'Phiền toái'',với ng. anhanh

Biết mình/tự cho mình 'đã là một phiền toái', thì có lẽ nỗi 'phiền toái' ấy hẳn là một tra tấn/tra vấn đặc biệt với một người thơ.

Thao tác thơ chính yếu trong tập này là đối thoại, tự thoại. Đều là những cuộc “nói chuyện” một mình. Lý Đợi nhận định đây thuộc dòng thơ “tự thú” (confessional poetry). Một dòng thơ ra đời giữa thế kỷ 20 ở Tây phương, như là một phản ứng lại với dòng thơ nhân cách hóa, điển hình hóa lâu nay vốn phổ biến, thịnh trị.

Luôn thấy mình sống trong thân thể kẻ khác. Mình là kẻ xa lạ. “Tôi sống quá lâu trong thân thể kẻ khác/ Tôi tổn thương quá lâu trong cảm xúc kẻ khác/ Tôi còn chẳng rõ mình thật có nước mắt/ Tôi chỉ chắc mình sở hữu cô đơn” (1)

Luôn tìm cách rạch sâu vết thương của mình “như con thú cắn vết thương để lớn” (22). “Tổn thương là sở hữu vô giá/ của số phận”… “Sự trống trải từ ngàn vết thương/ khối tài sản khổng lồ” (14).

Luôn phân thân một cách đầy mâu thuẫn. “Tôi chỉ chắc mình sở hữu cô đơn” (1) “Tôi còn chẳng biết mình cô đơn” (4) “Căn phòng cửa khóa trái/ tôi mong ai đó gọi tên mình” (5). “Đừng trao cho em những gì tốt đẹp/ lâu rồi/ em đâu cần cuộc sống an yên…”. (3). Nhận ra tình yêu là một “thứ hão huyền”, nhưng lại “chẳng thể mua” (7).

Xét theo lý thuyết về tư duy, có lẽ tư duy thơ ng. anhanh không chỉ như một “hoạt động tinh thần” (mental activity) đơn thuần, mà có thể quy chiếu để xem xét nhiều hơn về mặt “trạng thái tinh thần” (mental state), hoặc “sự kiện tinh thần” (mental events).

Tôi cho rằng, ng. anhanh ít khi chuẩn bị cho việc mình “sẽ làm một bài thơ”. Mà những cảm giác cơ thể, trạng thái cảm xúc, hay trải nghiệm tri giác (thường là ập đến nhất thời), đã ảnh hưởng sâu sắc đến tác giả, để bật ra những khổ thơ/tứ thơ, nhanh và khác biệt. Sự dị biệt đến mức trái chiều nhau thậm chí xuất hiện ngay chính trong một câu thơ, một bài thơ.

Chính rất nhiều sự “bất hợp lý” và mâu thuẫn ngay trong từng bài thơ của ng.anhanh dẫn chứng ở trên, khiến tôi nghĩ tới điều đó.

“tôi chỉ là một cái cớ/ để chia ly/ để ngột ngạt/ để biện minh” (15)

“tôi ngồi đây/ nhìn tòa nhà cũ như một tranh vẽ/ vọng lên cùng tiếng còi xe la hét xé nát thành phố hàng trăm mảnh/ sự có mặt của tôi đã là một phiền toái” (19).

Nên đọc thơ ng. anhanh, chúng ta phần nào phải vượt ra ngoài sự nắm bắt ngôn ngữ, thi tứ một cách thuần túy, mà men theo trực giác trạng thái, cơ thể chính mình, mới mong đạt tới sự thấu hiểu về bản chất của nó. Dù tác giả thẳng thừng “đừng đọc vị thơ tôi/ những ý từ phơi bày/ lõa thể” (2).

Một sự “phiền toái” đáng chú ý xuất hiện trong dòng thơ hiện đại. n

“Đã Là Một Phiền Toái” tập thơ đầu tay gồm 24 bài của ng. anhanh (Domino Books & NXB Đà Nẵng ấn hành, 2019), bản in song ngữ, do chính tác giả dịch sang tiếng Anh.

Phần tự giới thiệu, ng. anhanh ghi: “Sinh năm 1984, thỉnh thoảng xuất hiện với bút hiệu Anh Anh, Tiểu Anh. Từng làm nghề biên kịch và biên dịch, hiện sống tại Sài Gòn”.

Trần Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/phien-toaivoi-ng-anhanh-1445653.tpo