Phiên tòa có hai bà mẹ cùng day dứt

Phiên tòa xét xử vụ án 'dâm ô với người dưới 16 tuổi' diễn ra trong một sáng trời âm u, như chính tâm trạng u ám của hai bà mẹ trong vụ án. Họ đến tòa, mang theo nỗi niềm day dứt của riêng mình. Chỉ vì sự lơ là, chủ quan của gia đình nên mới ra nông nỗi…

Thủ phạm năm nay 27 tuổi, bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.

Thủ phạm năm nay 27 tuổi, bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.

“Cháu ngồi học bài ở hiên thì ảnh vào rủ cháu đi chơi. Cháu hỏi anh là ai? Ảnh nói là người tốt, có nhiều tiền lắm, đi với anh anh mua kẹo cho. Cháu nói không đi, sợ mẹ la. Nhưng anh cứ kéo tay cháu. Cháu sợ gãy tay nên đi theo. Đến bãi đất trống cách nhà một vạt mồ mả, anh đẩy cháu nằm xuống đất rồi hôn cháu. Vì cháu giật tóc anh nên anh dừng lại, cháu liền bỏ chạy. Được một đoạn thì rớt dép. Cháu đứng lại lấy nên bị anh túm được. Khi anh cởi áo cháu, cháu la lên “mẹ ơi cứu con”, anh liền ngồi yên nên cháu chạy thoát”.

Đó là một phần nội dung lời khai của nạn nhân trong vụ án dâm ô với người dưới 16 tuổi được chủ tọa trích đọc trước tòa.

Thủ phạm ngờ nghệch

Nạn nhân năm nay chỉ mới 8 tuổi. Bị cáo Trương Văn Trí (ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), năm nay 27 tuổi, bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.

Phiên xử ở tầng 1 TAND TP Huế chỉ lưa thưa vài người dự khán. Mẹ bị cáo đến tòa trong bộ áo quần bạc phếch. Mái tóc lưa thưa được vấn thành một búi sau đầu. Vài sợi lòa xòa phủ xuống gương mặt. Hai con mắt trũng sâu, má hóp. 63 tuổi nhưng trông bà già hơn tuổi.

Bà ngồi co ro ở một góc. Tấm lưng gầy đét dựa sát vào tường. Làn da vàng vọt vì bệnh tật. Hôm nay đến tòa, bà chỉ mang theo hộp cơm cho con. Có lẽ thấy đồ tiếp tế quá sơ sài, cha bị cáo sải bước ra ngoài mua thêm cho con một lốc nước suối. “Trong đó thiếu chi nước. Mua làm gì cho tốn tiền”, có người nói. Ông gãi gãi đầu, bảo kệ, thì cứ gửi vào trong cho nó uống.

Bên trong phòng cách ly, bị cáo vừa ăn cơm vừa cười ngờ nghệch. Ở ngoài suốt ngày đi lang thang, người cứ gầy nhẳng. Vào trong đó, không ngờ lại mập hẳn ra. Người thân bị cáo đang đứng lố nhố ngoài cửa phòng cảm thán.

Một người hỏi bị cáo: Có biết bị tội gì mà vào đây không?.

Thì họ nói tội… , bị cáo gãi gãi tai, trợn mắt nghĩ mãi vẫn không ra.

Nhà bị cáo nghèo xơ xác. Căn nhà nhỏ tồi tàn, trống huơ trống hoác. Mấy bức tường nham nhở được chủ nhà gia cố thêm bằng những tấm ni lông cũ rích. Ngày nắng thì nóng hầm hập. Mà ngày mưa, gió cứ giật đùng đùng.

Cha mẹ bị cáo đều già yếu, bệnh tật, nhưng vẫn phải tất bật mưu sinh. Cả hai đành nhắm mắt làm ngơ, mặc cho đứa con trai tâm thần ngày ngày lang thang ngoài đường. “Xưa nay con trai chưa từng gây hại cho ai, nên gia đình cũng chủ quan. Đâu có ai ngờ…”, mẹ bị cáo nghẹn ngào giãi bày trước tòa. Bà nói, nếu biết con trai có thể thực hiện hành vi gây hại nghiêm trọng như thế, thì chắc chắn gia đình đã quan tâm hơn, quản lý con mình chặt hơn.

