Phía sau những tấm ảnh Bác…

Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo biên soạn, xuất bản cuốn sách ảnh 'Những hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Ninh'. Vinh dự và trách nhiệm này được giao cho Trung tâm Truyền thông tỉnh. Quá trình sưu tầm, biên soạn cuốn sách ảnh, có rất nhiều câu chuyện xúc động cần chia sẻ…

Những bức ảnh chưa từng được công bố

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã sớm bắt tay vào triển khai, giao nhiệm vụ cho từng người cụ thể, trong đó, tôi được giao một trong những việc then chốt đó là sưu tầm ảnh. Một cuốn sách ảnh về Bác với Quảng Ninh, tưởng là dễ nhưng bắt tay vào triển khai mới thấy cũng không hề đơn giản bởi nguồn khai thác, sưu tầm, rồi nhất là xác minh tính thời gian, bối cảnh, nội dung bức ảnh…

Những điểm được dự đoán có lưu trữ ảnh Bác lần lượt được chúng tôi gõ cửa. Đầu tiên là Trung tâm lưu trữ tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam. May mắn, chúng tôi đã được các đồng nghiệp nhiệt tình tạo điều kiện. Tất cả những gì liên quan đến Bác Hồ với Quảng Ninh đã được rà kỹ. Chúng tôi đã tìm thấy ở đây những bức ảnh quý như Bác hội kiến Georges Thierry d’Argenlieu trên tuần dương hạm Emile Bertin ở Vịnh Hạ Long ngày 24/03/1946 để bàn về thi hành Hiệp định Sơ bộ 6/3. Nhất là những bức ảnh Bác cùng G.Titov ngồi xuồng trên đường vào đảo mà sau đó Bác đặt tên là đảo Titov. Đây là những bức ảnh chưa xuất hiện trên ấn phẩm nào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học Trường Tiểu học - Trung học Hoa Văn (Móng Cái), ngày 19/2/1960. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học Trường Tiểu học - Trung học Hoa Văn (Móng Cái), ngày 19/2/1960. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng đã may mắn nhận được sự phối hợp, giúp đỡ của lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng. Kết quả là chúng tôi đã tìm thấy được 47 bức ảnh về Bác Hồ với Quảng Ninh. Trong căn phòng kho nhỏ của Bảo tàng Hồ Chí Minh buổi chiều ấy, tôi xúc động như muốn reo trong lòng khi phần nhiều trong số ảnh về Bác cũng là những bức ảnh quý chưa được công bố trên sách báo hay ấn phẩm nào. Đó là những bức ảnh chụp Bác rất bình dị như ảnh Bác ngồi thuyền đánh cá cùng ngư dân Tuần Châu, Bác ăn trưa cùng mọi người ngay bên mép nước đảo Tuần Châu, ảnh Bác dừng chân xem Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh bới thử khoai lang người dân Cô Tô trồng trên đảo, ảnh Bác thăm lớp học ở Trường Tiểu học - Trung học Hoa Văn (Móng Cái)…

Ngoài ảnh, chúng tôi cũng đã tìm thấy tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhiều bút tích của Bác Hồ trên báo Vùng mỏ, báo Quảng Ninh hoặc các báo khác có các bài viết về Quảng Ninh. Những dấu mực đỏ khoanh tròn hay gạch chân ở những đoạn cần chú ý cho thấy Bác rất quan tâm đến mọi mặt đời sống ở Vùng mỏ, nhất là tình hình sản xuất than và đời sống công nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và G. Titov trên xuồng ghé vào hòn đảo trên Vịnh Hạ Long mà sau đó được Bác đặt tên là đảo Titov, ngày 22/01/1962. Nguồn: TTXVN

Biết được mục đích, yêu cầu của chúng tôi, Bảo tàng Hải quân Việt Nam (trụ sở tại Hải Phòng) cũng đã nhiệt tình hỗ trợ. Bên cạnh một số bức ảnh quý về chuyến thăm của Bác với cán bộ, chiến sĩ hải quân tại quân cảng Vạn Hoa năm 1962, chúng tôi đã chụp được tại đây những hiện vật quý như chiếc mũ hải quân Việt Nam Bác đã đội khi cùng G.Titov ngồi trên cabin tàu Hải Lâm thăm Vịnh Hạ Long ngày 22/01/1962; bộ bàn ghế, chiếc quạt tai voi, đôi dép cói Bác đã sử dụng trên tàu khi thăm Vịnh Hạ Long; chiếc đài thu thanh Bác tặng cán bộ, chiến sĩ đảo Hòn Rồng năm 1959. Đặc biệt là cuốn nhật ký hành trình của tàu Hải Lâm, trong đó ghi chép ngày giờ không chỉ về các chuyến tham quan, công tác của Bác trên Vịnh Hạ Long mà còn của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên thủ một số nước, các đảng cộng sản có quan hệ với Việt Nam.

Bên cạnh ba cơ quan chủ đạo trên, chúng tôi cũng đã tìm thấy những bức ảnh quý về Bác tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, góp phần làm dày dặn hơn các tư liệu về Bác Hồ với Quảng Ninh.

