Phía sau những vụ phá rừng phòng hộ ở Quảng Nam: Có bóng dáng cán bộ

Hàng trăm héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn sông Tranh, thuộc huyện Tiên Phước (Quảng Nam) vừa được phát hiện bị phá trắng cho thấy dấu hiệu buông lỏng quản lý của chính quyền và 'bóng dáng' cán bộ đứng sau.

Hiện trạng rừng bị phá.

Mục đích phá rừng để lấy đất trồng cây. Hàng chục vụ phá rừng đã bị khởi tố, nhưng không có bị can.

Phá rừng kiểu "đánh du kích"

Ông Trần Ngọc Sơn, một trong số 16 hộ dân được giao rừng quản lý dạng khoanh nuôi, tái sinh ở tiểu khu 556, 557 thuộc xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã chủ động kêu cứu đến báo giới vì những cánh rừng do dân canh giữ đang bị tấn công.

Hiện trạng là ngổn ngang cây gỗ rừng tự nhiên đã bị hạ sát, đốt cháy để lấy đất trồng cây keo. Gỗ tốt hoặc những cây rừng có bán kính lớn, bị lâm tặc đoạn thành khúc nhỏ, để tẩu tán.

Ông Dư Văn Tỵ được giao hơn 10 héc ta rừng phòng hộ để giữ từ năm 2013 đến nay. Với diện tích hơn 400 héc ta, 16 người chia ca trực không đủ sức để bảo vệ. Chính vì vậy, chỉ đến khi rừng bị phát trắng, đốt đen cả chục héc ta thì họ mới cấp báo kiểm lâm.

Chúng tôi chạm chân đến bìa những khu rừng nguyên sinh vừa bị triệt hạ, đốt cháy. Đây là khoảnh rừng chừng 4 héc ta ở phía sâu rừng Hố Cau, thượng nguồn Thủy điện sông Tranh 3. Từng mảng đồi bị phát trắng, từng vạt núi đổi màu từ xanh thẫm của rừng nguyên sinh thành màu đất hoặc thay bằng rừng keo trồng mới.

Rừng đầu nguồn sông Tranh đã bị phá trắng .

Bóng dáng cán bộ phía sau những vụ phá rừng

Muốn làm ăn lớn, dân địa phương cũng không có tiền để thuê phát hàng chục, thậm chí cả trăm héc ta rừng như thế này. Ông Trần Ngọc Sơn nói thẳng: Chỉ có cán bộ xã, huyện, thậm chí trên tỉnh mới đủ lực, đủ tiền để thuê phát rừng quy mô lớn như thế này. Hoặc họ xúi giục dân phát rừng rồi họ mua gom.

Ông Hường Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, thừa nhận là rừng phòng hộ ở địa phương này đã bị phát hàng trăm héc ta. Tuy nhiên, tổng diện tích bị xâm hại đó diễn ra từ năm 2013 đến nay. Riêng vụ phá rừng mới nhất xấp xỉ 100 héc ta thôi.

Từ năm 2013 - khi xảy ra phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh đến nay, địa phương đã khởi tố 25 vụ án phá rừng. Trong đó, năm 2014 là 5 vụ, 2015 có 8 vụ, 2016 là 11 vụ và từ đầu năm 2017 đến nay khởi tố 4 vụ. Đáng nói, tất cả các vụ án phá rừng chỉ khởi tố được vụ án mà không tìm ra được bị can, thủ phạm.

Ông Hường Văn Minh, Chủ tịch huyện Tiên Phước, cũng thừa nhận thông tin cho rằng có cán bộ đứng sau những vụ phá rừng này là có cơ sở. Tuy nhiên, vụ việc đang được điều tra, có những lời khai ban đầu.

Ông Minh hy vọng với sự quyết liệt điều tra lần này sẽ chỉ mặt được những người đứng sau những vụ phá rừng này.

Thanh Hải

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/phia-sau-nhung-vu-pha-rung-phong-ho-o-quang-nam-co-bong-dang-can-bo-565416.ldo