Phiên xử lịch sử luận tội TT Trump bắt đầu ở Thượng viện

Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ tuyên thệ làm người chủ trì phiên tòa luận tội Tổng thống Trump và các thượng nghị sĩ chính thức trở thành 'thẩm phán công tâm'.

Thượng viện Mỹ chính thức mở phiên tòa luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/1. Đây là lần thứ 3 trong lịch sử một phiên tòa như vậy diễn ra tại cơ quan lập pháp này.

Chánh án Tòa tối cao John G. Roberts trở thành người chủ trì phiên tòa.

 Chánh án Tòa tối cao John G. Roberts tuyên thệ để trở thành người chủ trì phiên tòa. Ảnh: AP.

Chánh án Tòa tối cao John G. Roberts tuyên thệ để trở thành người chủ trì phiên tòa. Ảnh: AP.

Những tiết lộ mới

Tại buổi lễ, Chánh án Roberts thề sẽ thực thi phiên tòa luận tội Tổng thống Trump theo đúng hiến pháp và pháp luât. Ông sau đó đọc lại lời thề công tâm có tuổi đời đã 222 năm, chỉ được tuyên thệ trước đó đúng 2 lần trong lịch sử Mỹ.

Các thượng nghị sĩ lần lượt ký tên trong quyển sách tuyên thệ tại buổi lễ, khởi đầu bước cuối cùng trong nỗ lực của các đối thủ nhằm phế truất Tổng thống Trump.

Phiên tòa luận tội tổng thống diễn ra giữa lúc xuất hiện chứng cứ mới cho thấy Tổng thống Trump tạo sức ép lên Ukraine buộc điều tra đối thủ trong đảng Dân chủ.

Gần hai tiếng trước lễ tuyên thệ, 7 thành viên Hạ viện Mỹ đã tổ chức cuộc tuần hành đến phòng xét xử và đọc lớn những tội danh của tổng thống. Hạ nghị sĩ Adam Schiff cáo buộc Tổng thống Trump lạm dụng quyền lực và ngăn cản Hạ viện điều tra bằng cách che giấu những hành động của mình.

"Tổng thống Trump xứng đáng bị luận tội, xét xử, phế truất và mất tư cách đảm nhiệm hoặc được hưởng mọi chức vụ, niềm tin tưởng và lợi ích tại Mỹ", ông Schiff nhấn mạnh.

Kết quả điều tra của Hạ viện cho biết Tổng thống Trump gây sức ép cho Ukraine để điều tra các đối thủ chính trị, chặn khoản viện trợ quân sự 391 triệu USD làm lợi thế đàm phán, và ngăn cản Hạ viện tiến hành điều tra hành vi của ông.

Lev Parnas, một cộng sự của luật sư riêng tổng thống Rudolph Giuliani, vừa qua tiết lộ thêm hàng loạt tin nhắn, lời nhắn ghi âm, lịch làm việc và các tài liệu khác về âm mưu này cho cơ quan điều tra.

Ông Parnas khẳng định Tổng thống Trump đã biết rõ về nỗ lực điều tra đối thủ chính trị của mình, dẫn đầu bởi luật sư Giuliani. Những bằng chứng mà ông cung cấp hé lộ thêm nhiều chi tiết mới về quá trình gây áp lực lên Ukraine.

Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ, cơ quan liên bang phi đảng phái, cũng kết luận quyết định hoãn gói viện trợ quân sự Ukraine của Tổng thống Trump là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan này nhận định tổng thống không có quyền ngăn chặn việc sử dụng số ngân sách mà Hạ viện đã phê duyệt.

Các trợ lý của Tổng thống Trump nói ông không theo dõi buổi bắt đầu phiên tòa luận tội chính mình, được truyền hình trực tiếp.

Theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham, phản ứng chính thức của Tổng thống Trump trước các cáo buộc luận tội sẽ chứng tỏ ông không làm điều gì sai trái. Bà cũng bác bỏ những chứng cứ mới xuất hiện về chiến dịch gây áp lực lên Ukraine.

