Phiên chợ hoa Tết Nha Trang

Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đón Tết ở Nha Trang rất ít hoa. Có chăng trước Tết một tuần, trước cổng chợ Đầm có đôi chậu thược dược, mãn đình hồng, cúc, sống đời… với nguồn hoa từ làng hoa Hương Điền đầu đường Đồng Nai, sau này có thêm ít hoa ở tận Bình Kiến (Tuy Hòa) đem vào. Có lẽ những ngày sau khi đất nước giải phóng, đời sống khó khăn nên người dân chưa dám nghĩ đến chơi hoa ngày Tết.

Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đón Tết ở Nha Trang rất ít hoa. Có chăng trước Tết một tuần, trước cổng chợ Đầm có đôi chậu thược dược, mãn đình hồng, cúc, sống đời… với nguồn hoa từ làng hoa Hương Điền đầu đường Đồng Nai, sau này có thêm ít hoa ở tận Bình Kiến (Tuy Hòa) đem vào. Có lẽ những ngày sau khi đất nước giải phóng, đời sống khó khăn nên người dân chưa dám nghĩ đến chơi hoa ngày Tết. Tất nhiên, với hoa mai thì lúc nào cũng có nhưng chỉ chơi cành, đó là những loại mai núi 5 cánh mỏng manh, nhạt màu hay những cành mai vườn ở ngoại ô hay tận Diên Khánh được người ta chặt đem tới bán dọc đường Phan Bội Châu đến cổng chợ Đầm. Dư âm này cho đến hôm nay vẫn còn sót lại nhưng thưa thớt lắm, làm cho người qua kẻ lại thấy chút ngậm ngùi về những cánh mai đơn côi, vì hiện nay ai cũng chơi mai chậu với dáng thế cầu kỳ. Hoa Tết xưa chỉ có vậy, thật giản dị của đời sống bần hàn chung khi đó.

Còn hôm nay, hoa Tết đã bùng nổ với tất cả những gì có thể để thỏa mãn thú chơi hoa của mọi người, mọi gia đình ngày Tết. Hoa tràn ngập từ những con đường trung tâm thành phố: Lê Thánh Tôn, Thái Nguyên, Lê Thành Phương…; bạt ngàn ở không gian sân Nhà Thiếu nhi, Trường Mầm non Hương Sen, Phước Tiến… cho đến mọi nẻo đường xa, góc nhỏ đường quê đâu cũng có hoa. Với sự cần cù, chịu thương chịu khó, không chỉ nông dân mà cả người bình thường cũng coi vụ hoa Tết như một nguồn thu nhập chính nên hoa được trồng canh tác trên tất cả những mảnh đất trống ngoại ô, làng quê cho đến làng hoa chính hiệu như: Ninh Hòa, Cam Lâm, Diên Khánh. Có một thời người ta chỉ thích chạy theo những loại hoa khi nở thật to, thật lớn, chậu hoa hoành tráng như các loại cúc, hồng, quất… thì trong mấy năm trở lại đây, người ta trở lại với những loại hoa giản dị đậm chất quê như: Vạn thọ, tỉ muội, mào gà. Thế đấy! Mọi hương hoa dù bé nhỏ đều có thể góp thành mùa xuân.

Hoa Tết chính là sứ giả đầu tiên của mùa xuân đến với lòng người, ai cũng hiểu vậy, cũng biết thế như tình yêu vẫn bồi hồi khi gặp. Những ngày cuối tháng Chạp, khi có những chậu hoa rụt rè thấp thoáng trên hè phố thì mọi người đều hiểu rằng mình bắt đầu xuân. Phố phường long lanh lên, người rộn vui thầm bay bổng như ước mơ mình khi thấy sắc hoa xuân.

Từ chợ hoa mới có cảnh “mùa xuân nao nức yến oanh” người người đi dạo ngắm hoa. Nếu như xưa chưa có điện thoại hay máy ảnh nhiều thì người đi chơi cố gắng chụp vài tấm ảnh có thể từ đen trắng đến ảnh màu để kỷ niệm về một mùa xuân đã qua của mình. Những bức ảnh đó sẽ lưu cất trong album của mỗi người, ép trong sổ tay cho đến già, để lại cho con cháu như một hồi ức bâng khuâng, xao xuyến về mùa xuân đã qua của mình. Những bức ảnh đó có thể được trưng lên khung kính chung với gia đình, treo trên tường để mọi người ngắm nhìn cùng nhớ, cảm xúc thật trân quý như bông hoa nở đúng ngày xuân. Còn hôm nay, thời đại của thông tin bùng nổ, ai cũng có thể là nghệ sĩ nhiếp ảnh, chợ hoa Tết càng trở nên giá trị của thời gian nhưng cũng là hoa thì chợ hoa tháng Chạp luôn như một niềm vui hy vọng của hương vị Tết, khác hẳn vườn hoa xuân tháng Giêng đầy viên mãn. Vì thế, phiên chợ hoa Tết có một giá trị khó thay thế. Đó là một miền cảm xúc dạt dào không gì thay thế trước phút xuân về.

Dương Trang Hương

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202001/phien-cho-hoa-tet-nha-trang-8145443/