Và khó khăn…

Sưu tầm được ảnh Bác Hồ với Quảng Ninh tưởng đã là xong nhưng hóa ra chưa phải bởi khi so sánh, đối chiếu thông tin với các nguồn để làm rõ hoàn cảnh, sự kiện, thời gian ra đời của bức ảnh chúng tôi mới thấy nhiều bức ảnh mỗi nơi chú thích một khác. Có ảnh thì lệch về thời gian, ảnh lệch địa điểm, ảnh lệch nhân vật đi cùng Bác… Ví dụ như sự kiện ngày 19 và 20/02/1960, Bác Hồ về thăm tỉnh Hải Ninh, Người đã đi thăm một số nơi, trong đó có đến thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Soáy Nguồn. Ấy vậy nhưng có đến 3 đáp án: Sáy Nguồn, Soáy Nguồn, Sáng Nguồn. Rồi ảnh sự kiện Bác thăm mỏ Đèo Nai, có nguồn ghi ngày 30/03/1959, có nguồn ghi ngày 31/03/1959; ảnh các chuyến thăm Tuần Châu của Bác cũng nhiều đáp án thời gian năm 1957, 1959, 1963.

“Căng” nhất là bức ảnh Bác Hồ bắt tay đồn trưởng Đồn công an Đông Hưng khi Người đi qua cầu Bắc Luân sang thăm thị xã Đông Hưng, Quảng Tây (Trung Quốc) ngày 19/02/1960, nhiều tài liệu xuất bản chính thống thì nói đây là chuyến Bác thăm Tiên Yên. Ngay cả khi Trung tâm Truyền thông tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội thảo về cuốn sách thì cũng còn nhiều ý kiến về bức ảnh này. Cuối cùng, sau nhiều phân tích, Ban soạn thảo quyết định lấy đáp án theo chú thích của Bảo tàng Hồ Chí Minh là Bác bắt tay đồn trưởng Đồn công an thị xã Đông Hưng.

Còn mãi lòng kính yêu

Trong suốt quá trình sưu tầm, biên soạn cuốn sách, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ, ủng hộ của các cá nhân trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Cảnh Loan (TP Hạ Long) đã nhiệt tình cung cấp một số bức ảnh về Bác mà ông sưu tầm, gìn giữ bấy lâu, có bức chỉ ông có như tấm ảnh màu Bác vẽ hoa văn lên bát sứ Móng Cái, ảnh Bác đi thăm Xưởng cơ khí Hải Ninh, ảnh Bác chụp với một số đồng chí lãnh đạo khu Hồng Quảng năm 1957. Ông Nguyễn Bình, cựu chiến binh, nguyên chỉ huy tàu Hải Lâm đã hai lần phục vụ đưa Bác thăm Vịnh Hạ Long từ Đà Nẵng đã gửi ra bức ảnh hiếm Bác chụp cùng bà Đặng Dĩnh Siêu trên tàu hải quân trong chuyến thăm Vịnh Hạ Long ngày 15/03/1963. Đây là bức ảnh ngay cả các cơ quan lưu trữ trên chúng tôi cũng không tìm thấy được. Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt - Nga, Tổng Biên tập Tạp chí Bạch Dương, đã nhiệt tình hướng dẫn những địa chỉ cần tìm ảnh Bác với Quảng Ninh. Đặc biệt, ông còn chia sẻ cho Trung tâm một đoạn trích phim tư liệu về chuyến thăm Vịnh Hạ Long của Bác và Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô G.Titov tới Vịnh Hạ Long ngày 22/01/1962.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng gốm Dụ Phong (Móng Cái), ngày 20/2/1960. Người đã vẽ hoa văn lên một bát sứ. Nguồn: Nguyễn Cảnh Loan sưu tầm

Các ông, bà: Vi Xuân Đắc, nguyên Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Hoàng Bách, nguyên Chủ tịch UBND TX Cẩm Phả; Bùi Thị Nghĩa (TP Hạ Long) đã xúc động kể lại những câu chuyện được gặp, bảo vệ Bác khi Người về thăm Quảng Ninh. Tại buổi hội thảo về cuốn sách, khi nói về tình cảm của Bác với ngành Than, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Đạt (Cẩm Phả) đã xúc động không cầm được nước mắt khiến hội trường lặng đi...

Sau khi dự thảo đề cương cuốn sách được trình, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, đã ghi nhận, biểu dương những cố gắng của Trung tâm Truyền thông tỉnh, trong một thời gian ngắn đã sưu tầm được nhiều bức ảnh quý, hoàn thành cuốn sách để kịp xuất bản vào dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với những người tham gia sưu tầm, biên soạn cuốn sách ảnh, chúng tôi vô cùng xúc động khi được đóng góp phần nhỏ bé của mình vào một công trình ý nghĩa. Và không chỉ có chúng tôi, trong cuốn sách ấy còn chứa đựng rất lớn những tình cảm vô bờ của người dân Quảng Ninh với Bác kính yêu!.

Trần Minh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201909/phia-sau-nhung-tam-anh-bac-2452951/