PHIÊN HỌP CỦA ỦY BAN KINH TẾ ĐẠI HỘI ĐỒNG AIPA 41

Trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41, sáng ngày 09/9 theo giờ Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam Vũ Hồng Thanh chủ trì Phiên họp của Ủy ban Kinh tế Đại hội đồng AIPA 41. Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển dự, phát biểu khai mạc Phiên họp.

Tham dự Phiên họp, ngoài Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam còn có các Đoàn Nghị sĩ từ các nước: Brunei, Campuchia, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: “Được sự ủy quyền của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA năm 2020, tôi lấy làm vinh dự được tham dự Phiên họp của Ủy ban Kinh tế AIPA 41. Tôi chúc Quý vị sẽ có một Phiên làm việc hiệu quả. Trong điều kiện làm việc trực tuyến của hệ thống mạng toàn cầu, tôi hy vọng các điều kiện kĩ thuật bảo đảm để nghị sĩ các nước tham gia thảo luận thuận lợi; Ủy ban Kinh tế AIPA sớm đạt được các nội dung chương trình nghị sự mà mình đã đề ra”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Phiên họp

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển, hợp tác kinh tế trong AIPA là một trong những vấn đề then chốt, có ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực hợp tác của Khu vực. Cộng đồng Kinh tế ASEAN có mục tiêu tạo ra một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư kinh doanh và tạo sự thịnh vượng chung cho cả khu vực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển nhận thấy, từ khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 đến nay, trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và hi vọng rằng, trong thời gian tới, việc hội nhập này tiếp tục được phát huy sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu khả quan hơn.

Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển hoan nghênh các nước thành viên AIPA đã tán thành quyết định chọn chủ đề về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và Phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID – 19”. Đây là chủ đề mang tính thiết thực, có tính thời sự cấp bách đối với mọi quốc gia thành viên AIPA và khu vực chúng ta đã bước đầu thực hiện khá tốt. Mong rằng, các nước thành viên sớm vượt qua khó khăn, phục hồi nền kinh tế, ổn định đời sống xã hội và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Phiên họp của Ủy ban Kinh tế

Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển chúc Ủy ban Kinh tế AIPA sẽ gợi mở và đưa ra được các khuyến nghị để các nước AIPA chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp và đề xuất giải pháp nhằm gắn kết và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Các kết quả thảo luận tích cực với nhiều sáng kiến trên tinh thần xây dựng và hợp tác sẽ góp phần đem lại thành công tốt đẹp cho Đại hội đồng AIPA 41.

Phát ngôn của Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Phiên họp khẳng định: Việt Nam rất vui mừng được cùng với Ủy ban Kinh tế của các nước trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thảo luận về chủ đề “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID-19” ngày hôm nay.

Trong nhiều tháng qua, các nước ASEAN đã có những biện pháp riêng để kiểm soát đại dịch COVID-19 cũng như ứng phó với các tác động kinh tế của dịch bệnh. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần, mà còn là một cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển khi các chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế bị phá vỡ. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4% năm 2019 xuống còn -2,7% trong năm 2020, trước khi phục hồi lên mức 5,2% vào năm 2021, đặc biệt do các mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ của khu vực này với Trung Quốc.

Trước tình hình trên, Đoàn Việt Nam quan ngại sâu sắc về những tổn thất to lớn do dịch bệnh Covid-19 gây ra ở các quốc gia ASEAN; tác động của dịch bệnh Covid-19 đã gây cản trở rất lớn đến kinh tế các nước ASEAN, hoạt động thương mại nội khối và ngoại khối. Do đó, liên kết kinh tế trong thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế của các nước thành viên ASEAN và việc triển khai tốt các hoạt động kinh tế số sẽ có tầm quan trọng sâu sắc, đóng vai trò quan trọng trong tăng cường liên kết kinh tế ASEAN cũng như sự sẵn sàng của ASEAN để ứng phó với các thách thức từ đại dịch COVID-19.

Trên tinh thần đó, Đoàn Việt Nam mong muốn cộng đồng ASEAN thống nhất thực hiện một chuỗi giải pháp mang tính đột phá, khả thi:

Một là, thực hiện thúc đẩy nhanh việc trao đổi thông tin liên quan đến du lịch và sức khỏe và các biện pháp cần thiết khác để kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19; củng cố sự an tâm trong di chuyển, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và quy trình y tế hỗ trợ di chuyển xuyên biên giới của công dân ASEAN không bị gián đoạn, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và y tế quốc tế cũng như các cam kết theo các Hiệp định có liên quan giữa các nước thành viên ASEAN;

Hai là, nghiên cứu khái niệm “du lịch cầu hàng không” giữa “các nước xanh lá cây” như một sáng kiến sơ bộ trong quá trình mở cửa lại biên giới, hình thành các khu vực di chuyển an toàn trong ASEAN và đề xuất hướng dẫn tham chiếu cho tất cả các nước thành viên ASEAN mà không làm tổn hại đến những cam kết theo các thỏa thuận có liên quan giữa các nước thành viên ASEAN;

Ba là, tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn; xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm trong khu vực; bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn;

Bốn là, thúc đẩy nhanh việc phê chuẩn các hiệp định, thỏa thuận thương mại trong khu vực; ưu tiên tăng cường các nỗ lực để hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2020; tăng cường năng lực, sự tham gia và đẩy mạnh giám sát nghị viện đối với việc thực hiện các cam kết về đầu tư và thương mại trong khuôn khổ khu vực và quốc tế, coi đây là công cụ chủ yếu để thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng hơn trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác.

