manila có thể đánh thuế cao để hạn chế người dân sử dụng. Tuy nhiên, ông Duterte tại cuộc họp khẳng định chính phủ có quyền ban hành các lệnh cấm như biện pháp bảo vệ sức khỏe và lợi ích cộng đồng.

Thuốc lá điện tử đang bị cấm tại nhiều nước do tác hại đối với sức khỏe. Ảnh: Nikkei Asian Review

Thuốc lá điện tử đang bị cấm tại nhiều nước do tác hại đối với sức khỏe. Ảnh: Nikkei Asian Review

Theo lãnh đạo Philippines, thuốc lá điện tử vẫn chứa nicotine cùng nhiều hóa chất khác gây hại sức khỏe người hút và ảnh hưởng người xung quanh không khác gì thuốc lá điếu. Trước đó, Manila đã cấm hút thuốc lá đầu lọc nơi công cộng. Tổng thống Duterte, 74 tuổi, từng là người nghiện thuốc lá nặng nhưng bắt đầu cai thuốc khi ông được chẩn đoán mắc bệnh Buerger có thể gây tắc nghẽn mạch máu.

Theo Reuters, lệnh cấm của Philippines có thể cắt đứt thị trường tiềm năng đối với các nhà sản xuất thuốc lá điện tử lớn của Mỹ như Juul Labs và Philip Morris International khi các công ty này chuẩn bị mở rộng sang châu Á giữa lúc nhiều bang trong nước ban lệnh cấm đối với thuốc lá điện tử vì nghi gây ra các chứng bệnh phổi nguy hiểm trên hàng ngàn người. Thuốc lá điện tử xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ hơn 10 năm trước và nhanh chóng trở thành ngành công nghiệp “ăn nên làm ra” khi tạo nên trào lưu mới trong giới trẻ. Thị trường thuốc lá điện tử toàn cầu năm 2018 ước tính trị giá 15,7 tỉ USD và được dự đoán tăng lên 40 tỉ USD vào năm 2023.

Với nhiều tên khác nhau (vape, e-pipe, mod và e-hookah), thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin và hình dạng giống thuốc lá đầu lọc, xì gà hoặc ống điếu. Một số khác thì trông như cây viết, USB…Không như thuốc lá đầu lọc, thuốc lá điện tử hoạt động bằng cách đốt nóng chất lỏng và tạo ra luồng hơi để người dùng hít vào. Thường chất lỏng có hoặc không chứa nicotine, các loại hóa chất và hương vị. Từng được ví như công cụ giúp bỏ thuốc lá đầu lọc, thuốc lá điện tử được ưa chuộng với ưu điểm theo quảng cáo là rất ít nicotine, không tàn thuốc, không độc hại, không gây nghiện, không ảnh hưởng người xung quanh và ít gây bệnh. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang đối mặt làn sóng phản đối khi ngày càng có nhiều báo cáo về tác động tiêu cực của nó tới sức khỏe con người và lo ngại gây nghiện trong giới trẻ.

Theo Hiệp hội Y khoa Mỹ, khoảng 2.100 người đã mắc bệnh và 42 trường hợp tử vong liên quan hút vape tại nước này. Hồi tháng 9, Tổng thống Donald Trump thừa nhận đang có vấn nạn sử dụng thuốc lá điện tử tại Mỹ và chính quyền có kế hoạch loại bỏ các loại thuốc lá điện tử có hương vị và “nicotine pod” (kén nhỏ chứa nicotine) khỏi thị trường. Tính đến hiện tại, nhiều bang của Mỹ như New York, Michigan, Rhode Island, Montana, Washington, Oregon và California đã ban lệnh cấm tạm thời nhưng cam kết của Tổng thống Trump về lệnh cấm liên bang vẫn giậm chân tại chỗ khi các nhà vận động hành lang bắt đầu gây áp lực buộc Washington thỏa hiệp - đặc biệt nếu ông Trump muốn tái đắc cử vào năm 2020.

Đến nay, thuốc lá điện tử đã bị cấm tại 30 quốc gia, bao gồm nước có số người trưởng thành hút thuốc lá lớn thứ 2 trên thế giới như Ấn Độ. Tại Hàn Quốc, chính phủ đã kêu gọi người dân ngưng sử dụng thuốc lá điện tử đồng thời thắt chặt quy định kinh doanh các sản phẩm này và tăng cường thủ tục hải quan đối với chất lỏng nhập khẩu dùng cho thuốc lá điện tử. Ở Đông Nam Á, các nước Thái Lan, Singapore và Campuchia cũng thực hiện lệnh cấm mua bán, sử dụng các hình thức thuốc lá điện tử. Đầu tháng 10, Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này muốn gom các loại thuốc lá điện tử, thiết bị tạo khói thuốc cá nhân vào danh mục các sản phẩm thuốc lá theo một luật duy nhất cấm quảng bá, quảng cáo, sử dụng ở nơi công cộng và trong thanh thiếu niên.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, New York Daily)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/philippines-cam-thuoc-la-dien-tu-a115381.html