Phiên tòa sáng 21/9: OceanBank đòi bà Hứa Thị Phấn bồi thường 500 tỷ đồng

Luật sư cho rằng, bà Hứa Thị Phấn là người được hưởng lợi toàn bộ 500 tỷ đồng, theo đó, bị cáo Phấn có nghĩa vụ hoàn trả cho OJB khoản tiền này cùng toàn bộ tiền lãi theo hợp đồng tín dụng.

Phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm sáng 21/9.

Sáng nay (21/9), phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm trong đại án kinh tế tại ngân hàng OceanBank tiếp tục diễn ra

Luật sư Nguyễn Đình Hưng bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng TNHH MTV OceanBank.

Luật sư Hưng khẳng định OceanBank mới đủ tư cách nguyên đơn dân sự trong vụ án. Đây là căn cứ xác định cho các nội dung về sau những thiệt hại mà ngân hàng yêu cầu bồi thường.

Thứ hai về hậu quả do cố ý làm trái, luật sư căn cứ tài liệu của cơ quan điều tra, luận tội của viện kiểm soát và xét hỏi công khai tại phiên tòa xác định thiệt hại, thất thoát.

Căn cứ vào kết luận điều tra và bản cáo trạng của VKS, khoảng thời gian từ 2010 - 2014 OceanBank đã chi ngoài cho khách hàng là 1.576 tỷ đồng trong đó có 246 tỷ chi cho Nguyễn Xuân Sơn và để Sơn phạm những tội khác.

CQĐT đã tách 246 tỷ ra khỏi tội làm trái, phần còn lại 1.330 tỷ đồng do các bị cáo ở đây thực hiện nguồn tiền từ 3 tài khoản để chi. Cụ thể: từ TK tạm ứng 3612 là 925 tỷ đồng, chi thẳng hạch toán TK 801 là 620 tỷ, chi từ TK VTTDuong là 19 tỷ.

Theo luật sư, việc chi lãi ngoài, nhằm mục đích tăng khả năng huy động vốn, căn cứ quy định của Pháp luật, việc hạch toán nhằm rút những khoản tiền này ra là không đúng pháp luật.

Nguồn chi cũng trái pháp luật như trong cáo trạng đã nêu. TT02 quy định 14%/ năm 2011-2012.

Trên thực tế là các khoản chi này trái với mục đích kế toán, cụ thể hạch toán 801 không hóa đơn chứng từ hợp lệ, trái với chế độ tài chính kế toán. TK 3612 chỉ sử dụng vào các hoạt động tạm ứng phục vụ hoạt động nội bộ của ngân hàng… sau đó phải được ghi nhận để hoàn ứng, nếu không hoàn ứng thì bị coi là mất vốn, chứ không phải chi lãi ngoài.

Các bị cáo khai đã hoàn ứng bằng tiền mặt và chỉ còn 331 tỷ chưa hoàn ứng. Các khoản tiền dung hoàn ứng lấy từ nguồn tiền khác từ NHNN là lấy từ 801 sang 3612, khoản các đối tác trích lại, chỉ có khoản 142 tỷ ghi nhận là số tiền bị cáo Thắm hoàn lại, chúng tôi sẽ trừ lại. Bản chất nếu rút ra từ 801 hoàn ứng vào 3612 thì không được trừ, vì đây là rút tiền từ NH Đại Dương để hoàn lại cho NH Đại Dương

Cũng theo luật sư, những chứng từ và nguồn tiền để quyết toán tạm ứng vẫn là sai. Chi từ TK 801 cũng không có chứng từ hợp lệ, sai chế độ kế toán với TCTD. 801 là TK trả lãi tiền gửi gồm các khoản tra lãi tiền gửi bằng đồng VN và ngoại tệ. TK 801 chỉ được hạch toán căn cứ trên cơ sở hợp đồng tiền gửi gồm thỏa thuận tiền gửi và lãi suất.

