Phiên chợ Bắc Hà vẫn tấp nập dù trời mưa lạnh

Cách trung tâm thành phố Lào Cai hơn 70 km, chợ phiên Bắc Hà được họp từ sáng tới chiều chủ nhật hàng tuần. Tại chợ phiên, các loại hàng hóa được người dân đưa đến để trao đổi và buôn bán khá tấp nập ngay cả trong những ngày cuối tuần mưa lạnh.

Chợ Bắc Hà được biết đến là phiên chợ đặc sắc của những người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người H’Mông. Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân tộc tại các bản thuộc huyện Bắc Hà và các huyện lân cận đã bày bán các loại hàng hóa và mang về cho mình các nhu yếu phẩm cần thiết.

Chợ Bắc Hà được biết đến là phiên chợ đặc sắc của những người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người H’Mông. Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân tộc tại các bản thuộc huyện Bắc Hà và các huyện lân cận đã bày bán các loại hàng hóa và mang về cho mình các nhu yếu phẩm cần thiết.

Dù thời tiết chuyển lạnh và có mưa phùn nhưng chợ phiên vẫn tấp nập cảnh người mua kẻ bán.

Những sản phẩm được bày phong phú và đa dạng từ quần áo, túi xách cho tới các món đồ trang sức.

Không thể thiếu trong mỗi phiên chợ là các loại rượu đặc sản như rượu gạo, rượu ngô, rượu sắn... được nấu bởi chính những người dân trong bản.

Nơi bày bán các loại dụng cụ như dao, lưỡi cày,…là khu vực tập trung nhiều người dân trong mỗi phiên chợ.

Vì có lưỡi sắc nhọn nên các loại dao sau khi mua đều được gói ghém cẩn thận.

Chợ phiên Bắc Hà cũng là nơi bày bán nhiều loại bánh lạ, mang đặc trưng riêng của vùng cao Bắc Hà. Một người bán hàng tại chợ phiên cho biết: Loại bánh có màu trắng là bánh giày, bánh có màu xanh là bánh khúc, cả hai loại bánh này đều được làm bằng bột gạo nếp nên rất dẻo và thơm ngon.

Một món ăn du khách không thể ngó lơ là món xôi ngũ sắc được nấu từ gạo nếp thơm ngon và lá màu.

Thức dậy từ 6h sáng, không quản mưa lạnh và sương mù di chuyển từ huyện Si Ma Cai tới trung tâm thị trấn Bắc Hà để rao bán những cây gậy sinh tiền, ông Sùng A Chò chia sẻ: "Mình làm nghề làm gậy sinh tiền này cũng đã được hơn chục năm, cuối tuần nào mình cũng mang gậy sinh tiền lên chợ phiên Bắc Hà bán và mua nhu yếu phẩm cho cả tuần. Cây gậy sinh tiền là dụng cụ khôn thể thiếu trong những điệu múa của người H'Mông, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ ai cũng phải có 1 cái, tùy vào độ dài của cây gậy sinh tiền mà giá bán cũng khác nhau, mỗi cây gậy sinh tiền có giá từ 30 -50 ngàn đồng."

Nếu như trước đây, khu chợ trâu, chợ gà họp chợ trên dải đất cao nhất giáp với khu vực bán hàng lưu niệm thì nay đã được chuyển về khu vực hồ mới xây. Từ trên cao nhìn xuống, khung cảnh phiên chợ sầm uất và màu sắc khiến cho du khách thêm phần háo hức.

Làm nghề buôn bán trâu đã được hơn 2 năm, vợ chồng anh chị Giàng Thị Xỏ cuối tuần nào cũng vượt hàng chục cây số để đưa trâu đến bán tại khu chợ này. Chị Xỏ cho biết: “Thời tiết chuyển lạnh nhưng để kiếm thêm tiền tiêu Tết nên 2 vợ chồng vẫn dắt trâu đi bộ hàng chục km để đưa trâu tới chợ phiên, nếu gặp khách ưng trâu của mình thì sẽ được lãi từ 500- 700 ngàn đồng/con."

Tại đây, những con vật nuôi cũng được người dân bày bán tạo nên khung cảnh nhộp nhịp, tấp nập như ngày hội.

Vẻ mặt hứng thú của em nhỏ khi được mẹ cho đi chợ phiên cuối tuần.

Chợ phiên Bắc Hà mang đậm nét sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc vùng cao Tây Bắc Việt Nam, lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo. Những phiên chợ cứ diễn ra hàng tuần đã tạo nên một nơi giao lưu văn hóa giữa những người dân vùng cao và du khách thập phương, đưa lại cho chúng ta niềm nhớ nhung về những con người bản địa thân thiện, mến khách.

Lương Hằng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phien-cho-bac-ha-van-tap-nap-du-troi-mua-lanh-85623.html