Phía sau sự lao dốc của đô la Mỹ trên thị trường tự do

Trong khi thị trường chính thức tương đối ổn định, thì sự lao dốc của đô la Mỹ (USD) trên thị trường tự do gây ra nhiều bất ngờ. Phía sau diễn biến này là gì?

USD thị trường tự do lao dốc

Trong sáng nay, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết giảm 5 đồng so với sáng qua, tuy nhiên so với cuối tháng 8 vẫn đang tăng nhẹ 20 đồng và so với đầu năm tăng 273 đồng, tương đương 1,22%. Tương tự giá bán ra USD của Sở giao dịch NHNN sáng nay cũng được điều chỉnh giảm 5 đồng, so với đầu tháng đang tăng 21 đồng, trong khi giá mua vào tiếp tục duy trì ở mốc 22.700 đồng.

Diễn biến đáng chú ý hơn là giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại giảm đáng kể. So với sáng qua này, giá mua vào và bán ra USD tại Vietcombank đã giảm đều 15 đồng xuống tương ứng 23.245 đồng và 23.325 đồng. Đây cũng là mức giảm so với giá giao dịch vào thời điểm cuối tháng 8, càng cho thấy diễn biến trên thị trường chính thức là khá ổn định.

Ngược lại, giao dịch trên thị trường tự do biến động rất mạnh. Sau khi liên tiếp giảm mạnh trong những ngày qua, hôm nay giá mua vào và bán ra USD trên thị trường tự do tiếp tục giảm thêm 35 đồng và 25 đồng, xuống còn 23.415 và 23.450. So với thời điểm cuối tháng 8, giá giao dịch trên thị trường tự do đã giảm mạnh từ 65 – 70 đồng.

Sự lao dốc liên tục của USD trên thị trường tự do cho thấy nhu cầu đầu cơ tỷ giá trên thị trường phi chính thức đã suy yếu, góp phần giúp thị trường hạ nhiệt rất nhiều so với 2 tháng trước đó và cũng giúp thu hẹp chênh lệch giữa thị trường chính thức và phi chính thức.

Cụ thể nếu như giai đoạn tháng 7 và tháng 8 chênh lệch giá mua bán giữa thị trường tự do cao hơn giá tại các ngân hàng từ 250 – 300 đồng, thì hiện nay chỉ còn trên dưới 150 đồng. Điều này cũng đồng thời giảm áp lực lên thị trường chính thức, cũng như chính sách quản lý của nhà điều hành

Đâu là nguyên nhân?

Sự suy yếu trên thị trường tự do phản ánh tâm lý và kỳ vọng của giới đầu cơ đã giảm xuống đáng kể. Điều này xuất phát từ các diễn biến gần đây trên thị trường quốc tế lẫn trong nước.

Đầu tiên, chỉ số USD Index sau khi rớt mạnh kể từ giữa tháng 8 thì sau đó đã duy trì ổn định quanh mốc 95 từ đầu tháng 9 đến nay. Dù khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào cuộc họp ngày 26/9 tới là rất lớn, nhưng dường như dự báo này đã phản ánh vào giá thị trường nên không hỗ trợ nhiều cho đà đi lên của đồng USD trên thị trường quốc tế trong những ngày qua.

Thậm chí 2 phiên gần đây, đồng USD còn suy yếu có lúc rớt về dưới mốc 95, đặc biệt là sau khi Canada phát tín hiệu sẵn sàng nhượng bộ với Mỹ để tiếp tục cuộc đàm phán về Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA). Những căng thẳng thương mại thời gian qua đã thúc đẩy giới đầu tư nhảy vào đồng bạc xanh như một tài sản an toàn, tuy nhiên khi căng thẳng hạ nhiệt thì đồng USD có khuynh hướng giảm xuống.

Ở thị trường trong nước, những dữ liệu kinh tế công bố lạc quan cũng góp phần hỗ trợ cho thị trường ngoại hối. Nguồn cung ngoại tệ tiếp tục được cải thiện, khi đầu tư trực tiếp nước ngoài 8 tháng qua tiếp tục thu hút số vốn đăng ký mới và bổ sung là gần 19,1 tỷ USD. Đáng lưu ý là vốn giải ngân cũng đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Ở dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng ghi nhận tổng giá trị góp vốn là 5,28 tỷ USD, tăng mạnh 50,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Ở cán cân thương mại, 8 tháng qua vẫn đang duy trì xuất siêu 2,8 tỷ USD, dù chịu không ít tác động và ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc nền kinh tế vẫn duy trì xuất siêu là yếu tố ảnh hưởng tích cực lên thị trường ngoại hối do đây là một trong những nguồn cung ngoại tệ đáng kể cho thị trường.

Ngoài ra, việc khối ngoại quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán cũng giúp niềm tin ở thị trường ngoại hối ổn định trở lại. Trong phiên hôm qua, khối ngoại đã mua ròng hơn 483 tỷ trên sàn HOSE, đánh dấu ngày thứ 3 mua ròng liên tiếp trở lại. Như vậy chỉ trong vòng 3 phiên tính đến ngày 11/9, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 766 tỷ đồng trến àn HOSE.

Cần biết rằng chuỗi bán ròng miệt mài những tháng qua của khối ngoại trên thị trường chứng khoán đã là một trong những yếu tố gây áp lực lên thị trường ngoại hối, khi các nhà đầu tư lo ngại dòng vốn có thể tháo chạy khỏi thị trường và gây áp lực lên tỷ giá, điều đã diễn ra tại một số nền kinh tế mới nổi và kéo các nước này vào cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay.

Bên cạnh đó là những báo cáo đánh giá và dự báo tích cực về Việt Nam, khiến giới đầu tư càng tăng niềm tin vào nền kinh tế hiện nay, theo đó có thể giúp Việt Nam hạn chế những cú sốc về thương mại và tiền tệ đang diễn ra trên thế giới.

MẪN NHI

Trong một báo cáo chiến lược đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây của ngân hàng UBS Thuy Sĩ, khi đề cập đến vấn đề tỷ giá, tổ chức này cho rằng đồng nội tệ suy yếu có thể là dấu hiệu cũng như nguyên nhân gây ra rắc rối kinh tế. Việt Nam đồng mất giá thường xảy ra sau khi nhân dân tệ Trung Quốc chạm đáy mới. Tuy nhiên, UBS tin nhân dân tệ nhìn chung sẽ ổn định tới cuối năm 2018, giảm xuống 6,9 nhân dân tệ đổi 1 USD. Và điều này được hiểu sẽ giúp VNĐ có thể duy trì sự ổn định tương tự.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/phia-sau-su-lao-doc-cua-do-la-my-tren-thi-truong-tu-do-12343.html