Phía sau những chuyên án

Tạm ngừng nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thượng tá Nguyễn Thế Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Bắc Giang dành cho tôi ít thời gian để chia sẻ về những chuyện nghề của cảnh sát hình sự. 19 năm gắn bó với nghề, mỗi vụ án, chuyên án khép lại nhưng vẫn còn không dứt những câu chuyện 'nhân tình, thế thái' khiến anh và đồng đội phải trăn trở, nghĩ suy.

Thượng tá Nguyễn Thế Tuấn trầm ngâm, im lặng trong giây lát rồi bắt đầu kể cho tôi nghe về câu chuyện một vụ án giết người xảy ra năm 2009 do anh trực tiếp điều tra. Sau khi thực hiện hành vi giết người, đối tượng Phạm Văn Hiếu (Hà Nam) đã bị gia đình “quay lưng” lại bởi bố Hiếu cho rằng, Hiếu đã làm ô nhục danh dự của gia đình, dòng họ và coi như không có đứa con này ở trên cõi đời.

Thượng tá Nguyễn Thế Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (ngồi giữa) chỉ đạo nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ.

Thượng tá Nguyễn Thế Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (ngồi giữa) chỉ đạo nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ.

Chính vì thế, trong suốt một thời gian dài, đối tượng Hiếu bị giam ở Trại tạm giam Công an tỉnh để phục vụ công tác điều tra, Hiếu hoàn toàn không nhận được một sự quan tâm nào từ phía gia đình, người thân của mình. Trong một buổi hỏi cung Hiếu, Thượng tá Tuấn đã nhận được một đề nghị của Hiếu. Đối tượng này nhờ nhắn với bố mẹ mình gửi tiếp tế đồ ăn. Bởi Hiếu cho biết, ở trong buồng giam, Hiếu cảm thấy xấu hổ khi được mọi người mời ăn nhiều lần những đồ ăn do bố mẹ họ gửi vào mà mình chẳng có gì mời lại.

Lúc này, anh Tuấn biết chắc chắn rằng, bố mẹ Hiếu sẽ không bao giờ đến thăm, tiếp tế đồ ăn cho Hiếu và anh càng không thể cho Hiếu biết chuyện này. Thượng tá Tuấn chia sẻ: Đã đành, Hiếu phạm tội tày trời nhưng sâu thẳm bên trong con người Hiếu vẫn còn có những “khoảng sáng” mà nếu biết khơi gợi, định hướng thì chắc chắn rằng, vẫn có ích. Cho nên, anh đã phải nói dối là bố mẹ Hiếu đang ốm, không thể lên thăm, gửi tiếp tế đồ ăn được. Anh đã hỏi Hiếu cần bao nhiêu tiền thì anh cho vay. Và sau đó, anh đã ký gửi cho Hiếu 500 nghìn đồng.

Chính hành động của Thượng tá Tuấn đã tạo sự gần gũi để Hiếu tin tưởng, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, “tâm phục, khẩu phục” trước những chứng cứ, lý lẽ và tấm lòng của điều tra viên. Thượng tá Tuấn kể: “Từ đó, mỗi khi tôi lên hỏi cung, bao giờ Hiếu cũng cười rất tươi. Chỉ duy nhất một lần, tình cờ tôi lên Trại tạm giam làm, gặp Hiếu ở tòa phúc thẩm về, nụ cười ấy chỉ loáng lên rồi vụt tắt. Hóa ra, tại phiên tòa này, Hiếu vẫn bị tòa tuyên phạt tử hình. Ngày đưa Hiếu về nhà xác sau khi tử hình, tôi đến thắp hương cho Hiếu. Sau mỗi vụ án, chuyên án như thế, tôi thường trăn trở suy nghĩ, giá như mỗi một con người nhận thức sâu sắc hơn về hành vi, những hậu quả của những việc làm sai trái do mình gây ra thì đâu đến nông nỗi đó”.

