Philippines bất bình về việc Bắc Kinh cản phá ngư dân

Dân chúng Philippines phẫn nộ vì phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát bãi cạn Scarborough.

Ngày 15/6/2018, Cục Thủy sản và Tài nguyên nước Philippines (BFAR) đưa ra một báo cáo cho thấy mức thiệt hại nặng nề đối với các rặng san hô quanh khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham dưới sự kiểm soát của lực lượng tuần duyên Trung Quốc.

Phá hủy san hô

Bản báo cáo nêu rõ khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham hiện không còn cá nữa vì thức ăn cho cá là từ san hô đã biến mất. Phải mất ít nhất 40 năm san hô mới mọc lại. Theo báo cáo, nguyên nhân là do không có người quản lý ngư dân ở đây, để họ thỏa sức đánh bắt trái phép, bao gồm việc sử dụng chất nổ đối với các rặng san hô.

Chánh án Antonio Carpio của Philippines đã kêu gọi chính phủ Manila phải nộp đơn khiếu nại Trung Quốc vì đã thực hiện những biện pháp ép buộc, cũng như gây ra những thiệt hại về môi trường và vi phạm chủ quyền Philippines tại khu vực này.

Trưng thu cá của ngư dân Philippines

Trong khi đó, một đài Mỹ ngày 18/6 cho biết, người dân Philippines ngày càng phản ứng mạnh hơn khi Trung Quốc gia tăng kiểm soát bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và vùng lân cận còn đang tranh chấp, cũng như gây khó dễ cho ngư dân Philippines khai thác hải sản tại vùng biển này.

Ngư dân Philippines phản đối việc cảnh sát biển Trung Quốc sách nhiễu họ tại Biển Đông.

Ngày 10/6, trả lời báo Inquirer, Ngoại trưởng Philippines Cayetano cho biết Manila và Bắc Kinh đồng ý về quyền tự do đánh bắt của ngư dân trong khu vực có tranh chấp ở Biển Đông. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một đoạn băng video cho thấy cảnh sát biển Trung Quốc sách nhiễu tàu cá của Philippines gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Theo lời Ngoại trưởng Cayetano, Đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Giám Hoa đã cam kết với phía Philippines là “tất cả những ai vi phạm” luật pháp sẽ bị kỷ luật.

Trong khi đó, hai quan chức Philippines cho hãng AP biết lực lượng tuần duyên Trung Quốc tiếp tục tịch thu hải sản mà ngư dân Philippines đánh bắt được tại Scarborough/Hoàng Nham; mặc dù Manila từng lên tiếng phản đối sau khi xảy ra tình trạng như thế trước đây.

Chính quyền Philippines đã kêu gọi các thuyền viên thông báo với Bộ Ngoại giao trong trường hợp bị hải cảnh Trung Quốc sách nhiễu. Không đi sâu vào chi tiết, Ngoại trưởng Cayetano cho biết đến nay đã nhận được khoảng 100 đơn về những sự cố tương tự, trong đó có một vụ ngày 17/6 mạng truyền hình GMA của Philippines chứng kiến hải cảnh Trung Quốc uy hiếp ngư dân Philippines và đòi tịch thu cá trên tàu của họ.

Một người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines đã khẳng định các nhân viên cảnh sát biển Trung Quốc đã tịch thu cá dưới hình thức “trao đổi”. Tổng thống Duterte thì cho rằng sự trao đổi trên biển là “sự việc thường tình”.

Còn ngư dân cho biết cảnh sát biển Trung Quốc tịch thu các loại cá tốt, trong khi “đổi” bằng thuốc lá và mì ăn liền kém phẩm chất hoặc quá hạn sử dụng.

Nghị sĩ Philippines Gary Ale đã ra tuyên bố phản đối hành động nói trên của Trung Quốc, nhận xét rằng Trung Quốc hành động như thể họ ban ơn cho ngư dân Philippines trong việc đánh cá ở vùng biển vốn thuộc của Philippines. Nghị sĩ Alejano nói: “Đây lại thêm một dẫn chứng về việc chính quyền (Duterte) nói sai sự thật và lừa dối người dân Philippines”.

Ngư dân Philippines thu hoạch cá tại bãi cạn Scarborough - một khu vực vốn giàu hải sản nhưng nay dưới sự kiểm soát chặt chẽ của hải cảnh Trung Quốc .

Theo chuyên gia luật biển ở Philippines, ông Jay Batongbacal, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham thuộc chủ quyền của Philippines kể từ thời kỳ Manila còn là thuộc địa của Tây Ban Nha và sau đó là Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cho rằng bãi cạn này là một tài sản của Bắc Kinh ở Biển Đông kể từ “thời cổ đại”.

Chính quyền Duterte đã thương lượng với Bắc Kinh để chấp nhận cho ngư dân Philippines được đánh bắt cá tại ngư trường truyền thống này. Tuy nhiên, ngoài việc ngư dân Trung Quốc tàn phá các rặng san hô, thì gần đây, các lực lượng chấp pháp Trung Quốc luôn thường trực ở khu vực xung quanh bãi cạn gây trở ngại cho việc đánh bắt cá của người Philippines. Có thể đây là cách chính quyền Bắc Kinh tạo sức ép lên phía Philippines do việc thực hiện “khai thác chung” như đã cam kết, cho đến nay vẫn chưa triển khai được gì.

Philippines muốn thảo luận lại với Trung Quốc về phán quyết PCA?

Đài Tiếng nói quốc tế Trung Quốc (18/6) đưa tin, ngày 18/6, Tổng thống Philippines Duterte phát biểu trong một lễ kỷ niệm tại Bộ Ngoại giao Philippines nhân dịp 120 năm thành lập bộ này, cho biết sẽ thảo luận với Trung Quốc về thực hiện kết quả phán quyết của Tòa trọng tài Biển Đông. Ông Duterte cho biết trong vấn đề Biển Đông; lập trường đơn phương cứng rắn không giải quyết được vấn đề, cần trao đổi thẳng thắn với Trung Quốc. Ông Duterte bày tỏ vấn đề Biển Đông không phải cứ gác lại không giải quyết mà trong nhiệm kỳ này sẽ thảo luận với Trung Quốc về việc thực hiện kết quả vụ kiện Tòa trọng tài.

Hiện tại, người ta nghi ngờ việc chính quyền Duterte nêu trở lại các phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) khi họ đã ngả bài quá sớm với Bắc Kinh trong dịp chính quyền mới tiếp cận Bắc Kinh cuối năm 2016. Họ tuyên bố không nêu phán quyết, vì nôn nóng hòa giải xung đột về Biển Đông nhằm đổi lấy các chương trình đầu tư của Trung Quốc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường. Sau hai năm đàm phán, thương lượng đủ các cấp, thực tế vẫn là “xôi hỏng bỏng không”./.

Hoài Nam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/philippines-bat-binh-ve-viec-bac-kinh-can-pha-ngu-dan-352360.html