Phiên tòa sáng 11/9: Lãnh đạo Lọc dầu Bình Sơn một mực phủ nhận nhận tiền chi lãi ngoài

Sáng nay (10/9), phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm tại ngân hàng Oceanbank tiếp tục với phần luật sư thẩm vấn các bị cáo và người liên quan.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 11/9.

"Đó chỉ là lời khai từ một phía"

Trong sáng nay, 4 lãnh đạo và cựu lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được triệu tập để đối chất lời khai nhận lãi ngoài với bị cáo Nguyễn Minh Thu – cựu Phó TGĐ Oceanbank.

4 người bị triệu tập gồm ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV, ông Đinh Văn Ngọc – cựu Tổng Giám đốc, Vũ Mạnh Tùng - Phó Tổng Giám đốc và ông Phạm Xuân Quang - Kế toán trưởng.

Ông Phạm Xuân Quang, kế toán trưởng BSR cho biết, ông công tác tại BRS từ năm 2008 đến nay. BRS có quan hệ gửi và vay tiền tại Oceanbank, hợp đồng tín dụng cao nhất là 1.150 tỷ đồng.

Trả lời chất vấn liên quan đến lời khai của bị cáo Thu nói đã chi tiền cho lãnh đạo BSR, ông Quang nói “đây hoàn toàn là lời khai 1 phía, tôi không nhận khoản chăm sóc khách hàng nào từ phía cán bộ ngân hàng Oceanbank”.

Tuy nhiên HĐXX đã đặt ra câu hỏi tại sao bị cáo Thu khai 7, 8 lần qua cơ quan anh để làm gì? Trả lời câu hỏi này ông Quang cho biết đó là những lần công ty có sự kiện thì có các khách hàng trong ngành, trong đó có Oceanbank vào trong đó giao lưu.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV BSR cũng khẳng định “trong khoảng thời gian 2011-2014, tôi không nhận khoản tiền nào từ ngân hàng Oceanbank. Đây là lời khai 1 chiều. Trong suốt thời gian này, tôi có 1 vài lần vào những dịp thành lập, kỷ niệm công ty, tôi có gặp chị Thu và anh Sơn nhưng tôi không nhận khoản tiền chăm sóc khách hàng nào”.

Ông Vũ Mạnh Tùng, Phó TGĐ Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết ông phụ trách mảng tài chính kế toán, kế hoạch. Thời điểm cao điểm nhất, BSR gửi khoảng 1.000 tỷ và thấp nhất là 2 tỷ.

Liên quan đến việc chi lãi ngoài, HĐXX nhắc lại lời khai của bị cáo Thu đưa mỗi lần 300-500 triệu cho ông Tùng nhưng ông Tùng nói rằng đây là lời khai một chiều.

“Cá nhân tôi không có nhận bất kỳ một khoản lãi ngoài nào từ chị Thu hay cán bộ Oceanbank”, ông Tùng cho biết.

Ông Đinh Văn Ngọc, TGĐ BSR cũng khẳng định lời khai đó là không chính xác và bịa đặt cho rằng bản thân không bất kỳ khoản tiền nào.

Đối chất với lời khai này, bị cáo Thu cho biết, riêng Chủ tịch và TGĐ, bị cáo Thu gặp 2 lãnh đạo tại nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn còn kế toán trưởng ngoài gặp tại nhà máy còn gặp 1 số lần tại Trụ sở ban quản lý ở tỉnh Quảng Ngãi.

Bị cáo nhớ khoảng 7 lần bị cáo thực hiện vào tháng 1, tháng 4, tháng 7, 8 hàng năm và tháng 10.

Mỗi lần đưa từ 200-300 triệu đồng, cao nhất là 500 triệu đồng/lần. Đối với Chủ tịch có gặp tại Tp.HCM, sảnh Khách sạn đối diện bờ sông Sài Gòn. Còn tại anh Vũ Mạnh Tùng bị cáo cũng gặp tại Khách sạn Rex.

Chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị 4 lãnh đạo BSR đứng dậy để bị cáo Thu xác nhận và bị cáo Thu xác nhận đúng những người này.

“Tôi chịu trước trách nhiệm trước pháp luât về lời khai của mình. Tôi đề nghị tòa xem xét bị cáo này có tội danh vu khống”, lãnh đạo BSR nói trước tòa.

Luật sư hỏi đại diện NH Xây dựng

Tài sản đảm bảo cho 5 khoản vay được tất toán bằng 500 tỷ đồng Trung Dung đi vay?

