Phía trước là tiểu thuyết

Tiểu thuyết được xem là thể loại 'máy cái' của văn học; nền văn học lớn thường được định lượng bằng những gương mặt tiểu thuyết gia xuất sắc gắn với tác phẩm sống mãi với thời gian.

Văn học Việt Nam không thiếu các nhà văn xuất sắc, độc đáo nhưng tinh hoa phát tiết ở thể loại thơ và phần nào đó là các hình thức văn xuôi cỡ nhỏ như tản văn, truyện ngắn; còn tiểu thuyết lại là của hiếm. Vậy đâu là nguyên nhân thực sự của việc tiểu thuyết không phải là thế mạnh của văn học nước nhà? Cây bút tầm cỡ, tiểu thuyết lớn sẽ xuất hiện lúc nào?

Trả lời câu hỏi thứ nhất thiết nghĩ phải quay trở lại lịch sử văn học chữ viết Việt Nam đã có ngàn năm lịch sử. Về cơ bản, văn học Việt Nam là nền văn học hình thành và phát triển theo quy luật phát triển của văn học vùng Đông Á suốt hàng trăm năm, chỉ thực sự hiện đại hóa từ cuối thế kỷ XIX và có thành tựu vững chắc những năm 30 của thế kỷ trước-nghĩa là quá trình hiện đại hóa trên dưới trăm năm. Văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm chuộng thơ, tản văn xem đó là các thể loại thanh nhã, văn chương đích thực để thể hiện chí khí, tài năng của người viết. Về cơ bản, các trí thức thời phong kiến thích lập công và lập đức hơn là lập ngôn. Công việc văn chương đối với các nhà Nho chỉ là thú vui thanh nhàn, hoạt động mang tính chất giải trí chứ không phải là một sự nghiệp bởi quan niệm “lập thân tối hạ thị văn chương”.

Một số trí thức thời phong kiến thỉnh thoảng vẫn viết tác phẩm văn xuôi có dung lượng lớn như: “Hoàng Lê nhất thống chí” (Ngô gia văn phái), “Nam triều công nghiệp diễn chí” (Nguyễn Khoa Chiêm), “Thượng kinh ký sự” (Lê Hữu Trác)... Mục đích của các cây bút cách đây hàng trăm năm lại không phải làm văn chương mà là làm sử, ghi chép làm tư liệu về những sự kiện trọng đại đương thời. Những tác phẩm kể trên ngày nay chúng ta gọi là tiểu thuyết chương hồi, nhưng về cơ bản không được các trí thức thời phong kiến xem là văn học, đúng hơn là truyện lịch sử được dân gian lưu truyền, sau đó một số nhà văn hệ thống lại rất gần gũi với tác phẩm như “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, “Thủy hử” của Thi Nại Am (Trung Quốc)… Khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, khi các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực khiến xã hội rối ren, các nhà Nho hoang mang không biết “trị quốc bình thiên hạ” ra sao, không ít người lui về ở ẩn viết văn. Cũng nhấn mạnh rằng, chính thời điểm này khi xã hội loạn ly, cương thường rạn nứt, các cây bút không cần giữ kẽ viết theo các đề tài cổ điển nữa mà bung ra viết về đề tài phong tình, hoa tình vốn được xem là không nghiêm túc. Một loạt truyện thơ như: “Hoa tiên” (Nguyễn Huy Tự), “Phạm Công-Cúc Hoa” (Dương Minh Đức Thị)… ra đời. Các truyện thơ này lấy bối cảnh chuyện đời tư thế sự nên có giá trị hiện thực cao nhưng cách kể vẫn theo chương hồi, cốt truyện vẫn hết sức sơ lược và được kể theo tuyến tính trật tự thời gian. Đỉnh cao nghệ thuật truyện thơ Nôm có một số điểm gần gũi với tiểu thuyết hiện đại là kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Trong công trình "Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều" (1985) của GS Phan Ngọc đã chứng minh “Truyện Kiều” có những đoạn phân tích tâm lý nhân vật tinh tế, có đảo lộn trật tự thời gian…

Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tiểu thuyết chữ Quốc ngữ ra đời mô phỏng tiểu thuyết phương Tây. Sau quãng mấy chục năm vừa viết vừa tìm tòi, đến thập niên 1930 với tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn và các nhà văn hiện thực như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… mới đầy đủ tính chất của thể loại hiện đại. Quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX dẫu được xem là “thần tốc” nhưng vẫn chậm hơn trình độ phát triển của tiểu thuyết châu Âu-cái nôi của tiểu thuyết, chừng 200 năm. Nếu tính từ tiểu thuyết khơi mào “Mười ngày” (1353) của văn hào Italy Giovanni Boccaccio (1313-1375), tiểu thuyết châu Âu đã có gần 700 năm lịch sử.

Sở dĩ chúng tôi phải điểm lại lịch sử khá dài dòng như vậy để minh chứng cho luận điểm quan trọng là văn học Việt Nam không có truyền thống viết tiểu thuyết, không quen với tư duy viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết là sản phẩm “ngoại nhập” mà chúng ta vẫn đang ở quá trình học tập, mô phỏng rồi mới hy vọng tiến tới có thành tựu.

Hạn chế lớn khác khiến tiểu thuyết là một thách thức đối với nhà văn Việt Nam là yêu cầu tự thân của thể loại này. Để viết tiểu thuyết, nhà văn không những là bậc thầy ngôn ngữ, về tư duy logic mà còn phải là một học giả hình thành từ quá trình tự đào tạo; một triết gia biết cụ thể hóa nhân sinh quan, thế giới quan ẩn đằng sau một câu chuyện. Và tất nhiên, nhà văn còn phải là một nghệ sĩ biết rung cảm trước cái đẹp. Quá nhiều đòi hỏi mà chắc chắn không mấy ai đáp ứng nổi! Có những hạn chế thực sự khó vượt qua, chẳng hạn nhiều nhà nghiên cứu văn hóa chỉ ra người Việt Nam vốn duy tình, duy cảm, dễ rung động trong khoảng khắc để xuất khẩu thành thơ. Thế nên người Việt Nam nào chẳng làm thơ và Việt Nam luôn được xem là một cường quốc thơ, có hẳn một Ngày thơ để cả nước cùng đọc thơ. Tiểu thuyết không phải là câu chuyện của khoảng khắc, không phải kể chuyện là xong; viết được tiểu thuyết cần có kỹ thuật, nhẫn nại, có tư duy rộng bao quát, khả năng trừu tượng hóa... Đặc trưng của tiểu thuyết khiến tuýp người duy tình, duy cảm khó làm thành công mà cần phải tăng cường thêm chất duy lý, uyên thâm.

Khó khăn là vậy nhưng không nên bi quan cho văn học Việt Nam sẽ không có tiểu thuyết gia tầm cỡ. Tiểu thuyết cần bám vào đời sống, ở nước ta, yếu tố hiện đại và truyền thống có sự đan xen, tạo ra những điểm mới lạ làm chất liệu phù hợp cho tiểu thuyết. Văn hóa xã hội hội nhập sâu rộng với thế giới tạo cho con người Việt Nam lối tư duy của công dân toàn cầu, bên cạnh việc vẫn giữ truyền thống dân tộc sẽ khiến tiểu thuyết có nét chung và riêng. Nhưng điều quan trọng nhất tất nhiên vẫn là tài năng của tiểu thuyết gia. Cần có tình yêu văn chương, có năng khiếu về ngôn ngữ, khả năng tự học, suy tư lớn lao… Không có quy luật cho tài năng ra đời lúc nào, có thể 50 năm mà cũng có thể là 5 năm tới. Chỉ biết với một nền văn học còn trẻ, còn nhiều tiềm năng và phía trước vẫn là những tiểu thuyết tầm vóc để lấp đầy khoảng trống bỏ ngỏ của thể loại có sức nặng nhất của văn chương.

VIỆT PHONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/phia-truoc-la-tieu-thuyet-552879