Phiên dịch ngoại giao: Chuyện những 'lính đặc nhiệm' chỉ nhận lệnh, không thoái thác

Một mùa xuân mới đang về, gió thầm thì, mưa lắc rắc. Thông điệp của trời xuân, mưa xuân là gì nhỉ, ai dịch?

Tác giả trong một lần "tác chiến".

Một phần của Ngoại giao

Căng thẳng và sức ép, đấy là yếu tố mà các phiên dịch ngoại giao, những người làm công việc đặc biệt là dịch cho các nguyên thủ phải đối mặt và vượt qua. Xuống khỏi chuyên cơ, bạn lên một chiếc xe limousine 3 khoang và dịch luôn trong tư thế ngồi ngược. Xe luồn lách trên đường phố kín đặc các phương tiện, nôn nao, choáng váng, tự hỏi sẽ trụ được bao nhiêu phút. Về đến khách sạn, bạn chỉ kịp chỉnh lại quần áo và lại tiếp tục lên xe, tiếp tục nôn nao, nhộn nhạo để đi dịch cuộc quan trọng nhất là hội đàm giữa hai nguyên thủ. Đến nơi, đầu vẫn quay quay, bạn được bố trí ngồi sau, không bàn, không micro, căn phòng đẹp đẽ và rộng mênh mông, bạn vừa căng tai nghe, vừa nói to hết cỡ, xong cuộc dịch, bạn kiệt sức hoàn toàn. Đấy là một tình huống thật của người phiên dịch ngoại giao.

Những người phiên dịch ngoại giao, hay phiên dịch cấp cao, thường ít khi nói về mình. Khi có yêu cầu phỏng vấn thì người nọ hay chỉ sang người kia, cuối cùng thường là lờ đi, không ai nhận. Có lẽ bao nhiêu năm, bao nhiêu thế hệ quen ngồi phía sau, đi phía sau với tâm thế người phục vụ đã hình thành một rào cản vô hình ngăn họ “ra mặt tiền”. Họ như một thế giới riêng, khi sôi động, nháo nhào, khi lặng lẽ, cần mẫn.

Nhưng lần này là Báo Tết, không khí xuân đã rộn ràng. Tôi đã định áp dụng chiến thuật vòng vo cũ để trốn khi Tổng Biên tập Thế giới & Việt Nam ngỏ lời, nhưng rồi cô Thư ký tòa soạn lại gọi, làm bất chợt nhớ câu nói của chị Tôn Nữ Thị Ninh, Trưởng Phòng Phiên dịch đầu tiên của Bộ Ngoại giao khi đơn vị này được tái lập. Chị bảo tôi làm việc gì đó, còn chưa kịp trả lời thì chị đã chốt: “You don’t say no to woman, do you” (bạn sẽ không nói không với phụ nữ, đúng không). Vâng, trước Xuân cũng giống như như trước phụ nữ đẹp, nỡ lòng nào nói không!

Phiên dịch ngoại giao là một nghề, cũng giống như nghề phiên dịch, nhưng là một nhánh khác. “Phiên dịch ngoại giao là một phần của Ngoại giao”, đấy là phương châm “truyền thừa” qua các thế hệ phiên dịch. Nghĩa là phiên dịch ngoại giao không chỉ làm công việc chuyển ngữ mà phải nắm nội dung, nguyên tắc, chủ trương, những tinh tế, phức tạp của vấn đề, tình hình, thái độ, lập trường của ta và phía bên kia để đưa câu chuyện đi đúng hướng, nói đúng tông, thể hiện đúng không khí, sắc thái của câu chuyện, thần thái của người nói.