Tài sản đảm bảo là 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đầu tiên là của ông Phạm Văn Tới và bà Văn Lược sau đó thay đổi là bà Hứa Thị Bích Hạnh. Các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác cũng có người đứng tên là Hứa Thị Bích Hạnh. Tổng diện tích sử dụng đất là 21.900 m2

Sau khi tất toán cho hợp đồng tín dụng của 5 khách hàng này, 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 28/12/2012, ngân hàng đã chuyển 6 giấy tờ sử dụng đất cho ông Phan Hồng Thiên.

6 bất động sản này hiện nằm trong gói 114 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Cơ quan điều tra đã ra lệnh kê biên, giao cho ngân hàng Xây dựng để đảm bảo cho nghĩa vụ của bà Hứa Thị Phấn trong một vụ án khác.

26/7/2014, CQĐT khởi tố vụ án tại ngân hàng Xây dựng. 29/7/2014, ông Phạm Công Danh bị bắt. 17/3/2015, CQĐT yêu cầu tập đoàn Thiên Thanh bàn giao 6 giấy chứng nhận về CQĐT. Ngân hàng Xây dựng có biết điều này không?

Sau khi bàn giao cho ông Thiên, ngân hàng Xây Dựng không biết về các giấy tờ này. Phải tới tháng 4/2017, sau khi phiên tòa lần thứ nhất trả hồ sơ điều tra, ngân hàng Xây Dựng mới biết tài sản này đã được bàn giao nhưng nằm trong 114 tài sản để giải quyết nghĩa vụ của bà Phấn ở vụ án khác.

Luật sư đề nghị đại diện VKS xem xét việc Tài sản đảm bảo sử dụng nguồn tiền của Trung Dung sau khi đi vay đang bị tách ra khỏi vụ án hiện nay mà để sang vụ án khác của bà Phấn.

Luật sư của bà Phấn hỏi đại diện ngân hàng Xây dựng

Việc bàn giao cho ông Thiên là vào thời điểm nào?

Ngay sau khi tất toán khoản vay.

Tại sao lại trả cho ông Thiên của Thiên Thanh?

Nếu luật sư của bà Phấn không hỏi, tôi cũng mong muốn được trình bày bối cảnh của NH Xây dựng lúc đó, khoản vay 500 tỷ và giải chấp là sự đan xen nhiều sự việc.

Trong giai đoạn này, khi Đại Tín trả tài sản đảm bảo theo 5 hợp đồng tín dụng là do yêu cầu từ ông Phạm Công Danh theo thỏa thuận giữa ông Danh và bà Phấn. Hai người là chủ ngân hàng và có thỏa thuận với nhau.

Có 5 khoản vay được đảm bảo bởi 6 quyền sử dụng đất. Vào 28/12/2012, NH Xây dựng đã bàn giao tài sản và đã có phiếu xuất. Chúng tôi không nắm được việc kê biên sau đó.

28/12/2012, Phạm Công Danh đã tất toán các khoản vay. Cũng trong ngày đó, trực tiếp ngân hàng Xây dựng chuyển 1,053 tỷ đồng với nội dung là hoàn tiền lãi quá hạn khoản vay của Phạm Thành Trung, có đúng vậy không?

Ông Phạm Công Danh chuyển 593 tỷ đồng có lẻ. Còn về khoản tiền hoàn lại chúng tôi sẽ kiểm tra lại và trả lời sau.

Tòa hỏi bị cáo Tú Anh – Giám đốc chi nhánh Quảng Ngãi

Bị cáo Tú Anh cho biết, việc chi chăm sóc khách hàng của chi nhánh không phải chỉ do bị cáo và 8 người khách thực hiện như trong cáo trạng mà toàn bộ nhân viên chi nhánh đều thực hiện.

Ai là người phải đền bù thiệt hại cho Oceanbank?

Luật sư hỏi Nguyễn Thị Nga – Nguyên trưởng ban Kế toán

Trình bày về khoản 175 tỷ bị cáo bị quy kết trong cáo trạng, Nga cho rằng trong khoản này có có 1 phần là 66 tỷ là có chứng từ do bị cáo ký, 109 tỷ còn lại bị cáo không ký. Trong khoản 109 tỷ này thì có một phần bằng tiền mặt, một phần tạm ứng do Thắm ký, bị cáo không biết, cáo buộc bị cáo là không đúng, không căn cứ vào các chứng từ kế toán, mong HĐXX xem xét.

