Phía sau vụ án mua bán thận xuyên quốc gia

Cuối tháng 1-2019, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đã triệt phá thành công một đường dây buôn bán nội tạng người xuyên quốc gia. Tuy nhiên, những kẻ phạm tội lại nhận được sự cảm thông từ chính các trinh sát tham gia phá án. Bởi hơn ai hết, các anh hiểu được những đối tượng cầm đầu đường dây này đều xuất phát từ vai trò nạn nhân, tự nguyện, và nghèo tới mức phải chấp nhận đánh đổi một phần cơ thể để lấy tiền.

Các đối tượng trong đường dây mua bán thận

Các đối tượng trong đường dây mua bán thận

Đường dây bán thận xuyên quốc gia

Đến nay Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 5 đối tượng, gồm: Tôn Nữ Thị Huyền (44 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh - đối tượng cầm đầu), Hoàng Đức Tùng (28 tuổi, quê quán Hà Nội), Phạm Quang Cảnh (23 tuổi, quê quán Hà Nội), Huỳnh Linh Tâm (27 tuổi, quê quán Quảng Ngãi) và Nguyễn Minh Tâm (20 tuổi, quê quán Vĩnh Phúc) để điều tra về hành vi mua bán bộ phận cơ thể người. Cơ quan công an xác định, đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia nói trên hoạt động từ tháng 5-2017 đến nay.

Tới khi bị triệt phá, đường dây này đã tổ chức mua bán thận cho khoảng hơn 100 nạn nhân, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng. Theo các điều tra viên, những đối tượng trong đường dây đa số từng là nạn nhân của những vụ mua bán thận trước đó. Chính vì thế nên họ nắm rõ mọi quy trình bán thận trái phép tại nước ngoài. Trong đó, đối tượng cầm đầu là Tôn Nữ Thị Huyền đã từng bán thận, sau đó trở thành người môi giới và cầm đầu đường dây này.

Để tìm nguồn thận, Tôn Nữ Thị Huyền cùng với các đồng phạm lên mạng xã hội Facebook rao tìm và dụ dỗ các nạn nhân người Việt Nam tham gia bán thận. Sau khi tìm được người bán, các đối tượng trong đường dây tổ chức tuyển chọn, nuôi ăn ở, đưa họ đi khám tổng quát tại các bệnh viện, phòng khám trong cả nước. Sau mỗi ca bán thận trót lọt, Tôn Nữ Thị Huyền trả cho người bán thận số tiền từ 200 đến 210 triệu đồng. Trong khi đó, Huyền thu của người mua thận số tiền khoảng 400 triệu đồng. Sau quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, ngày 25-1, khi các đối tượng trong đường dây mua bán thận đang đưa những nạn nhân vừa đi bán thận từ nước ngoài trở về Việt Nam thì bị các trinh sát bắt giữ.

Đối tượng cầm đầu là Tôn Nữ Thị Huyền

Nỗi buồn phía sau vụ án

Chia sẻ với phóng viên khi vụ án đã khép lại được hơn một tháng, Thiếu tá Nguyễn Văn Tuyền - Phòng Chuyên án nhân thân (Cục CSHS, Bộ Công an) cho rằng, có lẽ trong cuộc đời “làm án” của mình, anh sẽ chẳng bao giờ quên vụ án này cùng những kẻ phạm tội đều... không lành lặn như vậy. “Hiếm có vụ án nào mà tội phạm lại xuất thân hoàn toàn từ vai trò nạn nhân như thế. Trong khi đó, các nạn nhân khác thì biết rõ sự tình, nhưng cũng tình nguyện đi theo để bán chính quả thận của họ. Tất cả đối tượng trong đường dây đều từng bán thận nên sức khỏe rất yếu” - Thiếu tá Nguyễn Văn Tuyền bày tỏ.

