Phiên IPO lịch sử của Tổng công ty Sông Đà sẽ diễn ra vào ngày 25/12

Thay vì chỉ IPO 18,82% cổ phần như kế hoạch ban đầu - trong khi 30% cổ phần được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, ngày 25/12/2017 tới đây, toàn bộ 48,82% cổ phần công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà sẽ được đấu giá công khai tại HNX. Tổng công ty này sẽ được cổ phần hóa mà không có nhà đầu tư chiến lược. Sự thành công của phiên IPO sẽ được quyết định và phản ánh sức hấp thụ của thị trường.

Phiên IPO lịch sử của Tổng công ty Sông Đà sẽ diễn ra vào ngày 25/12. (Ảnh: Internet)

Căn cứ Đơn đăng ký bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà, với chức năng của tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra thông báo về việc đăng ký làm đại lý bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cho tổng công ty này.

Thông báo đã thông tin cụ thể về thời gian và địa điểm đấu giá “siêu” tổng công ty này. Theo đó, phiên đấu giá dự kiễn sẽ diễn ra vào 9h00 ngày 25/12/2017 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Tại phiên đấu giá này, Bộ Xây dựng sẽ đem ra đấu giá công khai 219.678.000 cổ phần của Tổng công ty Sông Đà. Đây thực sự là một phiên đấu giá quy mô lớn và lại là ngay trong lần bán đấu giá đầu tiên ra công chúng (IPO).

So với mức vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa là 4.500 tỷ đồng thì số cổ phần được đem ra đấu giá đã chiếm tới 49%. Có nghĩa rằng, nhà đầu tư nào đủ tham vọng và thực lực sẽ có cơ hội sở hữu một nửa cơ ngơi của doanh nghiệp từng tạo nên Công trình thủy điện Hòa Bình huyền thoại.

Với mức giá khởi điểm được ấn định là 11.000 đồng/cổ phần, nếu thành công, phiên đấu giá dự kiến sẽ đem về cho tổng công ty này tối thiểu 2.416 tỷ đồng và giúp ngân sách nhà nước thu về một khoản thặng dư đáng kể.

Theo điều kiện tham dự đấu giá đã công bố, phiên đấu giá sẽ “rộng cửa” với tất cả các nhà đầu tư là tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định.

“Đề nghị Công ty chứng khoán có nhu cầu làm đại lý cho cuộc đấu giá gửi Đơn đăng ký làm đại lý đấu giá về Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (số 2 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chậm nhất đến 16 giờ ngày 23/11/2017”, HNX thông báo.

Điều chỉnh phương án cổ phần hóa: “Bỏ” nhà đầu tư chiến lược

Phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà chính thức được phê duyệt cách đây ít tháng, theo Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 07/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quyết định này, Tổng công ty Sông Đà sau cổ phần hóa có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có con dấu riêng; được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của Tổng công ty Sông Đà – CTCP, phù hợp với Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan.

Tổng công ty Sông Đà – CTCP (Sông Đà) kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Tổng công ty Sông Đà trước khi chuyển đổi; được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề hiện Tổng công ty Sông Đà đang thực hiện và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Hình thức cổ phần hóa được lựa chọn là kết hợp bán bớt phần vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Sau IPO, Sông Đà sẽ có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, chia làm 450 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần).

Trong đó, cổ phần nhà nước là 229,5 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019, năm 2020 bán tiếp phần vốn nhà nước còn nắm giữ tại doanh nghiệp này xuống dưới 50% vốn điều lệ.

Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 là 822 nghìn cổ phần, chiếm 0,183% vốn điều lệ.

Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 135 triệu cổ phần, chiếm 30% vốn điều lệ.

Cổ phần bán đấu giá công khai là 84,768 triệu cổ phần, chiếm 18,82% vốn điều lệ.

Theo Quyết định, Bộ Xây dựng là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước cho đến khi Tổng công ty Sông Đà quyết toán cổ phần hóa và bàn giao cho công ty cổ phần, nhưng không quá thời điểm 31/12/2019. Sau giai đoạn này, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước sang Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Về nhà đầu tư chiến lược, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định tiêu chí, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và tỷ lệ cổ phần cụ thể bán cho nhà đầu tư chiến lược, đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và quy định pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà đã có một số điều chỉnh.

Ngày 29/9/2017, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1478/TTg-ĐMDN về việc điều chỉnh phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà gửi Bộ Xây dựng.