Khoản tiền 66 tỷ là số tiền nằm trong tống số tiền rút ra từ TK 801, được chi trực tiếp từ Hội sở chuyển trực tiếp vào các TK của KHCN, được thể hiện bằng thỏa thuận miệng. Các bị cáo coi đây là hợp lệ nên không thể nói là chi trái. Chứng từ này không có cơ sở để xác định lãi suất chi ngoài. Không có chứng từ hạch toán chuyển tiền và chỉ có bút toán lưu lại trên phần mềm.

Theo đó, luật sư khẳng định Oceanbank mới đã bị thất thoát số tiền như trên, không có chứng từ quyết toán và không có khả năng thu hồi. Căn cứ chế tài BLHS quy định trách nhiệm trả lại, bồi thường do hành vi phạm tội hình sự gây ra. Như vậy các bị cáo đã cấu thành tội phạm thì bắt buộc phải chịu trách nhiệm và phải hoàn trả.

Cũng theo luật sư, Oceanbank đã có 3 công văn gửi CQĐT, NHNN với các nội dung đề nghị NHNN và CQĐT xem xét cho các bị cáo liên quan trong vụ án này, lời đề nghị từ lãnh đạo Oceanbank mới đề nghị HDXX xem xét triệt để các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, xem xét vào bối cảnh, khó khăn của ngành nghề, họ lúng túng hoặc có thể chính sách lúng túng họ lâm phải.

“Bà Hứa Thị Phấn là người được hưởng lợi toàn bộ 500 tỷ đồng”

Luật sư Nguyễn Thị Bắc bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng TNHH MTV OceanBank

Theo luật sư, căn cứ vào tài liệu điều tra, thì số tiền 500 tỷ có đường đi như sau: sau khi số tiền 500 tỷ được giải ngân vào tài khoản của công ty Trung Dung thì được chuyển sang tài khoản của 3 cá nhân, mỗi cá nhân 150 tỷ đồng và tài khoản ông Danh 50 tỷ đồng, Toàn bộ số tiền này được sử dụng để mở tài khoản tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng.

Tuy nhiên, sau đó, các tài khoản này được tất toán trước hạn, cùng ngày số tiền này bao gồm cả gốc và lãi được bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang phụ trách tài chính Thiên Thanh nộp vào tài khoản ông Danh.

Sau đó, ông Danh lấy số tiền trên cùng với tiền của mình đã nộp 593 tỷ đồng vào tài khoản của 5 cá nhận nhóm bà Phấn. Cuối cùng, ngân hàng Đại Tín đã tự động trích số tiền này để tất toán hợp đồng tín dụng của các cá nhân này. Điều này hoàn toàn phủ hợp với lời khai của ông Danh.

Luật sư cũng cho biết, lời khai của 5 cá nhân trong nhóm bà Phấn cho thấy, việc họ đứng tên trên hợp đồng tín dụng tại Đại Tín là do bà Phấn nhờ đứng tên, họ không được lợi gì.

Trên thực tế, luật sư cho rằng, bà Hứa Thị Phấn là người được hưởng lợi toàn bộ 500 tỷ đồng, theo đó, bị cáo Phấn có nghĩa vụ hoàn trả cho OJB khoản tiền này cùng toàn bộ tiền lãi theo hợp đồng tín dụng.

Luật sư cũng đề nghị tiếp tục duy trì lệnh kê biên với 5 tài sản đảm bảo trong hợp đồng tín dụng.

PVN đề nghị không dùng ngôn từ ám chỉ nhận chi lãi ngoài

Nguyễn Văn Thái, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp PVN

Đại diện PVN đề nghị HĐXX xem xét tài liệu đầy đủ, khách quan. Trong trường hợp xác định được các cá nhân, tổ chức vi phạm, gây ra thiệt hại cho PVN thì tuyên bố các cá nhân tổ chức này phải có trách nhiệm bồi thường.

Thứ hai, đề nghị HĐXX xem xét , loại bỏ các từ ngữ ám chỉ PVN đã nhận tiền chi lãi ngoài, hay đã tiếp nhận các khoản chi chăm sóc lãi ngoài từ cá nhân OceanBank.

“Với những diễn biến diễn ra tại phiên tòa, PVN không nhận chi lãi ngoài từ OceanBank. Chúng tôi đề nghị khi xây dựng bản án không sử dụng ngôn từ ám chỉ tránh dư luận hiểu nhầm lệch lạc ảnh hưởng hình ảnh của PVN”, đại diện PVN nói.

