Phiên chất vấn sôi động

Chiều qua (1/11) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu bế mạc phiên chất vấn kéo dài 3 ngày của kỳ họp thứ 6 Quốc hội thứ XIV. Chốt lại phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề mà ĐBQH nêu lên trong suốt ba ngày chất vấn.

ĐBQH chất vấn tại hội trường. Ảnh: Quang Vinh.

ĐBQH chất vấn tại hội trường. Ảnh: Quang Vinh.

Như đã đưa tin, tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ lần này, Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề giống các kỳ họp trước để tạo điều kiện cho các ĐBQH chất vấn các vấn đề mà mình đã đeo đuổi từ những nhiệm kỳ trước; để xem, các thành viên Chính phủ đã làm được những gì, chưa làm được những gì!. Và đây cũng là dịp tốt để các bộ trưởng, trưởng ngành có thể báo cáo với Quốc hội những gì mình đã làm được; còn các ĐBQH thì có điều kiện để giám sát lời hứa.

Với phương thức hỏi nhanh, đáp gọn và tranh luận đi thẳng vào vấn đề, ba ngày chất vấn trôi đi rất nhanh, hàng chục vấn đề liên quan đến hầu hết các thành viên Chính phủ đã được các ĐBQH không ngần ngại “xới” lại; thậm chí, có cả những vấn đề mới toanh, xuất phát trên nền của những vấn đề cũ đã được các ĐBQH đưa ra chất vấn một cách thẳng thắn. Trao đổi với báo chí, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, không khí chất vấn rất sôi nổi, đi vào những vấn đề cơ bản, đúng trọng tâm được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt trong quá trình chất vấn, các đại biểu và tư lệnh ngành đã làm rõ những vấn đề còn băn khoăn, qua đó nghị trường Quốc hội trở nên sôi nổi, thu hút sự quan tâm của đại biểu, cử tri.

Đó là nhận định của ĐBQH nhưng nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn thì, các bộ trưởng tuy đã rất cố gắng trả lời các vấn đề của ĐBQH nêu ra nhưng dường như nhiều ĐBQH vẫn chưa cảm thấy hài lòng về các phần trả lời ấy. Là bởi, vấn đề quá phức tạp khó lý giải đến ngọn đến ngành trong một thời gian ngắn hay là do vấn đề quá phức tạp mà không phải tư lệnh ngành nào cũng có thể giải quyết được trong một sớm một chiều; thậm chí nó còn nằm ngoài thẩm quyền mà các bộ trưởng, trưởng ngành được giao. Chính vì lẽ đó, nên nhiều bộ trưởng đã nhận được nhiều câu chất vấn đúng trọng tâm nhưng cũng có những câu chất vấn chưa thật đúng trọng tâm. Nhưng dù thế nào, với trách nhiệm quản lý nhà nước, các bộ trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm về ngành, lĩnh vực mình phụ trách; thế nên khi đại biểu chỉ ra rằng, lĩnh vực phụ trách bộ trưởng phải chịu trách nhiệm thì cũng không sai. Nhưng về phía các bộ trưởng, có những bộ trưởng vẫn trả lời một cách lòng vòng nên cũng không làm nhiều ĐBQH hài lòng. Đây thực sự vẫn là điểm trừ của các phiên chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Nhận xét về các phiên thảo luận, ĐBQH Dương Ngọc Hải (TP Hồ Chí Minh) có cách nhìn khác: Kỳ này Quốc hội có cách làm mới là chất vấn và trả lời chất vấn về các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn của Quốc hội. Bộ trưởng, trưởng ngành vì thế phải có tinh thần sẵn sàng đứng lên trả lời, nắm chắc về các vấn đề được ĐBQH, cử tri cả nước quan tâm. Đa số các bộ trưởng đều trả lời rõ ràng, mạch lạc câu hỏi. Với những vấn đề chung, liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội đã chủ động yêu cầu dành cho Thủ tướng Chính phủ trả lời những vấn đề ĐBQH, cử tri quan tâm. Điều hành của Chủ tịch Quốc hội là hợp lý, bên cạnh ĐBQH chất vấn, phát sinh vấn đề nào bộ trưởng trả lời chưa rõ sẽ có đại biểu tranh luận, làm rõ vấn đề.