Theo đó, xét đề nghị của Bộ Xây dựng (văn bản số 1870/BXD-QLDN), ý kiến của Bộ Tài chính (các công văn số 11788/BTC-TCDN và 15460/BTC-TCDN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 7434/BKHĐT-PTDN), Kiểm toán Nhà nước (công văn số 1145/KTNN-TH) về việc xử lý giá trị doanh nghiệp, điều chỉnh cơ cấu cổ phần bán lần đấu khi cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng quyết định và chịu trách nhiệm về việc xử lý giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà, gồm: dự án hầm đường bộ qua Đèo Ngang, dự án Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh, khoản chi phí tái cấu trúc và khoản đầu tư tài chính theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, theo văn bản này, cơ cấu phát hành lần đầu của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà đã có sự thay đổi.

So với Quyết định số 824/QĐ-TTg, cổ phần nhà nước vẫn là 229,5 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019, năm 2020 bán tiếp phần vốn nhà nước còn nắm giữ tại doanh nghiệp này xuống dưới 50% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 vẫn là 822 nghìn cổ phần, chiếm 0,18% vốn điều lệ.

Tuy nhiên với 219,68 triệu cổ phần còn lại (48,82% vốn điều lệ) - thay vì được chia làm 2 phần (30% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược; 18,82% cổ phần bán đấu giá công khai) – đã được xác định dành toàn bộ để bán đấu giá công khai.

Có nghĩa rằng, quy mô IPO của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà sẽ được nâng lên thành 219,68 triệu cổ phần, và công ty sẽ không có cổ đông chiến lược.

Với sự điều chỉnh này, cơ hội sở hữu Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà sẽ được mở rộng ra cho tất cả các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định.

Thay vì chỉ được sở hữu tối đa 18,82% vốn điều lệ, giờ đây, nhà đầu tư đủ tiềm lực sẽ có cơ hội sở hữu tối đa 48,82% vốn điều lệ công ty.

Thay vì 30% vốn được dành cho nhà đầu tư chiến lược (số lượng hạn chế), các nhà đầu tư quan tâm tới Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà sẽ được cạnh tranh sòng phẳng hơn trong việc sở hữu tổng công ty này.

Trong bối cảnh tăng trưởng ấn tượng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong ít tháng qua, sự điều chỉnh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sức hút cho phiên IPO và góp phần nâng cao hiệu của việc chào bán cổ phần Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà.

Tất nhiên, với 219,678 triệu cổ phần được IPO ngay trong một phiên đấu giá, tổng quy mô lên tới hơn 2.400 tỷ đồng (theo giá khởi điểm) thì năng lực hấp thụ của thị trường cũng là một vấn đề.

Tổng công ty Sông Đà tiền thân là Ban chỉ huy công trường thủy điện Thác Bà, được thành lập ngày 01/06/1961 theo Quyết định số 214/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Tổng công ty Sông Đà là một trong những cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực tổng thầu xây lắp (tổng thầu EPC) và thi công xây lắp các công trình giao thông, công nghiệp, dân dụng, điện, thủy lợi...

Việc ra đời Tổng Công ty Sông Đà cũng đồng nghĩa với việc khai sinh ngành xây dựng thủy điện Việt Nam. Từ công trình đầu tiên là Thủy điện Thác Bà, sau khi đất nước thống nhất, chính Tổng Công ty Sông Đà đã vinh dự được Đảng và Chính phủ tin cậy giao nhiệm vụ chinh phục Sông Đà và xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á – Công trình thủy điện Hòa Bình. Công trình đến nay vẫn là biểu tượng của tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh, là sự hội tụ giữa trí và lực, là kết tinh của khát vọng, trí thông minh, lòng dũng cảm, truyền thống ham học hỏi, cầu thị tiến bộ, được nuôi dưỡng từ cội nguồn văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh dấu ấn đậm nét trong các công trình thủy điện như Thác Bà, Sông Đà, Yaly, Nậm Mu, Nậm Chiến, Sê San 3, Sê San 4, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Sơn La, Lai Châu, Xekaman 1, Xekaman 3,… Tổng công ty Sông Đà cũng ghi tên mình trong các công trình giao thông trọng điểm như Đường Hồ Chí Minh, Hầm đường bộ qua Đèo ngang, Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân…/.

Xuân Thắng

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/phien-ipo-lich-su-cua-tong-cong-ty-song-da-se-dien-ra-vao-ngay-25-12-147017.html