'Phiên tòa giả định' - cách làm sáng tạo trong tuyên truyền pháp luật

Hướng đến mục tiêu phù hợp với đối tượng và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, mô hình 'Phiên tòa giả định' do Chi đoàn Tòa án - Viện kiểm sát - Thi hành án dân sự huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) thực hiện đã mang lại những hiệu quả tích cực...

Toàn cảnh phiên tòa giả định. (Ảnh: Minh Nguyệt).

Toàn cảnh phiên tòa giả định. (Ảnh: Minh Nguyệt).

Thời gian qua, trước thực trạng xuất hiện một số biểu hiện vi phạm pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên, học sinh như việc vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, trộm cắp..., Chi đoàn Tòa án - Viện kiểm sát - Thi hành án dân sự huyện Bảo Lạc đã phối hợp với Huyện đoàn và Đoàn thanh niên một số trường học trên địa bàn tổ chức phiên tòa giả định. Nội dung phiên tòa giả định gắn với thực tế một số vụ án có liên quan đến người chưa thành niên phạm tội; “bị cáo” là những học sinh, sinh viên ham chơi, lêu lổng.

Trong phiên tòa giả định mới được tổ chức ở Trường THPT thị trấn Bảo Lạc, “bị cáo” Nguyễn Văn Vĩnh (18 tuổi) là thanh niên “nghiện” trò chơi điện tử. Để có tiền tham gia các trò chơi này, Vĩnh đã nhiều lần ăn trộm tiền của bố mẹ. Trong một lần ăn trộm xe máy điện của nhà hàng xóm, Vĩnh bị bắt và giao nộp cho Công an xã. Với hành vi này, Nguyễn Văn Vĩnh bị cơ quan chức năng truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017). Quá trình diễn ra phiên tòa giả định, các tình tiết trong vụ án đã thực sự lôi cuốn đối với các em học sinh, giáo viên và mọi người tham dự. Các “vai diễn”, nhất là vai “bị cáo” được lựa chọn đảm bảo phù hợp với tâm lý, sự hiểu biết pháp luật của đoàn viên thanh niên tham dự tại phiên tòa. Bên cạnh đó, phát biểu luận tội của đại diện Viện kiểm sát, các ý kiến của Hội đồng xét xử đã giúp các em học sinh cùng những người tham dự phiên tòa nhận thức rõ, hành vi trộm cắp tài sản là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Trước những lập luận sắc bén, có lý có tình của Hội đồng xét xử, “bị cáo” Vĩnh đã nhận thức đầy đủ hành vi vi phạm của bản thân, tỏ rõ thái độ ăn năn và mong muốn có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Trên cơ sở tính chất, mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Nguyễn Văn Vĩnh 18 tháng cải tạo không giam giữ. Đây là mức án phù hợp, có tính răn đe. Những người dự xét xử cũng có thêm nhiều kiến thức pháp luật bổ ích...

Em Nguyễn Thị Minh, học sinh Trường THPT thị trấn Bảo Lạc chia sẻ: “Việc tuyên truyền qua phiên tòa giả định rất lôi cuốn người tham dự. Những quy định pháp lý được đan cài trong tình tiết vụ án cũng như trong phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát vừa dễ hiểu, dễ nhớ. Chúng em mong sẽ được tham dự nhiều hơn những hoạt động như thế này”.

Phiên tòa giả định thu hút sự theo dõi của các em học sinh. (Ảnh: Minh Nguyệt).

Tìm hiểu được biết, mô hình “Phiên tòa giả định” đã được Chi đoàn Tòa án - Viện kiểm sát - Thi hành án dân sự huyện Bảo Lạc phối hợp thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Nét độc đáo là không chỉ dừng lại ở việc “sân khấu hóa” những vụ án, tình huống pháp lý mà sau khi kết thúc phiên tòa giả định, mọi người tham dự sẽ được tham gia giao lưu hỏi đáp liên quan đến các nội dung, tình tiết của phiên tòa giả định vừa xem và các vấn đề pháp lý khác thường gặp trong cuộc sống. Thông thường, phần giao lưu diễn ra rất sôi nổi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người; qua đó giúp nâng cao chất lượng trong công tác tuyên truyền pháp luật.

Theo các chuyên gia pháp lý, điểm mạnh nổi bật ở mô hình “Phiên tòa giả định” đó là đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật; đưa các tình huống pháp lý về gần hơn với tâm lý của người tham dự. Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các “bị cáo” trong buổi xét xử để từ đó tránh những vi phạm tương tự.

Thực tế triển khai các phiên tòa giả định ở huyện Bảo Lạc cho thấy, mô hình này là hoạt động sáng tạo, có nhiều ý nghĩa trong việc tuyên truyền pháp luật; được dư luận địa phương quan tâm, đánh giá cao. Bên cạnh đó, các phiên tòa giả định còn được quay, ghi hình và biên tập với nội dung tuyên truyền đa dạng; được đăng tải trên các phương tiện truyền thông như Fanpage của các nhà trường, các đoàn thể quần chúng ở địa phương. Qua đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng động, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên và nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn toàn huyện; góp phần cùng các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người dân địa phương.

Trên cơ sở những kết quả đã thu được từ mô hình “Phiên tòa giả định”, thời gian tới, Chi đoàn Tòa án - Viện kiểm sát – Thi hành án dân sự huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan trên địa bàn tiếp tục thực hiện mô hình này; xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều phiên tòa giả định gắn với các vụ việc, tình huống pháp lý cụ thể nhằm góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật đến nhiều đối tượng.

Bám sát đặc điểm địa bàn, duy trì, nhân rộng mô hình “Phiên tòa giả định” sẽ là “chìa khóa” quan trọng để huyện Bảo Lạc nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật, góp phần vào sự ổn định và phát triển của địa phương./.

Phạm Như Quỳnh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/phien-toa-gia-dinh-cach-lam-sang-tao-trong-tuyen-truyen-phap-luat-570231.html