“Chúng tôi khẳng định tài sản của chúng tôi có thật và hợp pháp”

Đinh Thị Huyền Thanh, đại diện cho 5 người cho mượn tài sản trình bày ý kiến.

Nhóm đã cho bà Phấn cho mượn tài sản thuộc quyền sở hữu của họ. Qua các phiên tòa, trong công bố cáo trạng liên quan đến tài sản đảm bảo, VKS xác định tài sản là không có thật và không có tính pháp lý.

“Chúng tôi khẳng định tài sản của chúng tôi có thật và hợp pháp và có thể sử dụng đảm bảo nghĩa vụ dân sự. Việc tài sản có thật thể hiện ở chỗ cổ phần ghi trong danh sách của SSG – hoạt động bình thường. Hai bất động sản này đã được quyết toán, bàn giao từ năm 2009 - 2010. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp vào ngày 1/8/2012. 25/11/2012, đã ký cam kết 4 bên trong đó đã được SSG cam kết không hủy ngang. Đồng thời, SSG đã phong tỏa tài sản này. Tài sản là cổ phần và 2 căn biệt thự là có trong thực tế và hợp pháp”, người đại diện nói.

“Chúng tôi đồng ý với ý kiến của Luật sư bảo vệ bị cáo Hoàn rằng tài sản hoàn toàn có giá trị thương mại trong thực tế không như nhận định trong Cáo trạng. Hai biệt thự chưa làm xong thủ tục chuyển tên nhưng đã đồng ý cho OceanBank làm tài sản thế chấp, có thể được dùng để đảm bảo nghĩa vụ dân sự.”

“Tài sản của chúng tôi theo thỏa thuận sẽ được trả lại 1 năm nhưng tới nay đã 4 năm nhưng không hoàn trả được. Việc cho mượn là giao dịch dân sự hợp pháp. Với sức khỏe hiện tại, bà Phấn không có khả năng trả lại tài sản cho chúng tôi. Đề nghị ông Danh còn nhiều tài sản, trả lại khoản vay để giải tòa tài sản cho chúng tôi”, bà Huyền nói.

Nếu có thiệt hại, thì thiệt hại thuộc về cổ đông

Đại diện ủy quyền Công ty TNHH VNT và đại diện ủy quyền CTCP Tập đoàn đại Dương – cổ đông cùng nắm 20% vốn OceanBank trước khi bị mua 0 đồng.

Hai đại diện này đều cho rằng PVN sở hữu 20% vốn OJB trước khi bị ngân hàng mua 0 đồng, được triệu tập với người có quyền lợi liên quan nhưng sau đó lại được chuyển thành nguyên đơn dân sự. Vậy đề nghị HĐXX xem xét vì sao PVN được thay đổi tư cách tố tụng, các cổ đông khác của ngân hàng lại không được.

“Qua cáo trạng chúng tôi hiểu rằng từ 2011-2014, Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt 246 tỷ từ OJB, trong đó 49 tỷ được xác định của PVN. Vậy nếu có quan điểm về việc PVN bị chiếm đoạt thì cũng đồng nghĩa với việc các cổ đông khác cũng bị chiếm đoạt.

Ngoài ra, với khoản tiền xác định chi lãi ngoài 1.576 tỷ, trong trường hợp xác định đây là thiệt hại, thì ngân hàng cũ và mới không phải là đối tượng bị thiệt hại mà người thiệt hại chính là các cổ đông cũ của ngân hàng.

Đại diện Công ty khách sạn đại Dương

Đại diện công ty cho biết, Công ty khách sạn đại Dương là do Hà Văn Thắm thành lập, tạo hàng nghìn công an việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước, xin xem xét giảm nhẹ cho Hà Văn Thắm.

Biên bản 3 bên có hiệu lực pháp lý?

