Phiên họp thứ 14 và lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu

Sáng 26/11, tại thành phố Bắc Ninh, Ủy ban Bảo vệ môi trường Lưu vực sông Cầu đã tổ chức Phiên họp lần thứ 14 nhằm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái lưu vực sông Cầu năm 2018, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2019 và đề xuất những giải pháp, hướng giải quyết riêng từng cho địa phương và toàn bộ lưu vực; thực hiện Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu.Tham dự cuộc họp có ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tổng Cục môi trường và lãnh đạo UBND, Sở Tài nguyên & Môi trường, cơ quan, ban, ngành liên quan của 6 tỉnh: Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại cuộc họp

Hội nghị tập trung vào các nội dung: Kết quả triển khai Đề án BVMT lưu vực sông Cầu, diễn biến môi trường nước lưu vực sông Cầu năm 2017 – 2018 và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án năm 2019.

Qua kiểm tra, điều tra, thống kê các nguồn thải trên lưu vực sông Cầu, tập trung ở các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngoại khu, cụm công nghiệp, nguồn thải ở làng nghề và nước thải sinh hoạt. Trong đó có 26 khu công nghiệp, trong lưu vực đã có 98% nước thải được xử lý, cơ bản tuân thủ yêu cầu pháp luật về môi trường. Với cụm công nghiệp mới chỉ có 0,02% nước thải được xử lý. Với cơ sở công nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp việc xả thải khá nghiêm trọng, mới có 0,04% cơ sở xử lý ngước thải đạt yêu cầu. Về làng nghề mới có 23,9% cơ sở xử lý thải đạt yêu cầu. Nước thải sinh hoạt mới có 21,5% được xử lý.

Ông Nguyễn Tiến Nhường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, khai mạc phiên họp lần thứ 14, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu.

Để phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu, phiên họp lần thứ 14 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đã triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu năm 2019 đến năm 2020, với những nội dung trọng tâm:

Thực hiện đồng bộ, nghiêm túc triển khai thống kê, cập nhật dữ liệu nguồn nước thải, xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý nguồn nước thải tại mỗi địa phương trên lưu vực sông. Duy trì và thực hiện quan trắc môi trường nước trên toàn bộ lưu vực sông Cầu trên địa bàn 6 tỉnh.

Nêu rõ trách nhiệm chính của lãnh đạo chính quyền, người đứng đầu đơn vị có nguồn thải lớn ra lưu vục sông sẽ; tiếp tục ngăn chặn nguồn thải ô nhiễm khu vực sông Cầu; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nước toàn bộ lưu vực sông. UBND các tỉnh cần tập trung vào các vấn đề nóng trong ô nhiễm môi trường nước trên các tuyến sông trong toàn lưu vực. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu thúc đẩy chương trình, dự án liên vùng, trao đổi thong tin nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu. Đẩy mạng các cuộc kiểm tra cấp bộ hàng năm phối hợp với 6 tỉnh với các cơ sở sản xuất kinh doanh xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước…

Chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực Sông Cầu.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là của các tỉnh trên lưu vực sông Cầu trong tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đến năm 2020.

Thứ trưởng yêu cầu, trong các năm 2019, 2020, việc bảo vệ môi trường lưu vực Sông Cầu cần có bước đột phá. Các bộ ngành và 6 tỉnh phải tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho việc giải quyết ô nhiễm môi trường nước sông Cầu. Năm 2019 – 2020, là giai đoạn tổng kết triển khai Đề án, đồng thời mở ra giai đoạn mới trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, cần tập trung vào các nội dung sau:

Một là, phải coi công tác bảo vệ môi trường là một hoạt động quan trọng, không thể tách rời trong tiến trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Cầu chỉ có thể được giải quyết khi từng tỉnh làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình; tỉnh nào có nguồn thải lớn nhất ra lưu vực sông sẽ chịu trách nhiệm chính trong giải quyết vấn đề ô nhiễm. Chính vì vậy, 06 tỉnh trên lưu vực sông cần lựa chọn và bố trí kinh phí xây dựng công trình xử lý nước thải, chất thải rắn thiết thực cho khu đô thị, làng nghề, khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn mỗi tỉnh. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; thường xuyên hơn nữa nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên lưu vực sông Cầu.

Hai là, tích cực, duy trì triển khai điều tra thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải (nước thải) và kế hoạch quản lý, xử lý các nguồn thải trên lưu vực Cầu; đánh giá, khoanh vùng các nguồn nước thải lớn, tiếm ẩn rủi ro gây ra sự cố môi trường; cần thống nhất xây dựng một kế hoạch theo dõi, quan trắc và cơ chế chia sẻ thông tin về các nguồn thải để phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Ba là, từng tỉnh chủ động phối hợp, đề xuất, bố trí kinh phí đối ứng cho dự án thực hiện tại mỗi tỉnh trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu xử lý triển để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 – 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 807/QĐ-TTg ngày 03/7/2018 và các dự án khác; tranh thủ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác để triển khai các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên lưu vực sông.

Bốn là, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu phải đẩy mạnh vai trò trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh; xem xét vai trò giám sát của Ủy ban đối với các dự án tác động đến môi trường, đặc biệt Dự án có nguy cơ tác động đến lưu vực sông Cầu. Các thành Ủy ban thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Ủy ban, tham dự đầy đủ Phiên họp của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu; nghiêm túc đánh giá kết quả hoạt động và kết quả triển khai Đề án tại Bộ, ngành cũng như địa phương đến năm 2020 và có đề xuất kiến nghị trong thời gian tới.

Năm là, các Bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên lưu vực trong quá trình triển khai Đề án. Đặc biệt trong việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động các nguồn lực tổng hợp để triển khai các nhiệm vụ, dự án đầu tư khắc phục ô nhiễm và cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường nước trên lưu vực sông Cầu đang bị ô nhiễm, suy thoái; nghiêm túc đánh giá kết quả hoạt động và kết quả triển khai Đề án tại Bộ, ngành cũng như địa phương đến năm 2020 và có đề xuất kiến nghị trong thời gian tới.

Tại phiên họp đã tiến hành chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực Sông Cầu từ đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh sang đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực Sông Cầu nhiệm kỳ 5 (2019-2020).

Trần Tuấn- Linh Anh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/thoi-su/phien-hop-thu-14-va-le-chuyen-giao-chuc-vu-chu-tich-uy-ban-bao-ve-moi-truong-luu-vuc-song-cau-1262192.html