Phiên bản 'vành đai và con đường' của Ấn Độ trong ngoại giao số

Thông qua những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Ấn Độ đang cân nhắc phát triển tiềm năng ngoại giao kỹ thuật số.

Thành công của thẻ căn cước kỹ thuật số Aadhaar tạo động lực cho ngoại giao kỹ thuật số của Ấn Độ. (Nguồn: GovInsider)

Thành công của thẻ căn cước kỹ thuật số Aadhaar tạo động lực cho ngoại giao kỹ thuật số của Ấn Độ. (Nguồn: GovInsider)

Tính đến năm 2021, Ấn Độ đã phát hành hơn 1,3 tỷ căn cước công dân kỹ thuật số thông qua nền tảng Aadhaar và hơn 1,1 tỷ hộ chiếu vaccine kỹ thuật số thông qua nền tảng CoWin.

Gần đây, Giao diện thanh toán thống nhất (UPI) của Ấn Độ đã vượt mốc 1 nghìn tỷ USD về giá trị giao dịch, sau khi lần đầu ghi nhận 5 tỷ giao dịch/tháng vào tháng 3/2022.

Thúc đẩy ngoại giao từ công nghệ

Điều làm cho những con số trên trở nên ấn tượng là tốc độ tuyệt đối mà quy mô này đạt được.

Hành trình số hóa của Ấn Độ đã bắt đầu vào năm 2010 với thẻ Aadhaar để giúp người dân Ấn Độ cải tiến về công nghệ. Thời gian gần đây, đất nước sông Hằng đã nhận ra có thể tận dụng các giải pháp kỹ thuật số "cây nhà lá vườn" không chỉ để tiếp tục chương trình phát triển quốc gia mà còn hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao rộng lớn hơn.

Kết cấu mở của Aadhaar cho phép khả năng mở rộng và tính trung lập của nhà cung cấp đã khiến một số quốc gia tiếp cận Ấn Độ để nhân rộng mô hình hoặc lưu tâm đến công nghệ này, từ đó phát triển hệ thống căn cước kỹ thuật số của riêng mình.

Diễn biến mới nhất trong lĩnh vực này là khoản tài trợ cho Sri Lanka để thực hiện một chương trình căn cước kỹ thuật số theo mô hình Aadhaar.

Tương tự như vậy, Tổng công ty Thanh toán quốc gia của Ấn Độ (NPCI), nhà phát triển UPI, đang cung cấp hỗ trợ công nghệ cho nhiều quốc gia thông qua các thỏa thuận cấp phép và tư vấn nhằm thiết lập hệ thống thanh toán điện tử theo thời gian thực.

Điều này giúp các nước thiết lập hệ thống của riêng mình và cũng tích hợp UPI với cơ sở hạ tầng thanh toán quốc tế.

Nền tảng của tiến bộ công nghệ

Những hợp tác gần đây cho thấy cam kết của Ấn Độ trong việc tăng cường nỗ lực trong hệ sinh thái nhằm xây dựng và củng cố nền ngoại giao kỹ thuật số của nước này.

Có hai yếu tố chính giúp Ấn Độ trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này.

Thứ nhất, lĩnh vực công nghệ thông tin của Ấn Độ, với giá trị ước tính hơn 150 tỷ USD và sử dụng lao động gần 4,5 triệu người, luôn là động lực chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, nhóm nhân tài của Ấn Độ trong hệ sinh thái công nghệ thông tin-truyền thông cũng đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc phát triển và duy trì cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Ấn Độ.

Thứ hai, ý chí chính trị mạnh mẽ và hoạch định chính sách có tính toán của Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra định hướng cấp cao để thúc đẩy các nỗ lực của hệ sinh thái.

Điển hình như quyết định của Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin khuyến khích việc sử dụng công nghệ mở, thông qua các chính sách về sử dụng phần mềm nguồn mở, API mở, tiêu chuẩn mở... đã giúp tạo ra cơ sở hạ tầng và hàng hóa công kỹ thuật số.

Ấn Độ tận dụng các giải pháp kỹ thuật số "cây nhà lá vườn" nhằm hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao rộng lớn hơn. (Nguồn: Mint)

Tầm nhìn về 'vành đai và con đường’ điện tử

Chính phủ Ấn Độ đã nhận ra tầm quan trọng khi làm việc với nhiều bên liên quan khác nhau trong quá trình đưa ra quyết định ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như vậy.

Điều này rất cần thiết vì đây là một phần của hệ sinh thái kỹ thuật cao, do đó đòi hỏi sự quản lý chuyên biệt vượt ra ngoài chuyên môn chính quyền truyền thống.

Ngoài ra, việc chính phủ công nhận tầm quan trọng của chính sách ngoại giao dựa trên hàng hóa công kỹ thuật số cũng nêu bật vai trò của các công cụ này trong một trật tự thế giới mới đang nổi lên.

Trong bối cảnh rủi ro toàn cầu ngày càng gia tăng, việc tạo ra cơ sở hạ tầng như vậy ở những khu vực trọng yếu đối với hoạt động của nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng khả năng phục hồi của Ấn Độ và mở rộng lợi thế chiến lược của nước này.

Hơn nữa, việc xây dựng các giải pháp kỹ thuật số bản địa có thể tạo ra các hệ thống tương thích giữa các khu vực pháp lý, có khả năng giảm chi phí giao dịch để thu được thiện chí toàn cầu cho Ấn Độ.

Khi làn sóng địa chính trị mới đang nổi lên một cách căng thẳng trên thế giới, nhu cầu bồi đắp khả năng phục hồi thúc đẩy các hình thức hợp tác mới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh mới này, những tiến bộ của Ấn Độ trong việc thiết lập mạng lưới "vành đai và con đường" kỹ thuật số của riêng mình là rất đáng chú ý.

(theo Mint)

Trang Nhung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phien-ban-vanh-dai-va-con-duong-cua-an-do-trong-ngoai-giao-so-181996.html