Phía sau một khoảng trống

Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Cấn Văn Nghĩa vừa từ chức, là một sự việc không gây bất ngờ với giới quan sát. Có chăng là nó gây ngạc nhiên khi diễn ra chỉ sau 6 tháng tính từ đại hội nhiệm kỳ 8, với những lý do không rõ ràng.

Nếu nói ông Nghĩa từ chức do các rắc rối liên quan đến hoạt động thanh tra ở Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, nơi ông từng làm giám đốc, thì cách đây 6 tháng, đã có nhiều thông tin cảnh báo trước nhưng ông Nghĩa vẫn được bầu. Lẽ ra, đối với một vị trí rất quan trọng như thế, chỉ cần một thông tin bất lợi nhỏ nhất, cũng nên cân nhắc để tránh chuyện khuyết vị trí sau một thời gian rất ngắn.

Nếu nói ông Nghĩa phải từ chức vì áp lực liên quan đến hoạt động tài chính - tài trợ của VFF, lại càng khó hiểu. Vị trí phó chủ tịch tài chính có nhiều ứng cử viên nặng ký, bao gồm cả người của nhiệm kỳ cũ và các doanh nhân ngoài xã hội. Đó cũng là vị trí bị “soi” nhiều nhất, gây tranh cãi nhất suốt 6 tháng trước khi bầu cử. Bất kỳ ai ngồi vào vị trí đó cũng biết rất rõ những gì đang chờ đợi mình, nên không thể cho rằng vì hoàn cảnh thế này, thế nọ mà rút lui. Đó là một kiểu thoái thác, trốn tránh trách nhiệm chứ không phải là “rút lui vì tự trọng”.

Thế nên, khoảng trống phía sau sự rút lui của ông Cấn Văn Nghĩa là hàng loạt câu hỏi lớn về trách nhiệm của các lá phiếu bầu đến từ những người được cộng đồng bóng đá gửi gắm. Đưa một người ngồi không đúng chỗ tức là tước bỏ quyền đóng góp của một hoặc nhiều người khác. Nếu cho rằng, một phó chủ tịch tài chính có thể đem đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho bóng đá Việt Nam, thì bầu cho ông Cấn Văn Nghĩa cũng đồng nghĩa việc đã ném chừng đó tiền qua cửa sổ. 6 tháng ông Nghĩa không làm được gì, mất thêm 6 tháng nữa trước khi tìm ra người thay thế, tức là một năm không có người làm tài chính cho VFF. Nhưng quan trọng hơn cả, sau sự việc của ông Nghĩa, chưa chắc VFF đã tìm ra được người thay thế tốt hơn nếu như cũng chỉ là những con người đó quyết định bầu cho ai.

Đây là vấn đề không chỉ đối với VFF, mà hầu như đang là xu thế mang màu sắc bi quan ở nhiều liên đoàn thể thao khác nhau. Nó bộc lộ một lỗ hổng vô cùng nghiêm trọng về quy chế, mục tiêu và thậm chí là bản chất tồn tại của các tổ chức xã hội nghề nghiệp thể thao. Ví dụ: Ông Cấn Văn Nghĩa được chọn thay vì một doanh nhân, là phản ảnh số lượng áp đảo của “người nhà nước”, và yếu tố “nghề nghiệp” so với yếu tố “xã hội” ở VFF. Như vậy, nếu có phải bầu cử lần nữa, chưa chắc sẽ có sự thay đổi.

Một ví dụ khác, người cạnh tranh với ông Nghĩa trong cuộc bầu cử hồi tháng 12-2018 là ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Công ty Thể thao Động Lực. Ở thời điểm đó, ông Thành đang kiêm nhiệm vai Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, trong khi ông Nghĩa đang là Phó Chủ tịch của Hiệp hội Thể thao dưới nước. Không thấy ai tuyên bố sẽ dừng công việc ở vị trí cũ để toàn tâm, toàn ý cho vị trí mới cả, thế nhưng đại hội VFF vẫn tổ chức bầu cho họ, điều đó cho thấy sự thiếu trách nhiệm, hay thậm chí là cẩu thả, hời hợt của những người tham gia bầu. Từ đây, chúng ta sẽ thấy chất lượng của thể thao Việt Nam đang sa sút nghiêm trọng, có dấu hiệu đi thụt lùi, quay về với giai đoạn bao cấp trước đây.

Các liên đoàn bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông… của Việt Nam hiện nay đang rơi vào tình trạng không tìm ra được các tân chủ tịch có địa vị, uy tín về mặt xã hội. Hoặc là những người cũ được “nài nỉ” mời ngồi thêm thời gian, hoặc là một quan chức thể thao được “gửi gắm” sang khiến cho vai trò của các liên đoàn gần giống như “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý nhà nước. Hậu quả rất dễ thấy, số đội bóng chuyên nghiệp ít đi, số giải đấu có tính chuyên nghiệp ít đi và hoạt động phong trào, xã hội hóa thể thao cũng không sôi nổi như trước.

Như vậy, khoảng trống ở một vị trí quản lý không nghiêm trọng bằng khoảng trống về tầm nhìn và trách nhiệm của những người đang tham gia điều hành thể thao. Nếu một liên đoàn có các thành viên nhiệt tình, làm việc có trách nhiệm thì không cần phải đầy đủ bộ sậu lãnh đạo mới hoạt động tốt. Một liên đoàn hoạt động tốt thì sẽ không vội vàng tìm người ngồi cho đủ ghế, mà sẽ thuyết phục được người có năng lực thực sự tham gia đóng góp. Câu chuyện nhân sự VFF hay một số liên đoàn thể thao hiện nay không nằm ở những chiếc ghế mà là cơ chế và động cơ của chính các tổ chức đó có phù hợp và đủ khả năng thực thi tiến trình xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa hay không?

YẾN PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phia-sau-mot-khoang-trong-601883.html