Philippe Troussier: Điểm tương đồng và sự khác biệt với ông Park

Trong hành trình huấn luyện, Philippe Troussier có những nét tương đồng nhất định với Park Hang Seo về chiến thuật cũng như khía cạnh xây dựng đội hình.

Sự tương đồng về chiến thuật

Trong thời gian làm việc với bóng đá Việt Nam, từ đội U23 đến ĐTQG, HLV Park Hang Seo đặt dấu ấn đậm nét với chiến thuật được xây dựng dựa trên hệ thống 3 trung vệ.

Đây cũng là phong cách chiến thuật gắn liền với cuộc hành trình đi khắp thế giới của Philippe Troussier.

HLV yêu thích đội hình 3 trung vệ

HLV yêu thích đội hình 3 trung vệ

Vào thời điểm Troussier bắt đầu công việc huấn luyện, lối đá 3 trung vệ đang là xu hướng đỉnh cao ở bóng đá châu Âu, đặc biệt là tại Pháp.

Marseille là đại diện tiêu biểu cho bóng đá Pháp thành công với phong cách này. Họ vào chung kết Cúp C1 năm 1991, rồi sau đó trở thành CLB đầu tiên của Ligue 1 vô địch Champions League.

Trong trận chung kết Champions League 1992-93, Marseille thắng Milan 1-0 với bộ ba trung vệ Jocelyn Angloma - Basile Boli - Marcel Desailly đá phía sau tiền vệ phòng ngự Didier Deschamps - hiện là HLV trưởng đội tuyển Pháp.

Cũng sơ đồ này, với Albert Ferrer - Ronald Koeman - Nando đá sau lưng Pep Guardiola, người tùy thời điểm có thể trở thành trung vệ thứ 4, Barcelona dưới sự dẫn dắt của huyền thoại Johan Cruyff lần đầu tiên vô địch Cúp C1 châu Âu vào năm 1992 (thắng Sampdoria 1-0).

Theo quan điểm của Troussier, 3 trung vệ có khả năng được đẩy lên cao để phát triển bóng. Đồng thời, với cách bố trí này, đội bóng của ông khai thác khu vực việt vị như một công cụ để kiểm soát đối phương.

Đồng thời, theo lựa chọn của nhà cầm quân người Pháp, các tiền vệ trung tâm trở thành những giải pháp ở hai biên (hậu vệ cánh, khi chuyển sang 5-3-2, hoặc tiền vệ cánh trong hệ thống 3-5-2, 3-4-3).

Ở Nhật Bản, HLV Troussier tạo ra đội hình biến hóa và năng động

Về điểm này, công thức Troussier khác với bộ khung đội tuyển Việt Nam của Park Hang Seo - người yêu thích các cầu thủ chạy cánh thuần túy (Văn Thanh, Văn Hậu, Hồ Tấn Tài, Hồng Duy).

Thành công của Nhật Bản tại World Cup 2002 đến từ giải pháp này. HLV Troussier xếp tiền vệ trung tâm Shinji Ono trấn giữ hành lang trái, trong khi tiền vệ phòng ngự Tomokazu Myojin lấy chỗ của hậu vệ phải Daisuke Ichikawa.

Trước đó, nền tảng 3 trung vệ mà Troussier triển khai đưa Nhật Bản đến với ngôi quán quân Asian Cup 2000. Giải ấy, tiền vệ tấn công Hiroaki Morishima vốn thuận chân phải được kéo sang đá cánh trái và phát huy được hiệu quả cao.

Giá trị tập thể

"Không phải những người đá chính giữa có nhiệm vụ nâng hoặc kéo hàng thủ xuống dưới", Koji Nakata, một trong những trung vệ yêu thích của ông Troussier khi làm việc ở Nhật Bản (1998-2002), giải thích về cách triển khai đội hình.

Hàng thủ 3 trung vệ phải di chuyển đồng bộ và cơ động. Đồng thời, việc sử dụng tiền vệ trung tâm ở hai biên giúp phát huy kiểm soát bóng chủ động.

HLV Troussier là người nhấn mạnh chủ nghĩa chủ động trong bóng đá. "Khía cạnh tổ chức với sự chủ động chiếm 60%, sức mạnh cá nhân 30% và những yếu tố không chắc chắn là 10%", ông nói về phong cách của mình.

Với Troussier, "quả bóng lý tưởng nhất là khi cầu thủ có thể tự động di chuyển theo vị trí và tình hình của từng người".

Từ quan điểm này, giống như Park Hang Seo, ông Troussier không cho phép chủ nghĩa cá nhân tồn tại trong đội hình của mình.

"Tôi sẽ không cho phép Jimi Hendrix, nghệ sĩ guitar vĩ đại nhất thế giới, chơi solo trong 40 giây, ngay cả khi ông ấy hiện diện trong ban nhạc của tôi. Thành công đến từ từ việc chiến đấu có tổ chức", nhà cầm quân người Pháp nhấn mạnh. Hendrix (1942-1970) được xem là một trong những nghệ sĩ guitar điện có ảnh hưởng nhất đến lịch sử âm nhạc đại chúng, và là một trong những nhạc sĩ danh tiếng nhất thế kỷ 20.

Giống như Park Hang Seo, ông Troussier không cho phép cái tôi trong tập thể

Bóng đá của "phù thủy trắng" là sự linh hoạt, chứ không chỉ đóng khung theo sơ đồ 3 trung vệ mà ông thường lựa chọn.

Đối với Troussier, sự linh hoạt và hoán đổi vị trí cầu thủ rất quan trọng. Khi ấy, một cầu thủ chấn thương sẽ không ảnh hưởng đến sự vận hành của đội, vì luôn có nhân sự thay thế thích hợp.

Troussier chỉ ra Brazil năm 1982, với một trong những đội hình mạnh nhất lịch sử do Zico làm thủ lĩnh, thất bại nặng nề trong kỳ World Cup ở Tây Ban Nha vì duy trì kiểu tấn công khuôn mẫu, lặp đi lặp lại từ sân tập, từ trận này sang trận khác.

"Đó là cơ chế bảo thủ, chủ nghĩa máy móc", tiền vệ Falcao, thành viên đội hình Brazil dự World Cup 1982 và huấn luyện Nhật Bản vào năm 1994, đồng ý với quan điểm của Troussier khi "Selecao" thất bại.

Troussier luôn tìm những cầu thủ phù hợp để chất lượng bóng đá không ảnh hưởng khi thay một vài thành viên. Về cơ bản, điều này khiến một số cá nhân xuất sắc có nguy cơ bị gạt bỏ vì không phù hợp với cơ chế và nhịp độ mà ông xây dựng.

Việc Park Hang Seo loại bỏ Văn Quyết một thời gian dài cũng có nguyên nhân tương tự.

Ngọc Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/philippe-troussier-diem-tuong-dong-va-su-khac-biet-voi-ong-park-2106395.html