Năm là, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an toàn dữ liệu số, kiến thức và kỹ năng số gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN để phát triển kinh tế số; chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để xử lý các thách thức mà các nền tảng thương mại điện tử đang phải đối mặt; tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội trong dịch bệnh COVID-19 và duy trì tính cạnh tranh trong kỷ nguyên kinh tế số.

Sáu là, xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối khu vực, tăng cường kết nối giao thông và sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác tiểu vùng Mê Công và các tiểu vùng khác của ASEAN, đặc biệt là về bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp thông minh và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng tại các tiểu vùng trong và sau đại dịch COVID-19.

Một lần nữa, Đoàn Việt Nam mong rằng các nước trong cộng đồng ASEAN ủng hộ những quan điểm của Việt Nam và có những sáng kiến quan trọng, thiết thực để thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID -19. Trên cơ sở các sáng kiến được ghi nhận tại diễn đàn ngày hôm nay, chúng ta thống nhất, đoàn kết, đồng lòng để ban hành một Nghị quyết về kinh tế với vai trò của nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID-19.

Cũng tại Phiên họp, các nước thành viên AIPA đều đánh giá cao những nỗ lực trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam cũng như thống nhất cho rằng, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế không chỉ các nước ASEAN mà lan rộng trên thế giới. Vì vậy, các nước cần tăng cường đoàn kết, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau đối phó với dịch bệnh cũng như phục hồi nền kinh tế. Điều này đòi hỏi Chính phủ của mỗi nước phải đưa ra biện pháp y tế linh hoạt mà cần có chính sách tài khóa phù hợp.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc đối phó với dịch bệnh COVID-19 và phục hồi nền kinh tế, đại diện đoàn Indonesia cho biết: Đến tháng 8/2020, Indonesia đã có 800.000 người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 và 300.000 người lao động bị mất việc làm nên Chính phủ đã linh hoạt trong việc chi ngân sách hàng chục tỷ USD để hỗ trợ người dân thuộc nhóm khó khăn, người yếu thế trong xã hội vay không tính lãi để khắc phục dịch bệnh và ổn định sản xuất. Lĩnh vực du lịch, giao thông đã bị ảnh hưởng lớn do đại dịch COVID-19 gây ra nên Chính phủ cũng ưu tiên hỗ trợ. Để các nước khắc phục nền kinh tế do hậu quả do đại dịch COVID-19, Indonesia đề xuất, các nước cần hợp tác đưa ra các quy định về việc di chuyển đi lại nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Đại diện Đoàn Philippines nêu quan điểm: Các nước ASEAN cần tăng cường các biện pháp về y tế song song với phát triển kinh tế; Hợp tác Nghị viện, thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực thông qua các biện pháp thích ứng, lắng nghe những nhu cầu của người dân để hỗ trợ. Lĩnh vực nên ưu tiên quan tâm để phục hồi nền kinh tế là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục.

Đề cập những giải pháp phòng chống, khắc phục dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế, đại diện đoàn Malaysia cho biết, Chính phủ nước này đã chi hàng chục tỷ tiền Malaysia để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song song với đó là Chính phủ Malaysia cũng có sự minh bạch về các khoản chi tiêu, hỗ trợ người dân, chính sách tài khóa.

Góp ý vào việc phục hồi nền kinh tế trước đại dịch COVID-19, Đoàn Malaysia cho rằng các quốc gia cần chia sẻ trong kinh nghiệm hữu hiệu trong phòng chống dịch bệnh, chính sách phục hồi nền kinh tế, chuỗi cung ứng sản xuất trong khu vực để tránh những sai lầm giống nhau và có thể sẵn sàng đối phó với những tình huống bất ngờ xảy ra trong tương lai.

Đối với đoàn Singapore, đại diện nước này khẳng định: Đại dịch COVID-19 đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến thế giới. Để khắc phục dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế, Singapre đã mở ra 4 loại ngân sách: Quỹ Kiên cường, quỹ Chống chịu quỹ Đoàn kết, quỹ Thống nhất. Các quỹ được hỗ trợ bởi Chính phủ nhằm hỗ trợ việc làm, hỗ trợ lương cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp. Chính sách được gia hạn vào tháng 3/2021. Ngoài ra, Singapore còn đưa ra các chính sách kích thích gia tăng việc làm đối với các ngành y tế, khoa học, tài chính, dịch vụ, thông tin…

Quan điểm của Singapore là kêu gọi các nước đoàn kết để bảo vệ tính mạng của người dân do đại dịch COVID-19 gây ra và xây dựng sinh kế cho người dân. Ngoài ra, các nước nên có sự trao đổi, học hỏi lẫn nhau trong phòng chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế.

Còn quan điểm của Thái Lan tại Phiên họp là các nước cần tập trung nguồn lực hỗ trợ ASEAN phục hồi nền kinh tế. Ngoài ra, các nước cần có những thỏa thuận khu vực để thúc đẩy hợp tác thông qua áp dụng công nghệ 4.0 để xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN kiên cường hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận Phiên họp.

Sau khi thảo luận, dưới sự đồng thuận cao, tại Phiên họp, các nước đã thông qua dự thảo Nghị quyết về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và Phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID – 19”.

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những chia sẻ, đóng góp của các đoàn đối với Phiên họp của Ủy ban Kinh tế. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam Vũ Hồng Thanh cũng yêu cầu Nhóm Thư ký rà soát lại Dự thảo Nghị quyết để Ủy ban Kinh tế và các nước xem xét lại trước khi trình Phiên họp toàn thể lần thứ 2 để Đại hội đồng AIPA 41 phê duyệt./.

Bích Lan - Bùi Hùng

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=48167