Tôi hỏi: “Tại sao, làm việc ở lĩnh vực thường xuyên phải tiếp xúc với các tội phạm hình sự mà anh không cần phải “lên gân, lên cốt” và vẫn có thể đam mê đến như vậy”? Thượng tá Tuấn cho rằng: “Mỗi vụ án, chuyên án khép lại nhưng lại gợi ra biết bao điều trăn trở. Và có lẽ, chính điều này cũng là một trong những yếu tố khiến tôi yêu nghề cảnh sát hình sự. Tôi muốn đem những câu chuyện ấy để kể cho mọi người nghe, để mọi người cùng tránh, vơi bớt những nỗi đau”.

Cảnh sát hình sự là vậy đấy. Đứng trước một vụ án, một tình huống, người lãnh đạo cần có một sự quyết đoán đúng đắn, nhanh nhạy. Bởi nếu như chần chừ thì sẽ mất đi cơ hội đánh án”.

Thượng tá Nguyễn Thế Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh

Thành công trong mỗi vụ án, chuyên án không phải chỉ dừng lại ở những bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố, xét xử mà còn là sự cảm hóa mỗi con người phạm tội của những người làm nghề cảnh sát hình sự. Dù ở vị trí nào, trinh sát hay điều tra viên; dù là cán bộ hay người lãnh đạo, chỉ huy thì đều phải biết lấy tấm lòng, sự cảm hóa của mình để thu phục nhân tâm của đối tượng phạm tội; để biết khơi gợi phần lương thiện trong họ; để mở ra cho họ con đường tương lai ở phía trước… Tạo được sự tin tưởng, một chỗ dựa về mặt tinh thần đối với các đối tượng phạm tội thì cũng đồng nghĩa những người cảnh sát hình sự đã thành công.

Khi đối tượng phạm tội tin tưởng điều tra viên thì sẽ khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Thượng tá Nguyễn Thế Tuấn kể cho tôi nghe về câu chuyện thứ hai là một vụ án giết người xảy ra tại huyện Việt Yên. Bị hại là một nữ sinh viên. Ban chuyên án đã xác định đối tượng Trần Hữu Hiển là nghi phạm của vụ án. Tiếp xúc với đối tượng gần 10 ngày mà anh và ban chuyên án vẫn chưa thu được kết quả. Không còn cách nào khác, anh đã tìm hiểu, điều tra kỹ lưỡng về đối tượng và biết Hiển có em gái ruột được Hiển vô cùng yêu thương, hiện cũng đang là sinh viên một trường đại học. Trong quá trình khai thác đối tượng, anh đã tác động tâm lý Hiển bằng chính hình ảnh của cô em gái ấy. Cuối cùng, Hiển đã bật khóc và khai nhận toàn bộ hành vi giết người của mình.

Câu chuyện giữa tôi và Thượng tá Nguyễn Thế Tuấn trong buổi chiều bị ngắt quãng liên tục bởi những đề xuất xin ý kiến đột xuất liên quan đến công việc của các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị anh. Và rồi sau đó, cán bộ trực ban hình sự báo cáo có một vụ án xảy ra, đề xuất với anh về chủ trương, biện pháp xử lý. Tôi nhận thấy ở anh sự quyết đoán của người lãnh đạo trong công việc. Anh bảo: Cảnh sát hình sự là vậy đấy! Đứng trước một vụ án, một tình huống, người lãnh đạo cần có sự quyết đoán đúng đắn, nhanh nhạy. Bởi nếu như chần chừ thì sẽ mất đi cơ hội đánh án.

Tạm chia tay Thượng tá Nguyễn Thế Tuấn với bao câu chuyện nghề đầy cảm động. Trong buổi chiều muộn, Thượng tá Tuấn cùng đồng đội của mình lại tất tả lên đường với bao công việc bề bộn ở hiện trường vụ án đang chờ.

Bài, ảnh: Minh Thúy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/355688/phia-sau-nhung-chuyen-an.html