Phiên tòa được xét xử kín trong trường hợp nào?

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, tòa án phải xét xử công khai, nhưng trong một số trường hợp, có thể tổ chức xử kín.

Công khai xét xử các vụ án là một nguyên tắc xét xử, nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục răn đe. Tuy nhiên, không phải bao giờ việc xét xử công khai cũng được thực hiện. Có một số trường hợp, phải xét xử kín.

Xét xử kín được hiểu là không phải tất cả mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa như trường hợp xét xử công khai, nhưng phải tuyên án công khai.

Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng cần thiết khác, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của đương sự.

Điều 25 bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Tuy nhiên, hiện nay, khái niệm “thuần phong mỹ tục” và “bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự” vẫn chưa được hướng dẫn, giải thích cụ thể để áp dụng thống nhất.

Trên thực tế, hầu hết các vụ án xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…), đặc biệt là những vụ án mà nạn nhân là trẻ em gái, người chưa thành niên thường được xét xử kín, tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân.

Nếu vụ án thuộc trường hợp được xét xử kín như nêu trên, đương sự có quyền gửi đơn đến tòa án xét xử vụ án đó để yêu cầu xử kín. Trên cơ sở yêu cầu của đương sự, tòa án sẽ xem xét, quyết định và khi đưa vụ án ra xét xử, tòa án sẽ ghi rõ hình thức xét xử là công khai hoặc xử kín.

Tuy quá trình xét xử phải kín nhưng mà bản án phải được công khai cho mọi người. Phần tuyên án công khai này sẽ chỉ nêu họ tên các bị cáo, tội danh bị kết án và mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo.

Có thể hiểu, quy định về việc tuyên án công khai này nhằm đảm bảo phán quyết của tòa án phải được công khai để từ đó giúp nhân dân giám sát và kiểm tra tính khách quan, minh bạch của phán quyết. Một điều quan trọng nữa của việc tuyên án công khai cũng nhằm giáo dục ý thức pháp luật, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân bởi, thông qua hoạt động xét xử công khai mọi người nhận thức được rằng bất cứ sự việc vi phạm pháp luật nào đều bị xử lí theo pháp luật, thể hiện tính răn đe và mục đích phòng ngừa chung đến xã hội.

Sau khi đọc xong, chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của hội đồng xét xử có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.

H.M

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phien-toa-duoc-xet-xu-kin-trong-truong-hop-nao-a498240.html