Phiên chợ nổi ngày Tết

Dấu ấn văn hóa dân gian ẩn chứa nhiều điều thú vị vẫn còn đó trong các phiên chợ nổi ngày Tết.

Dân quê, ở trong những xóm heo hút, nhà cách chợ năm bảy cây số. Muốn đi chợ thì bơi xuồng, chèo ghe cả nửa buổi mới tới nơi. Bởi vậy, có nhà cả tháng trời mới đi chợ một lần. Muốn đi chợ, thì gà gáy lần hai, lần ba hay chờ sao Mai mọc là người trong xóm ở gần, rủ nhau đi chợ. Vừa chèo ghe, họ vừa trò chuyện.

Có khi một ghe chở năm bảy người đi chung. Những câu hò, câu chuyện tiếu lâm có dịp được người ta cất lên vừa để quên thời gian vừa đỡ mỏi mệt khi chèo, bơi.

Trong các công việc chuẩn bị Tết thì không thể thiếu một chuyến đi chợ Tết. Làm quần quật cả năm, đến Tết phải ra chợ mua sắm thêm muối, đường, bột ngọt tiêu tỏi, đồ hàng mã để trên bàn thờ ông bà hay cặp dưa hấu trưng ngày Tết…

Dân quê Sóc Trăng ngoài chuyện đi những chợ nhóm trên bờ còn đi chợ nổi. Đây có thể coi là nét đặc trưng của miền đất này. Nó vừa độc đáo lại không kém phần lạ lẫm.

 Sách Ăn Tết chơi Tết miền Tây. Nguồn: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM.

Sách Ăn Tết chơi Tết miền Tây. Nguồn: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM.

Ngày Tết chợ nổi càng nhộn nhịp. Khoảng từ rằm tháng chạp trở đi, chợ nổi đã tấp nập ghe xuồng lên xuống hàng, để phục vụ cho bà con. Cả quãng sông dài vài cây số tấp nập ghe xuồng, rộn ràng tiếng nói vang cả mặt sông: Tiếng gọi hàng í ới, tiếng hô tránh đường, tiếng máy nổ, tiếng chèo rẽ nước, tiếng người chào nhau,…

Ghe bán hàng thì neo đậu chất đầy những hàng hóa thiết yếu như: Bánh mứt, hoa quả, vải vóc, quần áo đến dưa hấu, chuối xiêm, dừa tươi, bắp cải, củ hành, củ kiệu…

Những chiếc xuồng ba lá thoăn thoắt hai mái chèo của những cô gái mặc áo bà ba, nón lá quai hường đi chợ mua đồ về ăn Tết.

Nhà thiếu gì thì mua nấy, bông vạn thọ chưa kịp trổ thì chọn một vài chậu bông rực vàng về trưng Tết. Cặp dưa hấu để cúng ông bà là thứ không thể thiếu, rồi thêm ít ký kiệu, củ hành về làm dưa,…

Họ cũng có thể mua thêm trứng vịt về nướng bánh hay để kho thịt; hành, hẹ, củ sắn,… thứ gì cũng có. Đa phần người bán là nông dân, họ bán sản vật do mình làm ra, thật thà, ít khi nói thách… Mua bán còn tính chục, tính trăm hoặc bán theo mớ, nhắm chừng,… Cân đong, đo đếm từng li từng tí hay tranh giành hơn thiệt ít khi xuất hiện ở chốn này.

Ghe xuồng dày đặc hàng trăm chiếc cùng di chuyển như vậy nhưng gần như không có trường hợp va chạm nghiêm trọng đáng tiếc nào. Va quẹt chút xíu là người ta luôn miệng nhắc nhau: Chợ Tết mà, mỗi người nhường một chút đi! Hoặc là lời xin lỗi, nhận lỗi… Có lẽ vậy mà mọi chuyện êm rơ ngày này qua ngày khác, chẳng đáng buồn như kiểu giao thông của các phương tiện xe máy hiện đại chốn thị thiềng.