Khi gặp nhóm đối tượng và các nạn nhân, trinh sát dễ dàng nhận thấy họ đều có điểm chung là nét mặt luôn bộc lộ sự mệt mỏi, thiếu sức sống, sau khi tất cả đã dứt ra một phần cơ thể để đổi lấy khoản tiền vài trăm triệu đồng. Những người này - hoặc rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu vì cờ bạc, hoặc do hoàn cảnh quá khó khăn, khiến họ không thể xoay xở tiền bạc từ bất kỳ nguồn nào khác - nên điểm đến cuối cùng vẫn là những chiếc bàn phẫu thuật bất đắc dĩ...

Khi gặp nhóm đối tượng và các nạn nhân, trinh sát dễ dàng nhận thấy họ đều có điểm chung là nét mặt luôn bộc lộ sự mệt mỏi, thiếu sức sống, sau khi tất cả đã dứt ra một phần cơ thể để đổi lấy khoản tiền vài trăm triệu đồng. Những người này - hoặc rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu vì cờ bạc, hoặc do hoàn cảnh quá khó khăn, khiến họ không thể xoay xở tiền bạc từ bất kỳ nguồn nào khác - nên điểm đến cuối cùng vẫn là những chiếc bàn phẫu thuật bất đắc dĩ...

Thiếu tá Nguyễn Văn Tuyền nhớ lại, khi ngồi đối diện với 2 đối tượng trong đường dây là Tùng và Cảnh, anh được nghe họ tâm sự về động cơ “làm liều”. “Khó khăn quá, nên chúng em phải làm dù nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Thực ra, chúng em cũng đã tự lên tinh thần trước rằng, sớm muộn gì thì cũng bị xử lý”, một đối tượng đã giãi bày như thế.

Có lẽ cũng vì nhận thức pháp luật rõ như vậy, nên chuyên án này thực sự là một “chuyên án không tiếng súng” khi tất cả đối tượng đều chấp hành mệnh lệnh của cơ quan công an một cách nhanh chóng, không có bất kỳ sự phản kháng nào. Nhưng điều khó quên chưa dừng lại ở đó. Các nạn nhân sau khi bán thận về đều có sức khỏe rất yếu. Và tất cả họ đều có mong muốn riêng tư, đó là không bị tiết lộ sự thật này để người thân, gia đình lo lắng, hay thậm chí là mắng nhiếc, xỉ vả họ.

Do hoàn cảnh, nhiều người đã đánh đổi một phần cơ thể để lấy tiền

Thời điểm cơ quan công an phá vụ án trên ngay sát dịp Tết Nguyên đán 2019, do vậy Cục CSHS đã phải đưa những nạn nhân này vào kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Bộ Công an. Rồi chính các chiến sỹ lại tự trích tiền túi để giúp họ về quê đón Tết với cam kết sẽ giữ kín sự việc để họ không phải “xấu hổ” với gia đình. “Do quy mô và tính chất của vụ án, nên Cục CSHS đã huy động gần 20 điều tra viên tham gia. Chúng tôi gần như không ngủ, đeo bám liên tục nhiều ngày cho tới khi phá án thành công. Với lịch trình sinh hoạt không theo quy luật như vậy, nhiều lúc, việc tìm được một quán ăn dọc đường cũng rất khó khăn” - Thiếu tá Nguyễn Văn Tuyền bày tỏ.

Mỗi vụ án khép lại, đều có những câu chuyện chưa kể đằng sau, ẩn chứa không ít thông tin thú vị. Nhưng ở vụ án nói trên, chuyện chưa kể đó lại giống như một bản nhạc buồn. Đó cũng là lời cảnh báo cho những người đang cố kiếm tiền bằng mọi giá, đặc biệt là kiếm tiền bằng cách bán đi sức khỏe, tuổi thọ của chính mình.

Nguyễn Trung Hiếu

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/phia-sau-vu-an-mua-ban-than-xuyen-quoc-gia/805069.antd