Phiêu lưu cùng Đi trốn

Mới đây, tác giả Bình Ca đã cho ra mắt tác phẩm Đi trốn. Đọc cuốn sách mới này của tác giả Quân khu Nam Đồng, bạn đọc khó lòng nhận ra đây là một cuộc phiêu lưu do người viết tưởng tượng ra hay là hồi ức về câu chuyện có thật.

Có lẽ, chính sự khó phân biệt ấy đã giúp Đi trốn gặt hái thành công, trở thành “hiện tượng” xuất bản của mùa thu năm nay khi được đông đảo bạn đọc đón nhận. Ở lần xuất bản đầu, cuốn sách đã được in 5.000 cuốn, và sau 3 tuần phát hành đã lập tức được tái bản. Điều gì làm nên sức hút của Đi trốn?

Ngay từ đầu câu chuyện, Đi trốn khiến độc giả cười ra nước mắt với đủ chuyện nghịch ngợm, hài hước của lũ trẻ ở Trại Nhi đồng Khe Khao, với những tình huống mà nếu chưa từng trải qua, bạn đọc hẳn không thể tin đó từng là sự thật. Như chuyện phải vay... chất thải của nhau chẳng hạn. Gần đây, trong buổi ra mắt sách Đi trốn, có độc giả khiến cả hội trường bật cười khi đứng lên “chứng thực” câu chuyện kể của tác giả Bình Ca.

Bình Ca đã bắt đúng tâm lý của tuổi thiếu niên, bồng bột, dễ xúc động nhưng lại luôn nghĩ bản thân có thể tự làm tất cả. Và vụ mất tích trong mắt người lớn, nhưng là cuộc đi trốn đầy phiêu lưu của nhóm trẻ đã bắt đầu từ đó. Theo từng bước chân của các nhân vật trong truyện, cả một chốn thần tiên của thiên nhiên Việt Nam đã dần hiện ra với những thung, những động, những hang, những hồ được miêu tả đẹp như tranh vẽ và dịu dàng như một bài thơ. Song, thiên nhiên không chỉ có vẻ lãng mạn đẹp tươi, mà cũng ẩn chứa sự nguy hiểm, nhất là với những đứa trẻ thành phố. Chúng phải đối mặt với hổ, rắn, bị ong tấn công, phải lo kiếm cái ăn, lo tìm chỗ ngủ trong khốn cảnh không tìm được đường về do bom Mỹ ném xuống đã lấp cửa hang mà người bạn trong đội thì bị thương và lên cơn sốt...

Đi trốn là bản nhạc hay trong cuộc đời của những đứa trẻ, nhưng bản nhạc ấy cũng có những nốt trầm buồn khi có bạn bị tổn thương nặng ở mắt, có bạn đã vĩnh viễn ra đi. Đằng sau cuộc đi trốn phiêu lưu kỳ thú, hồi hộp và mạo hiểm ấy là những câu chuyện xúc động về số phận, về gia đình, về những tình cảnh trớ trêu chỉ có trong những tháng năm kháng chiến, như tác giả Bình Ca đã viết ở khúc Vĩ thanh: “Trong số hơn 32.000 học sinh miền Nam trên đất Bắc thời kháng chiến chống Mỹ, hoàn cảnh như Linh cũng không phải cá biệt. Đó là thực tế mà những người trong cuộc phải chấp nhận. Có thể coi đó là số mệnh của những người sinh ra trong thời chiến, hay nói văn chương một tý, đó là nỗi buồn chiến tranh”.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, “Đi trốn là câu chuyện về những đứa trẻ trong sáng và đầy hiếu kỳ nhưng chứa đựng một thông điệp lớn về cuộc đời”.

Vân Lam

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/985155/phieu-luu-cung-di-tron