Cảnh lễ tuyên thệ tại Thượng viện Mỹ cho phiên xử luận tội TT Trump. Ảnh: AP.

Lệnh triệu tập TT Trump

"Chúng tôi không quá lo lắng về điều này. Chúng tôi hiểu rằng mọi việc tại Thượng viện sẽ diễn ra công bằng", Grisham cho biết.

Sau buổi tuyên thệ, Thượng viện Mỹ ra lệnh triệu tập đối với Tổng thống Trump, thông báo cho ông về những cáo buộc chính thức và mời ông phản hồi trước tối 18/1.

Các thượng nghị sĩ cũng đưa ra một danh sách hạn chót cho đội ngũ Tổng thống Trump và quan chức Nhà Trắng. Phiên tòa được tạm hoãn vào cuối tuần.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo nhóm đa số Cộng hòa tại Thượng viện, cùng các trợ lý đang chuẩn bị một nghị quyết để thiết lập giới hạn cho giai đoạn đầu xét xử luận tội.

Các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ dự tính đồng loạt phản đối nghị quyết này khi tổ chức bỏ phiếu vào ngày 21/1. Họ lo ngại giới hạn mà đảng Cộng hòa đề xuất sẽ không đảm bảo được nhân chứng xuất hiện trước tòa và bằng chứng mới không được bổ sung. Các thượng nghị sĩ Dân chủ sẽ đề xuất chỉnh sửa nghị quyết trong phiên tranh luận cùng ngày.

Dự thảo nghị quyết của ông McConnell gửi đến các thành viên đảng Cộng hòa cho thấy sau khi các bên trình bày luận điểm mở màn và phần chất vấn của thượng viện, các thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu ủng hộ hoặc phản đối tiếp tục nghe lời khai của nhân chứng được phía Hạ viện và đội luật sư tổng thống đề cử.

Đây được xem là một chiến thắng cho phe trung lập của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa rằng phe bảo thủ và đội ngũ Tổng thống Trump sẽ không đạt được điều họ mong muốn: Trực tiếp bỏ phiếu hủy vụ án ngay sau phần trình bày mở màn của các bên.

Mô hình biểu quyết hủy xét xử từng nằm trong các quy định phiên tòa luận tội Tổng thống Bill Clinton vào năm 1999, vốn được Thượng nghị sĩ Mitch McConnell xem là hình mẫu cho dự thảo nghị quyết của mình.

Tổng thống Trump đã đợi sau khi buổi lễ tuyên thệ của Chánh án John Roberts và ký tên của các thượng nghị sĩ kết thúc để lên tiếng bày tỏ bức xúc về phiên xét xử lịch sử. "TÔI VỪA BỊ LUẬN TỘI CHỈ VÌ MỘT CUỘC GỌI HOÀN HẢO", nhà lãnh đạo 73 tuổi viết trên mạng xã hội Twitter.

Trước đó, tại sự kiện mừng Ngày Tự do Tôn giáo Quốc gia ở Phòng Bầu dục ngày 16/1, Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng phiên xét xử có thể kết thúc nhanh chóng. Ông khẳng định mình không biết gì về nhân chứng mới xuất hiện Lev Parnas, cộng sự của luật sư riêng Rudolph Giuliani, dù từng có ảnh chụp hai người gặp nhau trong quá khứ.

"Tôi nghĩ mọi việc sẽ diễn ra rất nhanh. Tất cả chỉ là trò lừa bịp. Ai cũng biết rõ điều điều đó", ông trả lời với báo giới.

Ông Trump trở thành tổng thống Mỹ thứ ba trong lịch sử bị luận tội Tối 18/12 giờ Washington, Hạ viện Mỹ đã chính thức bước vào cuộc bỏ phiếu đối với hai điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump là lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội.

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phien-xu-lich-su-luan-toi-tt-trump-bat-dau-o-thuong-vien-post1036995.html