Phía sau vụ máy bay 4 nước 'quần nhau' trên không phận đảo hoang

Đằng sau việc máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga 'vô ý' đi quá sang không phận quần đảo tranh chấp Nhật - Hàn Dokdo-Takeshima, CNN đã đưa ra nhiều bình luận đáng chú ý.

Máy bay cảnh báo sớm A-50. Ảnh: Yonhap

Máy bay cảnh báo sớm A-50. Ảnh: Yonhap

Song phương tập trận, tứ phương mâu thuẫn

Quần đảo tâm điểm của mâu thuẫn nói trên là một trong những "nút thắt" chưa thể mở trong quan hệ Nhật - Hàn kể từ Thế chiến II. Là vùng lãnh thổ bị tranh chấp, nó được Hàn Quốc gọi là Dokdo và Nhật Bản gọi là Takeshima.

Trước sự xuất hiện của máy bay Nga trên bầu trời Dokdo-Takeshima, Seoul cho biết, máy bay chiến đấu Hàn Quốc đã bắn hàng trăm phát súng cảnh cáo sau khi giới chức nước này thông báo máy bay Nga đã hai lần vượt quá giới hạn 12 hải lý trên không phận quần đảo.

Đồng thuận với Hàn Quốc, Nhật Bản cũng lên án hành động xâm phạm của máy bay Nga và lập tức huy động máy bay chiến đấu của mình để chặn đứng đối phương. Tuy nhiên, sự thống nhất trong quan điểm ở đây cũng không thể làm dịu đi căng thẳng giữa hai quốc gia Đông Á, khi Nhật Bản bày tỏ sự bất bình trước hành động nổ súng của Hàn Quốc, với lý do "điều này là không được phép trên lãnh thổ của Nhật."

Máy bay Nga đang tham gia một cuộc diễn tập chung cùng hai máy bay ném bom tầm xa của Trung Quốc. Cuộc diễn tập được Bắc Kinh khẳng định là "tuân thủ luật pháp quốc tế".

Là vùng đất trơ trọi, không người sinh sống, song quần đảo Dokdo-Takeshima vẫn là điểm nổi cộm trong quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Nhật đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này từ thế kỷ 17, khi các tàu cá đến đây săn sư tử biển và thu hoạch bào ngư. Năm 1905, Nhật Bản chính thức khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo tranh chấp (coi nó là một phần của tỉnh Shimane).

Nhật Bản cũng nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ với những điều khoản trong Hiệp ước San Francisco 1952, khi Mỹ đưa quần đảo tranh chấp này ra khỏi danh sách những hòn đảo bị chiếm đóng mà Nhật Bản phải trả lại Hàn Quốc sau Thế chiến 2.

Trong khi đó, Hàn Quốc lại sử dụng chiêu "gậy ông đập lưng ông" đối với Nhật Bản, khi viện dẫn thông tin trên một bản đồ của chính Hải quân Nhật Bản từ thế kỷ 19, trong đó nêu rõ chủ quyền của Hàn Quốc đối với quần đảo. Một năm sau ngày Nhật Bản tuyên bố chủ quyền chính thức, năm 1906, Hàn Quốc cũng chính thức tuyên bố đảo Dokdo thuộc lãnh thổ của mình, là một phần của tỉnh Gyeongsangnam-do.

Máy bay Nga: vô tình hay hữu ý?

Bốn máy bay của Nga và Trung Quốc đã tuần tra trên vùng biển Nhật Bản, gần nhóm đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo và Nhật Bản gọi là Takeshima. Ảnh: RT

Mặc cho Nga khăng khăng lên tiếng rằng việc "bay nhầm" là một sơ suất vô tình, thì dư luận thế giới vẫn tỏ ra hoài nghi về hành động này.

Theo phân tích của CNN, động cơ của Nga trong việc đưa máy bay vào không phận Dokdo-Takeshima là để khơi mào thêm bất hòa trong quan hệ Nhật - Hàn, hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Đông Á. Điều này sẽ khiến Nhật, Hàn đối đầu nhau, và do đó, khó có thể toàn tâm toàn ý sát cánh hỗ trợ Mỹ trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới.

Trong khi đó, mâu thuẫn Nhật - Hàn còn có khả năng khiến Mỹ "lao tâm khổ tứ" khi phải đóng vai "người hòa giải" đứng giữa hai đồng minh. Đây rất có thể là phương án Nga đã tính toán để làm yếu đi sự ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu, nhất là ở những khu vực có lợi ích của Nga, Timothy Heath, một chuyên gia gạo cội làm việc cho công ty tư vấn Rand có trụ sở tại Washington cho biết.

Bên cạnh đó, động thái gây tranh cãi vừa qua của máy bay Nga còn có nhiều khả năng đem lại lợi ích cho Trung Quốc khi khiến Nhật-Hàn phải dồn sức đối đầu nhau, thay vì tập trung song hành bên Mỹ trong việc tạo ra thế trận chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á, Thái Bình Dương và nhiều khu vực khác.

Một số nhà phân tích thậm chí còn đưa ra giả thiết khác về động cơ của Nga khi đưa máy bay A-50 xâm nhập không phận Hàn Quốc/Nhật Bản.

“A-50 sẽ thu thập tín hiệu điện tử từ các liên lạc qua radio, radar trên máy bay đánh chặn, radar theo dõi bay từ mặt đất, mạng kiểm soát và khống chế không lưu và từ đó phác thảo một bản đồ tổng hợp của hệ thống phòng không quốc gia Hàn Quốc, đánh giá khả năng phản ứng của phía Hàn Quốc”, ông Peter Layton, cựu phi công Không quân Hoàng gia Australia hiện là chuyên gia nghiên cứu tại viện Griffith nói.

Bên cạnh đó, theo một số học giả, sự xuất hiện của máy bay Nga còn là bức thông điệp mà Nga và Trung Quốc muốn truyền đi đến Washington.

“Điều đáng chú ý là độ liên kết Nga-Trung đang ở mức cao chưa từng thấy”, ông Carl Schuster, giáo sư Đại học Thái Bình Dương Hawaii, cựu giám đốc Trung tâm tình báo chung thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, nói.

Điều này khá giống với nhận định của Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats từ đầu năm 2019 rằng “Trung Quốc và Nga đang thể hiện mối liên kết chặt chẽ nhất kể từ những năm 1950 và mối quan hệ này sẽ còn tiếp tục được siết chặt trong những năm tới”.

Lan Ngọc

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/phia-sau-vu-may-bay-4-nuoc-quan-nhau-tren-khong-phan-dao-hoang-83524.html