Phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương Quốc gia: Chưa chốt được mức tăng lương tối thiểu năm 2019

Trưa 26.7, phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương Quốc gia (HĐTLQG) về phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2019 đã kết thúc mà chưa tìm được tiếng nói chung. HĐTLQG dự định sẽ tổ chức phiên họp lần thứ ba vào tháng 8 tới.

Phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 26.7 kết thúc nhưng chưa đạt được sự thống nhất về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2019. Ảnh: QUẾ CHI

Tranh cãi về xác định mức sống tối thiểu

Tại phiên họp này, Tổng LĐLĐVN vẫn giữ nguyên mức tăng đề xuất tại phiên họp lần thứ nhất là 8,0% (tăng từ 220.000-330.000 đồng tùy từng vùng); đại diện người sử dụng lao động (VCCI) đề nghị tăng 2%, so với phiên thứ nhất là đề xuất không tăng. Mức đề xuất 2% này vẫn còn rất chênh lệch so với đề xuất của Tổng LĐLĐVN.

Một vấn đề quan trọng được các bên tranh cãi tại phiên họp lần này là về cách xác định mức sống tối thiểu làm căn cứ tính mức LTT năm 2019. Trong bối cảnh lộ trình LTT đáp ứng mức sống tối thiểu đã được xác định (năm 2020) thì việc xác định “mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ” là vấn đề hết sức quan trọng, chi phối trực tiếp đến việc đề xuất mức LTT vùng năm 2019. Tổng LĐLĐVN và Bộ phận Kỹ thuật của HĐTLQG cơ bản thống nhất sử dụng phương pháp và các căn cứ dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu để xác định mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Sự khác biệt về mức sống tối thiểu do hai bên tính toán chủ yếu do sự lựa chọn khác nhau về tỉ lệ giữa chi phí lương thực, thực phẩm với chi phí phi lương thực, thực phẩm. Theo đó, Bộ phận kỹ thuật HĐTLQG đề xuất chọn tỉ lệ chi phí lương thực, thực phẩm chiếm 48% (phi lương thực, thực phẩm 52%); còn Tổng LĐLĐVN đề xuất cơ cấu nhu cầu lương thực, thực phẩm chỉ chiếm 45% (phi lương thực, thực phẩm là 55%).

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN), một điều Tổng LĐLĐVN cũng hết sức băn khoăn là mức sống tối thiểu của NLĐ do Bộ phận kỹ thuật HĐTLQG tính toán năm nay thấp hơn nhiều so với số liệu của chính Bộ phận kỹ thuật đưa ra năm 2017. Nguyên do là họ xác định “rổ hàng hóa” tiêu dùng thiết yếu theo giá năm 2016 với giá trị 660.000 đồng/tháng, thấp hơn giá năm 2014 (724.000 đồng), trong lúc CPI từ 2014 đến nay tăng trên 10%.

Phần đông người lao động sản xuất trực tiếp đang có đời sống khó khăn, vất vả. Vì vậy họ luôn mong được tăng lương nhằm đảm bảo cuộc sống. Ảnh minh họa: VŨ HẢI

“Không tăng là vô lý”

Đây là quan điểm của ông Lê Đình Quảng. Ông Quảng cho rằng, việc không tăng LTT năm 2019 là vô lý, bởi lẽ theo lộ trình LTT đáp ứng mức sống tối thiểu, năm nay nếu không tăng, thì rõ ràng sang năm phải tăng lên để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu.

“Làm chính sách không ai làm “giật cục” như vậy. Một năm không tăng và một năm tăng đột biến rất dễ gây sốc cho cả DN và NLĐ. Trong khi đó, điều kiện KTXH đang khởi sắc; đời sống NLĐ đang gặp khó khăn thì LTT năm 2019 cần phải tăng hài hòa để đạt được lộ trình đã đặt ra” - ông Quảng nói.

Khảo sát gần đây của Tổng LĐLĐVN về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống năm 2018 cho thấy, trong số NLĐ tham gia khảo sát, có 809 NLĐ cho biết trong gia đình họ có số lượng nhân khẩu 4 người, trong đó có 2 lao động hưởng lương và 2 người phụ thuộc, phải nuôi dưỡng cùng chi tiêu chung. Tính chung, mức chi tiêu tối thiểu của các hộ gia đình có 4 người (2 lao động có thu nhập và 2 người phụ thuộc phải nuôi dưỡng) trung bình là 7,241 triệu đồng.

Còn theo báo cáo của CĐ KCN và KCX TP.Hồ Chí Minh năm 2018, khi khảo sát 11 DN FDI tại KCN Linh Trung I, nơi có đông công nhân thuộc các lĩnh vực giày da, chế biến thủy sản, đồ gỗ và cơ khí (37.600 lao động) cho thấy, mức lương cơ bản trung bình là 4,78 triệu đồng; thu nhập trung bình 6,2 triệu đồng. Khi so sánh thu nhập và chi tiêu, các hộ độc thân có tiết kiệm trung bình 1,2 triệu đồng/tháng; các hộ gia đình sinh 1 con, thu nhập của 2 vợ chồng đủ tạm trang trải cuộc sống, số tiền dành dụm được ít, chỉ mức 300.000 đồng/tháng, nhưng có tới 9,1% không có tích lũy và 3,1% gặp khó khăn, thiếu thốn. Riêng các hộ gia đình 2 con thì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày.

Tại phiên họp, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch HĐTLQG - nêu quan điểm, căn cứ vào Nghị quyết số 27, lộ trình để LTT đáp ứng mức sống tối thiểu còn 2 năm nữa. Hiện mức LTT vùng đã đáp ứng được 92% mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Như vậy, khi chỉ còn 2 năm nữa để bảo đảm mức tăng 8%, chia ra mỗi năm (2019, 2020) là 4%.

Ngoài ra, việc điều chỉnh LTT phải phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế cả nước 6 tháng đầu năm (đạt 7,08%, mức cao nhất trong 7 năm qua), chỉ số lạm phát CPI cả năm dự kiến tăng 4%. Như vậy, cộng với chỉ số lạm phát (khoảng 4%), ít nhất năm 2019 phải tăng LTTV ở mức 8%.

Trong khi đó, theo bà Tống Thị Minh - Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tại phiên đàm phán thứ hai, Bộ phận Kỹ thuật đưa ra những căn cứ như mức sống tối thiểu tính toán trên nguyên tắc nào, cập nhật giá cả ra sao, mô hình chi tiêu, dinh dưỡng, mức sống tối thiểu…

Bên cạnh đó, Hội đồng cũng phân tích tình hình kinh tế, đặc biệt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp 6 tháng đầu năm. Từ đó, hội đồng mới thảo luận các căn cứ, còn kết quả thương lượng phải chờ phiên sau.

QUẾ CHI - HOA LÊ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/phien-hop-thu-hai-cua-hoi-dong-tien-luong-quoc-gia-chua-chot-duoc-muc-tang-luong-toi-thieu-nam-2019-621396.ldo