Bà Vũ Thị Hương Thảo đại diện cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB)

Liên quan đến khoản vay 500 tỷ, bà Thảo cho rằng, việc luật sư của bị cáo Hà Văn Thắm và Nguyễn Văn Hoàn cho rằng Đại Tín phải chịu trách nhiệm với thiệt hại của khoản vay 500 tỷ đồng của công ty Trung Dung do không thực hiện thỏa thuận 3 bên giữa OceanBank – Trung Dung – NH Đại Tín là kết luận hết sức nặng nề, thiếu căn cứ.

“Từ năm 2013 đến thời điểm trước vụ án xét xử, NH Đại Tín nhận nhiều công văn từ NH Đại Dương. Ngày 24/9/2014, VNCB đã có văn bản đề nghị cung cấp sao y bản chính thỏa thuận trên cùng các tài liệu có liên quan. Nhưng đến ngày 16/10/2014 phía OceanBank mới cung cấp một bản photo của văn bản này. Do đó chúng tôi không có căn cứ xác minh yêu cầu của OceanBank”, bà Thảo nói.

Theo đó, luật sư đề nghị 2 ngân hàng giữ hai bản chính còn lại cung cấp cho cơ quan điều tra.

Đại diện VNCB cũng đặt vấn đề, tại thời điểm ký văn bản, ông Trần Xuân Nam – Tổng giám đốc là người ký văn bản nhưng người đại diện của ngân hàng Đại Tín lúc đó lại là ông Hoàng Văn Toàn, chủ tịch HĐQT, do vậy khi ký văn bản này ông Nam không đủ thẩm quyền để ký. Do vậy không làm phát sinh nghĩa vụ của Ngân hàng Đại Tín.

Trong khi đó, số bản hợp đồng tín dụng trong thỏa thuận 3 bên không trùng với hợp đồng tín dụng mà các bên đã ký với nhau, tức là hai hợp đồng tín dụng khác nhau, nếu là lỗi đánh máy thì khi ngân hàng Đại Tín sẽ phải chờ xác nhận mới có thể thực hiện phong tỏa.

Luật sư cũng cho biết, trong nội dung biên bản quy định ngân hàng Đại Tín cam kết chỉ giải tỏa số tiền trên khi nhận được thông báo của OceanBank về việc Trung Dung không cung cấp đủ chứng từ, hồ sơ giải ngân của khoản vay. Như vậy đồng nghĩa với việc số tiền chỉ được giải tỏa với một trường hợp duy nhất là trả lại cho OceanBank, hay Công ty Trung Dung cũng không thể được sử dụng số tiền trên. Nội dung này mâu thuẫn với hợp đồng tín dụng đã ký kết.

Vợ Nguyễn Xuân Sơn xin giữ lại căn nhà

Bà Võ Thị Thanh Xuân, vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn

Bà Xuân cho biết, tài sản của hai vợ chồng tại 31 Xuân Diệu được hình thành năm 1998, trước khi bị cáo Sơn về ngân hàng 10 năm.

Tài sản cổ phiếu do Xuân Thắng đứng tên hình thành 2006. Đây là hai tài sản duy nhất sở hữu chung 2 vợ chồng.

“Qua tham dự phiên tòa, tôi được biết, VKS cáo buộc anh Sơn chiếm đoạt mấy trăm tỷ đồng. Nếu vậy sau 2009-2014, gia đình tôi phải có hàng trăm tỷ tài sản. Nhưng số tài sản hiện có đều hình thành trước ngày anh Sơn về làm ngân hàng”, bà Xuân cho biết.

“Nếu giả sử anh Sơn bị buộc tội nào đấy liên quan đến thất thoát tài sản, với tư cách người vợ, tôi xin phép sử dụng tối đa khả năng có thể để anh Sơn được hưởng khoan hồng”.

Bà Xuân cũng cho biết, căn nhà gia đình bà đang ở là do mẹ đẻ của bà mua trước khi Sơn về ngân hàng do tiền của mẹ bà trả góp mua nhà từ 2004-2006. “Mẹ tôi già nên không đứng tên mà để cho vợ chồng tôi đứng thay. Mong HĐXX không kê biên để mẹ già có nơi thờ cúng cho con trai là liệt sĩ”, bà Xuân nói.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/phien-toa-sang-219-oceanbank-doi-ba-hua-thi-phan-boi-thuong-500-ty-dong-3205713.html