Mặt Trời lên, bụng đã đói, sẵn có ghe bán bún nước lèo hay cháo lòng, người đi chợ kêu lại ăn một tô, uống ly cà phê buổi sáng bập bềnh theo con nước để cảm nhận cái khoảnh khắc bình yên.

Xin nói thêm đôi dòng về đời sống của những cư dân theo nghiệp thương hồ. Phía trước mui những chiếc ghe lớn, người dân sống ở vùng sông nước luôn dành chỗ trang trọng để gửi gắm đời sống tâm linh của mình. Đó là nơi thờ cúng.

Một bàn thờ (hoặc nơi cắm nhang trước mũi xuồng) để đốt nhang. Hành động này vừa cầu thần tài cho họ mua may bán đắt, vừa để cúng Bà Cậu (cũng có người cho rằng Bà, Cậu được thờ trên tàu, ghe của những người làm nghề liên quan sông nước là đức phật Bồ Tát, đây là vị thần linh gần gũi với đời sống cư dân Nam Bộ).

Nhân vật tâm linh này được dân gian sùng bái và rất tin tưởng. Gần như ghe nào cũng có tran thờ. Phía trước ghe phần lớn là khoang chứa hàng. Phía sau là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Từ ăn uống, ngủ nghỉ, tắm rửa,... đều diễn ra trong không gian ấy.

Nhiều ghe đậu gần nhau, tìm hiểu, thăm hỏi rồi sẽ kết bạn bè. Những buổi chiều tà khi khách mua đã ngớt, các chủ ghe lại nấu cháo vịt, cháo gà rồi rủ nhau sang vừa nhâm nhi vài ba chung rượu đế vừa đờn ca tài tử cho đến khuya.

Nét sinh hoạt dân gian ấy được truyền như thế đã tự bao đời. Người dân ở đây cũng có tục tắm ghe. Mỗi buổi sáng sớm (hoặc khi mua bán đã xong), họ múc nước ngay dưới sông lên tắm ghe vừa để làm sạch ghe, vừa có niềm tin khi gột rửa những điều không may mắn, việc mua bán, đi lại của họ dễ dàng, thuận buồm xuôi gió.

Ghe nào hết hàng, nhắm thời gian còn đủ thì sẽ tiếp tục xuôi ngược để về lấy hàng rồi quay lại. Nhưng làm gì, mọi hoạt động mua bán đều kết thúc vào buổi sáng ngày cuối cùng của năm cũ.

Bởi sau đó, người ta không ra chợ nữa, mà ai ai cũng về nấu cơm canh cúng ông bà tổ tiên. Phần các ghe bán hàng cũng tất tả quay về nhà cho kịp chiều tất niên để... lo Tết.

Ghe nào bán hết thì mừng, ghe nào ế hàng đến sáng ba mươi còn nhiều thì phải hạ giá, bán rẻ. Cũng từ quy luật ấy, nên chợ sáng ba mươi thường đông hơn.

Người dân đi chợ xem cái gì người ta bán xổ thì mua để dành ăn. Ngược lại cũng có những mặt hàng khan hiếm, giá lên cao gấp mấy lần ngày thường. Điều này cũng nói lên đặc điểm của phiên chợ cuối năm.

Mọi người tạm chia tay cơm ghe bè bạn về quê. Sang năm mới, qua mùng Ba mới lai rai có vài ghe xuất hành sớm trở lại chỗ buôn bán cũ để neo đậu bắt đầu công việc cho năm mới. Mọi hoạt động của chợ nổi trở về bình thường khi người dân ăn Tết hết mùng.

Dấu ấn văn hóa dân gian ẩn chứa nhiều điều thú vị vẫn còn đó trong các phiên chợ nổi ngày Tết. Tính hoang sơ, lòng bao dung, vị tha, khẳng khái, bộc trực… của người miền quê là những điều ai cũng có thể cảm nhận được từ nơi này.

Trần Minh Thương / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phien-cho-noi-ngay-tet-post1181052.html