Luật sư hỏi đại diện Ngân hàng Oceanbank. Bà đã trả lời việc đòi bồi thường hơn 1.500 tỷ tiền thiệt hại là căn cứ vào kết luận điều tra và cáo trạng. Vậy ai là người có trách hiệm hoàn trả số tiền này?

Đại diện ngân hàng cho biết, Oceanbank đã chứng minh, xác định yêu cầu thiệt hại, còn ai là người phải bồi thường thì ngân hàng đề nghị HĐXX làm rõ để đền bù cho ngân hàng.

Theo Nguyễn Thị Nga, tài khoản 3612 là tài khoản phải thu nội bộ phản ánh các khoản tạm ứng chưa được hoàn thành, đang trong quá trình theo dõi, tài khoản 801 là chi trả lãi đối với tiền huy động. Việc Oceanbank trả lời vì các bị cáo rút tiền ra từ 3 tài khoản này nên gây thiệt hại cho ngân hàng, về khái niệm là không chính xác. Các tài khoản này chỉ phản ánh nghiệp vụ.

PVN không nhận được báo cáo được kiểm toán của Oceanbank

Luật sư Hoàng Văn Dũng, đại diện ủy quyền của PVN

Luật sư Hoàng Văn Dũng, đại diện ủy quyền của PVN

Luật sư Thiệp hỏi đại diện PVN về việc có nhận được 2 báo cáo của ngân hàng Oceanbank đã được kiểm toán hay không, đại diện PVN cho biết rằng ông không nhận được.

Thẩm phán Trương Việt Toàn nhắc đại diện PVN: Mặc dù tại phiên tòa xét xử lần này giới hạn không xem xét quá trình NHNN mua lại 0 đồng, tuy nhiên với tư cách đại diện PVN đề nghị nắm bắt thêm trình tự thủ tục quá trình mà Nhà nước mua 0 đồng theo QĐ 48 Thủ tướng đã ký về kiểm soát đặc biệt, mua lại bắt buộc.

Vị luật sư hỏi đại diện PVN về báo cáo kiểm toán độc lập nên vị đại diện PVN cũng cần nghiên cứu thêm văn bản đó.

Hà Văn Thắm khai không nhận được BCTC kiểm toán trước khi ngân hàng bị mua 0 đồng

Luật sư hỏi Hà Văn Thắm

Bản thân bị cáo là cổ đông lớn, chiếm hơn 62%, với BCTC kiểm toán của ngân hàng trước khi bị mua 0 đồng, bị cáo có nhận được không?

Thưa không ạ.

Bị cáo cho biết, các bị cáo nguyên là giám đốc các chi nhánh, hàng năm có được khen thưởng về kết quả kinh doanh?

Theo quy định, cuối năm ngân hàng sẽ khen thưởng các chi nhánh theo kết quả kinh doanh. Quá trình huy động vốn cũng là một chỉ tiêu quan trọng để khen thưởng, nhưng cụ thể như thế nào thì không nhớ.

Việc phát hiện, cảnh báo chi lãi ngoài thuộc trách nhiệm của ai?

Luật sư hỏi đại diện NHNN.

Trách nhiệm của NHNN như thế nào khi không phát hiện và cảnh báo việc chi lãi ngoài của ngân hàng Đại Dương?

NHNN là cơ quan trung ương không có trách nhiệm giám sát trực tiếp đối với tổ chức tín dụng mà đây là nhiệm vụ của chi nhánh NHNN các tỉnh thành phố. NHNN không có trách nhiệm trong việc này.

Quy định mức lãi suất huy động vốn có đồng nghĩa với lãi suất cơ bản hay không?

Hai cái này không đồng nhất. Ngân hàng OJB thuộc đối tượng điều chỉnh, thông tư 02 hoàn toàn không trái quy định pháp luật.

PVN ép buộc công ty con gửi tiền vào Oceanbank?

Đại diện VKS hỏi đại diện PVN.

Qua các tài liệu thể hiện từ 2009-2010, PVN có những văn bản yêu cầu các tổng công ty, các công ty con của tập đoàn phải thực hiện giao dịch tại OJB, trong đó có cả tiền gửi. Cơ sở nào để tập đoàn có chỉ đạo vậy?

Khi PVN trở thành cổ đông chiến lược của OJB, một trong những thỏa thuận hai bên là phải hỗ trợ ngân hàng. Chúng tôi khẳng định không có văn bản nào ép buộc các công ty con thực hiện giao dịch tại ngân hàng mà chỉ có khuyến nghị.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/phien-toa-sang-119-lanh-dao-loc-dau-binh-son-mot-muc-phu-nhan-nhan-tien-chi-lai-ngoai-3167480.html