Tòa hỏi bị cáo đã biết mình sai chưa? Bị cáo gật đầu cái rụp, bảo đã biết. Thế nhưng, khi chủ tọa bảo bị cáo xin lỗi gia đình bị hại, bị cáo lại lắc đầu nguầy nguậy, cãi tỉnh queo: Bị cáo sai thì bị cáo bị đi tù rồi. Đã đi tù thì không xin lỗi nữa. Phải đến khi chủ tọa giải thích làm sai phải xin lỗi, bị cáo mới ngượng ngùng quay sang phía gia đình bị hại, cúi đầu lí nhí nói một tiếng xin lỗi.

Mẹ bị hại xin giảm án cho bị cáo

Phiên tòa hôm ấy, còn có một người phụ nữa cũng đến tòa trong lặng lẽ, đó là mẹ bị hại. Chị ngồi im lìm một góc, gương mặt lúc nào cũng đượm buồn. Chị kể, hôm ấy sau khi nghe con gái hốt hoảng chạy về kể lại sự việc, người thân vội chạy đến bãi tha ma, không ngờ bị cáo vẫn còn ngồi ngơ ngẩn ở đó. Mọi người liền hò hét, bắt lấy giao cho công an.

Chị đau lòng kể, dù sự việc đã xảy ra mấy tháng, nhưng đến tận bây giờ, con gái chị vẫn chưa thôi sợ hãi. Mấy ngày đầu, con bé sợ quá, cứ nhốt mình trong phòng, khiến cả nhà vô cùng lo lắng, người mẹ nói. Trước những tổn thương tinh thần mà con gái phải chịu đựng, cả gia đình chị vừa xót xa, lại day dứt, ân hận bởi sự bất cẩn, chủ quan của mình.

Giá như người thân luôn bảo vệ con trong tầm mắt. Giá như trước đó, người thân biết dặn dò con phải đề phòng người lạ, phải biết kêu cứu để được giúp đỡ trong trường hợp nguy cấp. Giá như con được trang bị kỹ năng tốt, thì sẽ không vì sợ mất chiếc dép mà dừng lại, để bị cáo đuổi kịp. Và nếu như gia đình bị cáo và chính quyền địa phương có biện pháp quản lý người tâm thần hiệu quả hơn, thì chuyện đau lòng có thể đã bị ngăn chặn.

Dù đau lòng trước những tổn thương tinh thần mà con phải gánh chịu, nhưng người mẹ ấy vẫn đứng trước tòa, xin giảm nhẹ mức án cho bị cáo. Chị cũng không yêu cầu gia đình bị cáo phải bồi thường tổn thất tinh thần cho con mình.

“Chị là một người phụ nữ nhân hậu. Hy vọng với tấm lòng nhân hậu của mình, bằng tình yêu thương của người mẹ, chị sẽ nhanh chóng xoa dịu nỗi đau của con mình, để cháu nhanh chóng quên đi những gì đã trải qua”, chủ tọa nói.

Do bị cáo có hành vi dâm ô đối với nạn nhân không nhằm mục đích giao cấu và không nhằm thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, nên đã phạm vào tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 146 của BLHS.

Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tòa tuyên phạt bị cáo 15 tháng tù giam. Chủ tọa phiên tòa cho hay, qua vụ án, mọi gia đình cần phải tăng cường cảnh giác, bảo vệ con em mình chặt hơn, trang bị các kiến thức, kỹ năng để trẻ vị thành niên đảm bảo an toàn, chống sự lạm dụng, xâm hại.

Hà Lê

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/phap-dinh/phien-toa-co-hai-ba-me-cung-day-dut-537072.html