Phía sau việc Trung Quốc điều hạm đội tàu chiến tới gần Maldives

Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ tờ Sina của Trung Quốc cho hay, 11 tàu chiến của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển Đông Ấn Độ Dương hồi tháng 2 này trong bối cảnh khủng hoảng đang tiếp diễn ở chuỗi đảo Maldives vốn đang ban bố tình trạng khẩn cấp.

Theo đó, một hạm đội bao gồm ít nhất một tàu khu trục và một tàu vận tải đổ bộ 30.000 tấn và 3 tàu tiếp nhiên liệu đã đi vào vùng biển Ấn Độ Dương gần Maldives. Tuy nhiên, trang Sina không nêu rõ lý do khiến Bắc Kinh triển khai hạm đội này cũng như sự liên quan của diễn biến này đối với khủng hoảng đang tiếp diễn tại Maldives.

Tàu khu trục Ngân Xuyên của Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Tờ báo chỉ bình luận: “Nếu nhìn vào số lượng tàu chiến và những thiết bị, khí tài quân sự khác sẽ thấy khoảng cách giữa hải quân Trung Quốc và Ấn Độ là không lớn”.

Hạm đội này được triển khai khi nào và trong bao lâu cũng không được nêu cụ thể. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã từ chối bình luận về vấn đề này. Tuy nhiên, trên tài khoản mạng xã hội Weibo, quân đội Trung Quốc lại đăng tải những hình ảnh và thông tin phản ánh hoạt động của tàu chiến nước này đang tiến hành “luyện tập cứu hộ” ở khu vực.

Theo nhận định của tờ Independent, bình luận trên của tờ Sina cùng với những diễn biến thực tế cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ đang nỗ lực hết sức nhằm tranh giành sự ảnh hưởng đối với chuỗi đảo nhiệt đới Maldives, nơi có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng đối với cả hai quốc gia, đặc biệt là với Bắc Kinh cùng sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”.

Hiện tại, Bắc Kinh đang nỗ lực đẩy mạnh những hoạt động nhằm tạo điều kiện phát triển đối với sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” – chương trình ngoại giao kinh tế lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc. Theo phía Trung Quốc, những dự án kinh tế, hạ tầng sẽ được dựng lên dọc theo Con đường Tơ lụa cổ xưa đi xuyên Á – Âu và tuyến đường biển qua Đông Nam Á.

Trong khi đó, Ấn Độ luôn giận dữ với sáng kiến này bởi nó bao gồm đề xuất Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan đi qua thành phố cảng Gwadar của Gwadar (Pakistan) tới Tân Cương (Trung Quốc). Hành lang này sẽ đi qua vùng Kashmir – phần lãnh thổ do Pakistan kiểm soát, nơi Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền.

Bởi vậy, phía New Delhi cho rằng “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc là sáng kiến gây lo ngại cho Ấn Độ về vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Ấn Độ cùng 3 quốc gia Mỹ, Australia và Nhật Bản được cho là đang nỗ lực hợp tác nhằm thành lập một dự án thay thế cho sáng kiến của Trung Quốc nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở trong khu vực.

Từ đó, tờ Independent nhận xét rằng Trung Quốc đưa hạm đội tàu chiến tới khu vực đầy bất ổn gần Maldives vào thời điểm này hoàn toàn không phải là chuyện tình cờ. Nó như một động thái nhằm phô diễn sức mạnh hàng hải của Trung Quốc, cũng như một lời cảnh báo tới Ấn Độ về sự hiện diện của họ tại khu vực.

Cuộc khủng hoảng tại Maldives bị nghi ngờ có liên quan tới Bắc Kinh và New Delhi là có cơ sở khi đương kim Tổng thống Maldives Abdulla Yameen là người ủng hộ chiến lược "Một Vành đai - Một Con đường" của Trung Quốc.

Tổng thống Maldives Abdulla Yameen.

Ấn Độ cũng là một đối tác lâu năm của chuỗi đảo có tầm chiến lược quan trọng này. New Delhi do đó muốn làm suy giảm ảnh hưởng của Trung Quốc với Maldives, đặc biệt sau khi cựu Tổng thống Maldives Abdul Gayoom chỉ trích mạnh mẽ đương kim Tổng thống đã dành quá nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư Trung Quốc tới mức ông còn nhận định rằng “Trung Quốc đang mua lại toàn bộ Maldives”.

Khi Maldives rơi vào khủng hoảng cũng là lúc hai “ông lớn” Ấn Độ và Trung Quốc lập tức nhảy vào nhằm tìm kiếm cơ hội tác động.

Trước đó, vào ngày 5/2, Tổng thống Maldives Abdulla Yameen đã thiết lập tình trạng khẩn cấp đối với quốc gia này nhằm hủy bỏ phán quyết của Tòa án Tối cao bác bỏ bản kết tội 9 lãnh đạo đối lập và ra lệnh cho Chính phủ trả tự do cho những nhân vật chính trị đang bị giam, trong đó có cựu Tổng thống Mohamed Nasheed và cựu Phó Tổng thống Ahmed Adeeb.

Sau đó, Tổng thống Yameen đã ra lệnh bắt giữ Chánh án Tòa án Tối cao Abdulla Saeed, thẩm phán Ali Hameed và cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền.

Trong khi Chính quyền Tổng thống Abdulla Yameen có xu hướng ủng hộ Trung Quốc thì nhiều nhà lãnh đạo đối lập Maldives lại tìm đến Ấn Độ, thúc giục New Delhi can thiệp vào cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã lên tiếng bày tỏ hy vọng Maldives đảm bảo tiến trình chính trị được khôi phục và có hiệu quả ngay lập tức.

Tóm lại, Maldives là một vùng đất mang tính chiến lược đối với cả Trung Quốc và Ấn Độ, là nơi để hai bên tranh giành ảnh hưởng. Việc Bắc Kinh điều cả một hạm đội tàu chiến tới gần chuỗi đảo này cho thấy những diễn biến tại khu vực đang đi theo một chiều hướng mới, nơi thế trận xoay quanh sự đối đầu giữa New Delhi và Bắc Kinh. Thời gian tới, theo các chuyên gia an ninh, vùng biển Ấn Độ Dương sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều yếu tố bất ngờ, khó lường và tiềm ẩn những mâu thuẫn giữa các cường quốc mà không chỉ dừng lại ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/phia-sau-viec-trung-quoc-dieu-ham-doi-tau-chien-toi-gan-maldives--a359893.html