Có hai khâu đều khó và đều đòi hỏi sự nhạy cảm, tinh tế, năng lực riêng: khâu thứ nhất là đọc đúng ý, luận đúng tinh thần, thái độ của người nói và khâu thứ hai là tái hiện đúng điều đó sang ngôn ngữ kia mà không có độ trễ về thời gian. Ví dụ nếu tính mức độ “căng thẳng” của câu chuyện theo thang điểm 10, thì người phiên dịch sẽ phải “đo” và quyết định xem nó ở thang 6 hay thang 8 để từ đó diễn tả theo đúng thang ấy, nhưng cũng có lúc là 8, có lúc xuống đến 4. Chỉ có nhạy cảm, tố chất và kinh nghiệm mới giúp người phiên dịch ngoại giao quyết định đúng trong khoảnh khắc ấy. Phải dự cảm trước được chiều hướng câu chuyện, các ý tiếp theo và khâu nối với các câu trước để lời dịch không phải là tập hợp những câu riêng lẻ mà là một dòng chảy nhuyễn của cả câu chuyện như đúng mạch kể của người nói.

Phiên dịch ngồi riêng trong cabin, dịch cùng lúc với người nói, nói xong thì cũng dịch xong.

Muôn màu “cabin”

Công chúng hay nhìn thấy phiên dịch ngoại giao ngồi cạnh, ngồi sau hoặc đi sát Lãnh đạo cấp cao. Đây là tình huống dịch hội đàm hoặc tiếp xúc. Trong nhóm tình huống này có việc rất đặc biệt là dịch cho lãnh đạo trong phòng chờ nguyên thủ trong các diễn đàn, hội nghị đa phương. Khi ấy, phiên dịch là cán bộ ngoại giao duy nhất, cũng là người duy nhất có mặt bên cạnh Lãnh đạo cấp cao và sẽ cùng lúc phải đóng vai trò phiên dịch, ngoại giao, liên lạc, chụp ảnh, ghi biên bản, phục vụ…

Khi thấy Lãnh đạo đeo tai nghe thì đấy là dịch cabin, hay còn gọi là dịch song song, dịch đồng thời. Phiên dịch ngồi riêng trong cabin, dịch cùng lúc với người nói, nói xong thì cũng dịch xong. Trước đây, dịch cabin chỉ dùng trong các hội nghị đa phương, có nhiều thứ tiếng. Hầu hết các cuộc hội đàm cấp đều dịch nối tiếp, nhưng trong khoảng 2-3 năm gần đây thì dịch cabin hội đàm cấp cao ngày càng phổ biến, như hội đàm của lãnh đạo ta với Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Ấn Độ, Trung Quốc hay các cuộc hội đàm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với người đồng cấp các nước.

Dịch cabin rất khó khi phải cùng lúc vừa nói, vừa nghe, vừa tư duy chuyển ngữ. Dịch cabin cho hội đàm cấp cao thách thức hơn nhiều so với dịch cabin hội nghị, vì các phát biểu tại hội nghị chủ yếu là các tuyên bố về lập trường, quan điểm, các lập luận về vấn đề nào đấy thì hội đàm cấp cao đi vào các nội dung cụ thể trong quan hệ song phương và vẫn đòi hỏi nhạy cảm chính trị, tái thể hiện đúng giọng điệu. Dịch nối tiếp tưởng dễ nhưng lại vô cùng khó vì phải nhớ, ghi, phải biên tập để “là phẳng” những khác biệt về văn hóa, tư duy, cách diễn đạt.

Khối lượng công việc “khủng” phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Ngoại giao, một số các yêu cầu hỗ trợ “không thể chối từ” của các bộ, ban, ngành, địa phương đòi hỏi cả bộ máy của Trung tâm Biên-Phiên dịch Quốc gia gồm hơn 20 cán bộ tiếng Anh và Pháp chạy hết tốc lực.

Nhóm phiên dịch của Trung tâm Biên-Phiên dịch Quốc gia chuẩn bị cho Đại lễ Vesak 2019, tháng 5/2019.

Vượt qua chính mình

Tuy nhiên, trong suốt các thời kỳ khác nhau, luôn chỉ có 2-3 người có thể đảm nhiệm dịch hội đàm cấp cao. Không hẳn dịch hội đàm cho lãnh đạo cấp cao nhất thì khó nhất, nhưng người dịch những cuộc này phải chịu áp lực lớn nhất, căng thẳng nhất, đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm, kiến thức, có khả năng và dám xử lý, chịu trách nhiệm trước các tình huống phát sinh.

