Phía sau việc Trung Quốc tuyên bố muốn tránh cuộc chiến thương mại với Mỹ

Trong bài phát biểu tại phiên họp cuối cùng của Quốc hội Trung Quốc vào ngày thứ Ba 20.3 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố nước này muốn tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc vừa lên tiếng cam kết sẽ gia tăng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế của nước này - động thái được đánh giá là một sự nhượng bộ của Bắc Kinh đối với Mỹ trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gần kề hơn bao giờ hết.

Trong bài phát biểu tại phiên họp cuối cùng của Quốc hội Trung Quốc vào ngày thứ Ba 20.3 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố nước này muốn tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ. Theo đó, Bắc Kinh sẽ có kế hoạch nới rộng các lĩnh vực đầu tư kinh doanh mới cho doanh nghiệp nước ngoài, và cam kết sẽ không ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ như đã từng diễn ra từ trước đến nay. Tuyên bố này của Thủ tướng Lý Khắc Cường được xem là câu trả lời mang tính nhượng bộ cho lời đe dọa sẽ áp đặt các mức áp thuế mới lên hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc có quy mô lên tới 60 tỉ USD của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước đó, theo điều tra của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, thì Trung Quốc đã vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ trong suốt nhiều năm qua, khi đã ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ như một điều kiện để hoạt động tại thị trường rộng lớn của nước này. Kết quả điều tra của Robert Lighthizer dẫn đến việc Tổng thống Donald Trump được cho là đã lên kế hoạch áp thuế với hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, chủ yếu là các sản phẩm công nghệ, có quy mô ước tính trên 60 tỉ USD.

Ông John Frisbie, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, khi bình luận về tuyên bố trên của Thủ tướng Lý Khắc Cường, đã cho biết: “Chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ muốn nhìn thấy Trung Quốc hành động trên thực tế chứ không phải cứ nói mãi về nó như trước đây. Và có vẻ như lần này họ đã thành công”.

Theo nguồn tin từ hai quan chức Nhà Trắng, thì Chính phủ Mỹ đang cân nhắc một mức áp thuế lên hàng loạt các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm điện tử, hàng tiêu dùng, quần áo và giày dép. Các hạn chế hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng nằm trong danh sách nói trên.

Đây được xem là một bước đi khá thành công của Tổng thống Donald Trump trong việc thu hẹp mức thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc. Theo số liệu từ phía Mỹ, con số này lên tới 375 tỉ USD trong năm ngoái. Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường lại có xu hướng bào chữa về tình trạng này khi tuyên bố: “Thâm hụt thương mại lớn của Mỹ không phải là điều Trung Quốc mong muốn. Cũng giống như Mỹ, chúng tôi muốn thấy một quan hệ thương mại cân bằng hơn giữa hai bên, bởi vì nếu không thì mối quan hệ đó sẽ không bền vững''.

Có vẻ như ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc sẽ đáp ứng các đòi hỏi từ phía Tổng thống Donald Trump, khi kế hoạch kinh tế mới của nước này sẽ mở rộng quyền tiếp cận thị trường khổng lồ của mình cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài hơn so với trước đây. Một số lĩnh vực trước đây cấm doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh sẽ được mở ra, và một số lĩnh vực khác vốn hạn chế quyền sở hữu nước ngoài cũng sẽ được nới rộng hơn.

Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố: “Quyền sở hữu trí tuệ sẽ được bảo vệ một cách hoàn toàn. Trung Quốc hy vọng rằng điều này sẽ góp phần làm cân bằng quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Và không nên vì một số mâu thuẫn nhỏ làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế giữa hai bên''. Những tuyên bố khá cởi mở nói trên là một phần trong một bài phát biểu dài với nội dung là một cuộc cải cách tài chính lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc sẽ được bắt đầu. Ngoài ra, tại phiên họp, ông Dịch Cương cũng được chính thức bổ nhiệm làm tân Thống đốc của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thay thế cho ông Chu Tiểu Xuyên, và cố vấn kinh tế chính của Chủ tịch Tập Cận Bình là Lưu Hạc cũng được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng.

Những sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc đang nhận được sự ủng hộ của các công ty lớn ở Mỹ. Một loạt các công ty lớn ở Mỹ như Walmart hay Amazon đã cùng đưa ra lời cảnh báo với Tổng thống Donald Trump, rằng một nỗ lực thương mại chống Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với các tác động tiêu cực cho kinh tế Mỹ. Bao gồm tăng giá tiêu dùng, tăng chi phí với các doanh nghiệp và làm sụt giảm giá các loại cổ phiếu.

Một lá thư do liên minh của hơn 40 doanh nghiệp thuộc Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin Mỹ đã được gửi tới Tổng thống Donald Trump vào ngày Chủ Nhật 18.3, trong đó nhấn mạnh việc một mức thuế quan cao với Trung Quốc sẽ kích hoạt các phản ứng dây chuyền dẫn tới hàng loạt tác động tiêu cực với kinh tế Mỹ. Trong số hơn 40 doanh nghiệp gửi lá thư này bao gồm các nhà bán lẻ, nhà sản xuất trong nhiều lĩnh vực, và có cả các công ty lớn như Amazon, Google, Facebook và Microsoft.

Sự nhượng bộ của Trung Quốc và Thủ tướng Lý Khắc Cường đối với Mỹ được đánh giá là một bước đi khá tích cực thay vì các động thái trả đũa. Như một số nhà phân tích đã chỉ ra, Trung Quốc hoàn toàn có thể đáp trả bằng cách tăng mức thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu của Mỹ vào thị trường nước này, như đậu nành (có kim ngạch lên tới 14 tỉ USD trong năm ngoái). Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể trả đũa thông qua việc đang nắm giữ khoảng 1.200 tỉ USD trái phiếu Mỹ.

Nhưng thực tế là điều đó đã không diễn ra. Ông Lý Khắc Cường cho biết: “Không có ai là người chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại, và điều đó đang đi ngược lại với quy tắc chủ chốt nhất trong vấn đề này, đó là mọi thứ cần phải dựa trên đàm phán. Khi mà kinh tế Trung Quốc đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì việc bảo hộ và trả đũa chỉ đem lại những tác động tiêu cực cho chúng tôi''.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/phia-sau-viec-trung-quoc-tuyen-bo-muon-tranh-cuoc-chien-thuong-mai-voi-my-84258.html