Thực ra, chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện tại kỳ họp thứ 6 cho thấy, nhiều vấn đề nóng mới nảy sinh cũng được các ĐBQH đưa ra, đòi hỏi bộ trưởng phải nắm vấn đề, tập trung lắng nghe. Ví dụ như câu chuyện Thông tư gây phản cảm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cách né trách nhiệm của tư lệnh ngành này khi đổ lỗi cho cán bộ cấp dưới trách nhiệm kém, năng lực yếu đã gây ra sự bức xúc nơi ĐBQH. Đành rằng, đúng như Chủ tịch Quốc hội nói, không thể lấy một hiện tượng, sự việc để quy trách nhiệm cho cả một ngành; như thế dường như thiếu công bằng với đóng góp của một ngành trong xã hội.

Tính xác thực và sát sườn của đời sống đã đi vào nghị trường, các tư lệnh ngành đã trả lời thẳng vào vấn đề, đáp ứng được mong mỏi của đại biểu và cử tri, đồng thời đưa ra những chính sách, định hướng trong thời gian tới rõ ràng. Tuy nhiên với thời gian ba phút thì một số câu hỏi đại biểu đưa ra các tư lệnh ngành vẫn chưa trả lời cụ thể, chưa rõ ý cho lắm. Ý kiến của ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) cũng có thể xem là một ý kiến đánh giá khá thẳng thắn. Một ĐB khác thì nhìn nhận, những người được chất vấn cũng có nhiều cố gắng, đáp ứng được yêu cầu là trả lời ngắn gọn nhưng phải rõ ý, đầy đủ ý. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp, liên quan đến những vụ án tồn đọng khó giải quyết trước đây cũng do nhiều nguyên nhân và do kết quả xử lý chưa đạt được như mong muốn cho nên trả lời của các thành viên liên quan đến những vấn đề này làm cho cử tri chưa thực sự hài lòng.

Thực hiện phương thức chất vấn và tranh luận được vài kỳ họp, đến kỳ họp này rõ ràng không khí tranh luận đã sôi nổi hơn rất nhiều. Việc tranh luận giữa ĐBQH và bộ trưởng thì đã có nếp; nhưng hiện thời cũng có cả những tranh luận giữa đại biểu với đại biểu. Mỗi đại biểu đứng từ góc độ của mình và bảo vệ quan điểm của mình, nhưng cách tranh luận quy chụp thì cũng đã bắt đầu xuất hiện- đó là một điểm mờ cần được sớm khắc phục để tạo ra một văn hóa nghị trường đúng nghĩa: Thẳng thắn, công tâm, khách quan mà không hạ thấp lẫn nhau. Điều quan trọng là chính các ĐBQH đã nhận ra và cảnh báo.

Chất vấn theo phương thức này ĐBQH có nhiều lựa chọn hơn so với việc chất vấn theo nhóm vấn đề trước đây. Theo phương thức thông thường thì ĐBQH chỉ được đưa chất vấn theo nhóm vấn đề đã xác định, hạn chế đưa vấn đề bên ngoài, dù có thể nhận được sự quan tâm của cử tri, người dân cả nước. Thực hiện chất vấn theo phương pháp này tuy có dàn trải nhưng lại đáp ứng nhu cầu của đại biểu, cử tri; và là một cơ hội để các bộ trưởng, trưởng ngành khẳng định năng lực, bản lĩnh và uy tín của bản thân. Cuối cùng, để có những ngày chất vấn sôi động không khí nghị trường, không thể không nhắc đến sự điều hành linh hoạt và chắc chắn, bản lĩnh của Chủ tịch Quốc hội; lúc thì giúp ĐB truy đến cùng vấn đề mà họ quan tâm; lúc cùng giải thích, lý giải để cân bằng lại cảm xúc của các ĐBQH, giúp họ có những nhìn nhận xác đáng, khách quan hơn về một lĩnh vực nào đó.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/phien-chat-van-soi-dong-tintuc421561