Trước chuyến thăm của Tổng thống Israel Simon Peres (2011) một hôm, tôi nhận được cuộc gọi yêu cầu có cuộc gặp với Chánh Văn phòng của ông và được yêu cầu nói chậm, rõ vì Tổng thống đã lớn tuổi. Không ngờ đó là cuộc dịch khó nhất trong cuộc đời phiên dịch. Ông trích dẫn từ Khổng Tử đến Kinh Thánh, dẫn dắt vấn đề từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây, nhưng âm ông nói nhiều lúc không rõ, không bắt micro.

Trong một hội nghị cấp cao ở Myanmar, đang dịch cabin thì hệ thống kỹ thuật trục trặc, nghe thấy tiếng một Bộ trưởng nói “phiên dịch nó không dịch được” nhưng không nói được vào micro, Thủ tướng và cả đoàn không nghe được. Do cabin đặt ở cuối phòng nên tôi vội chạy ra để dịch trực tiếp, đến nơi thì Đại sứ Phạm Quang Vinh, lúc ấy là Thứ trưởng Ngoại giao đang quỳ cạnh ghế Thủ tướng để dịch. Anh xua tay ý bảo tôi quay lại cabin. Khi ra ngoài, anh nói nhẹ nhàng: “Tớ quỳ dịch, vì khi Thứ trưởng Ngoại giao quỳ thì sẽ không còn ai nói gì về vấn đề phiên dịch nữa”. Anh đã đọc rất nhanh tình huống và chủ động gỡ ngay áp lực đối với phiên dịch.

Dân phiên dịch ai cũng thấm câu: “Không có người phiên dịch tốt, chỉ có cuộc dịch tốt”, nghĩa là không phải lúc nào cũng có thể dịch hay, thăng hoa và “tai nạn” lúc nào cũng rình rập. Đầu óc có khoảnh khắc không thực sự thông suốt, có lúc trí nhớ phản bội, tự nhiên quên, có lúc ý sáng trong đầu mà diễn đạt ra vẫn vấp, không trôi chảy. Mỗi phiên dịch ngoại giao sẽ trưởng thành theo thời gian, nỗ lực phấn đấu, khả năng vượt qua sức ép, tâm lý, qua kinh nghiệm các cuộc dịch lớn nhỏ và đào tạo của đơn vị. Đấy là quá trình vượt qua chính mình với những khen, chê, khi thăng hoa mà cũng có lúc “ê chề”.

Tháng 11/2017, trong tuần lễ cấp cao APEC, phần lớn phiên dịch “cứng” phục vụ tại Đà Nẵng. Khi ấy tôi vừa kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại UAE quay về đơn vị được một tháng, được giao chốt ở lại Hà Nội phục vụ Lãnh đạo ta tiếp các nguyên thủ thăm song phương.

Anh Tạ Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Biên-Phiên dịch Quốc gia lúc ấy dặn lại “Cuộc dịch cho Tổng thống Trump, ông lâu không dịch, chưa nóng, không dịch được đâu, để Mai Phương dịch”. Lo lắng của anh Thông là đúng. Phiên dịch phải trong trạng thái phản xạ tốt, tập trung tốt, trí nhớ tốt mới dịch tốt, và khi không làm thường xuyên có thể đánh mất cả ba yếu tố ấy. Cán bộ phiên dịch Mai Phương của Trung tâm có trình độ giỏi, nhưng sức ép của cuộc gặp mang tính lịch sử giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng Bí thư ta có lẽ quá sức tải của bạn ấy. Tôi phải nhận sức ép ấy về mình, làm nóng bằng các cuộc dịch thách thức không kém là các cuộc gặp giữa Thủ tướng Canada Justin Trudeau với Lãnh đạo ta.

Phiên dịch ngoại giao có phần giống lính đặc nhiệm, cái gì khó nhất, nhạy cảm nhất với đối tác, yếu nhân nước ngoài thì chúng tôi đều được gọi tên. Biết là rất thử thách, nhưng chúng tôi chỉ được nhận lệnh và vào trận, không được thoái thác.

Phạm Bình Đàm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phien-dich-ngoai-giao-chuyen-nhung-linh-dac-nhiem-chi-nhan-lenh-khong-thoai-thac-108156.html