Không để lãng phí nguồn lực từ tài sản công

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp hợp lý trong việc sắp xếp, điều chuyển tài sản công, nên công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại tỉnh Hòa Bình ngày càng đi vào thực chất. Để phát huy kết quả này, trong năm 2022, tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khai thác nguồn lực từ chính tài sản công, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Làm lợi cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng

Bà Nguyễn Thị Huệ - Trưởng phòng Quản lý giá và công sản, Sở Tài chính Hòa Bình cho biết, để không lãng phí nguồn lực từ TSC, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình đã tham mưu, trình UBND tỉnh các phương án sắp xếp, điều chỉnh tài sản công (TSC) theo hướng chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, nên việc quản lý, sử dụng TSC trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thực sự hiệu quả.

Từ năm 2019 - 2021, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý đối với 4.202 cơ sở nhà, đất được phê duyệt theo quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ- CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý TSC và Nghị định 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 167, với tổng diện tích đất là 11.592.986 m2, tổng giá trị đất là 5.843 tỷ đồng; 7.315 ngôi nhà với tổng diện tích sàn sử dụng 1.854.599 m2, tổng nguyên giá trên 6.653 tỷ đồng, tổng giá trị còn lại trên 2.595 tỷ đồng.

Việc sắp xếp các cơ sở nhà, đất sau khi sáp nhập của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được thực hiện khẩn trương, công khai, dân chủ.

Đặc biệt, đối với công tác xử lý TSC dôi dư, sau khi thực hiện sắp xếp, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình với vai trò là Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 167 của tỉnh đã có văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và ngành y tế thực hiện rà soát, xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc của các phòng, ban chuyên môn, các xã, phường thị trấn, nhà văn hóa khu dân cư, trung tâm học tập cộng đồng, trạm y tế sau khi sáp nhập chưa đề xuất phương án xử lý, hoặc đã đề xuất nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhờ đó, việc sắp xếp các cơ sở nhà, đất sau khi sáp nhập của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được thực hiện khẩn trương, công khai, dân chủ.

Báo cáo từ Sở Tài chính Hòa Bình cho thấy, từ năm 2019 - 2021, đơn vị đã trình UBND tỉnh quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 69 cơ sở nhà, đất thuộc cấp huyện, xã dôi dư sau khi sáp nhập, đề xuất phương án xử lý. Tổng số cơ sở nhà, đất đã phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá là 67 cơ sở với tổng giá khởi điểm duyệt là trên 545,1 tỷ đồng. Hết năm 2021, toàn tỉnh đã hoàn thành việc bán 39 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất trên 59.697 m2 và trên 19.180 m2 sàn xây dựng; tổng giá khởi điểm đề nghị phê duyệt trên 415,4 tỷ đồng; giá trúng đấu giá trên 447,3 tỷ đồng.

Sắp xếp tài sản công một cách hợp lý, hiệu quả

Để sử dụng TSC một cách hiệu quả, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình đã hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh quản lý, sử dụng có hiệu quả số lượng xe ô tô hiện có tại đơn vị phục vụ nhu cầu công tác, chủ động xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản công để quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn phương tiện đã được trang bị, thực hiện nghiêm quy định của UBND tỉnh về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác, xe chuyên dùng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi tỉnh quản lý.

Ngoài ra, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình đã thẩm định việc mua sắm tài sản nhà nước một cách chặt chẽ. Việc thẩm định dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được thực hiện theo đúng quy định. Năm 2021 đã thực hiện thẩm định 27 gói thầu mua sắm tài sản, với tổng giá trị đề nghị là hơn 105 tỷ đồng, kết quả thẩm định là hơn 104 tỷ đồng, giảm so với số đề nghị ban đầu là 312 triệu đồng.

Trong năm 2021, Sở Tài chính Hòa Bình đã triển khai hướng dẫn kê khai 151 tài sản là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời, thẩm định thanh lý 2 tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với nguyên giá trên 9 tỷ đồng, giá trị đề nghị thu hồi dự kiến là 796 triệu đồng.

Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình cũng đã thẩm định kế hoạch đấu thầu mua xe ô tô cho 11 cơ quan đơn vị. Tổng số lượng 12 xe với giá trị 12,7 tỷ đồng, gồm 8 xe ô tô phục vụ công tác chung với giá trị hơn 8,8 tỷ đồng và 4 xe chuyên dùng trị giá trên 3,9 tỷ đồng.

Không chỉ thẩm định đúng giá trị thực của tài sản mua sắm, để sử dụng một cách hiệu quả TSC, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình cũng đã thẩm định, trình UBND tỉnh điều chuyển 20 cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước với 15.912m2 đất. Sắp xếp điều chuyển xe ô tô từ nơi thừa, sang nơi thiếu nhằm phát huy hiệu quả sử dụng của tài sản.

Tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định thanh lý 14 ngôi nhà của 5 huyện, thành phố với diện tích là 10,185m2 nhà, giá trị nguyên giá 13,451 tỷ đồng. Tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định thanh lý 14 xe ô tô, gồm 10 xe chuyên dùng và 4 xe công tác của 14 cơ quan đơn vị với tổng nguyên giá hơn 7,2 tỷ đồng, giá trị còn lại 0,046 tỷ đồng, giá khởi điểm là 0,9 tỷ đồng…

Bước sang năm 2022, để công tác quản lý, sử dụng TSC càng hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là để tăng thu cho ngân sách từ chính nội lực TSC, tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và Sở Tài chính rà soát lại tài sản nhà nước không còn nhu cầu sử dụng, tài sản là quỹ đất do các huyện, xã quản lý (bao gồm cả tài sản, quỹ đất do giải thể, sáp nhập, chuyển địa điểm, sắp xếp lại trụ sở làm việc…) để thu hồi tạo quỹ đất sạch đấu giá thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch, tạo nguồn thu cho NSNN, không để lãng phí đất.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khong-de-lang-phi-nguon-luc-tu-tai-san-cong-98831.html