Phía sau làn sóng chống 'tình dục hóa' các nữ vận động viên

Ngày càng nhiều nữ vận động viên công khai tẩy chay những bộ trang phục thi đấu mà họ coi là phản cảm, không phù hợp ngay tại những giải thi đấu quốc tế.

Trang phục thi đấu thể thao của phụ nữ từ lâu bị gắn chặt một thứ truyền thống vừa phân biệt giới tính, vừa lạc hậu.

Những người đề ra quy tắc về trang phục dường như tìm cách dung hòa giữa những nét riêng của người phụ nữ với đặc tính của thể thao. Nhưng quá trình kết hợp ấy cuối cùng biến các nữ vận động viên trở thành đối tượng để công chúng trầm trồ về ngoại hình, thay vì đề cao kỹ năng thể thao của họ.

Vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều nữ vận động viên công khai tẩy chay những bộ trang phục theo phong cách lỗi thời như vậy. Với các nữ vận động viên, họ muốn tài năng và sự chuyên nghiệp của mình được thừa nhận, thay vì chỉ là vẻ đẹp thẩm mỹ bên ngoài, Rachael Jefferson-Buchanan, giảng viên về các phong trào xã hội thuộc Đại học Charles Sturt (Australia), viết trên The Conversation.

Từ váy dài quét đất đến bikini

Trong khi hiện nay, trang phục thi đấu của các nữ vận động viên gây tranh cãi bởi đôi khi phô bày quá nhiều các bộ phận cơ thể, thì điều trái ngược từng xảy ra trong quá khứ.

Vào thế kỷ 19, khi phụ nữ tầng lớp trung lưu được tham gia các bộ môn thể thao, ví dụ như quần vợt, trang phục thi đấu của họ khá giản dị và phù hợp với khái niệm "nữ tính".

Lúc này, các bộ trang phục được thiết kế chủ yếu để thu hút những người đàn ông có khả năng trở thành người chồng tương lai, chứ không nhằm tăng cường khả năng vận động thể chất của phái nữ.

Hiển nhiên, những chiếc áo nịt ngực hay bộ váy dài quét đất khi đó không giúp ích gì nếu các cô gái muốn thực hiện những cú đánh bóng như các vận động viên hiện đại thể hiện.

Bước sang thế kỷ 20, giáo dục thể chất bắt đầu góp phần cải cách trang phục của phái nữ trong các hoạt động thể dục, thể thao. Đây là thời gian những bộ quần áo rộng rãi hơn ra đời, giải phóng cơ thể phái nữ khỏi những chiếc áo nịt ngực hay bó sát cơ thể.

 Trang phục thể thao của các nữ vận động viên vào đầu thế kỷ 20. Ảnh: Conversation.

Trang phục thể thao của các nữ vận động viên vào đầu thế kỷ 20. Ảnh: Conversation.

Nhưng dù đã có những dấu hiệu đổi mới, những bộ quần áo rộng thùng thình vẫn cẩn thận che đi phần lớn cơ thể người phụ nữ. Bất cứ bộ phận nào có thể bị coi là đặc trưng giới tính đều được che chắn cẩn thận, theo quan niệm giữ vẻ đoan chính của những người mẹ tương lai trong xã hội.

Trong thế kỷ 21 hiện nay, quần áo sử dụng trong thi đấu của phái nữ đã khác xa so với 100 năm trước, và mỗi bộ môn thể thao lại có những quy định riêng về trang phục.

Các nữ vận động viên hiện đại lúc này vẫn đang tuân thủ theo các quy ước về trang phục thể thao. Nhưng ngày càng nhiều vận động viên công khai phản đối những gì họ cho là định kiến và không phù hợp.

Mới đây, đội tuyển bóng ném bãi biển Na Uy đã bị phạt vì "trang phục không đúng chuẩn" khi tham gia giải Vô địch châu Âu ở Bulgaria. Các nữ vận động viên đã mặc quần đùi khi thi đấu tranh huy chương đồng với đội tuyển Tây Ban Nha.

Theo các quy tắc được đưa ra bởi Liên đoàn Bóng ném quốc tế (IHF), điều này là trái quy định.

Quy tắc đòi hỏi nữ giới phải mặc bikini có đáy quần “vừa vặn và cắt một góc hướng lên phía trên, không được dài quá khoảng 10 cm”, theo New York Times. Với phần trên, họ nên mặc loại áo lót thể thao bó sát với khoảng hở sâu ở cánh tay.

Trong khi đó, các vận động viên nam được cho phép mặc quần đùi. Trước trận đấu, đội tuyển Na Uy đã đề nghị IHF thay đổi quy định, cho phép các nữ vận động viên mặc quần đùi, nhưng đề nghị đã bị bác bỏ.

Sau trận đấu, đội tuyển Na Uy bị phạt 1.800 USD. Liên đoàn Bóng ném Na Uy chấp nhận nộp phạt thay mặt đội tuyển, nhằm thể hiện sự ủng hộ với các nữ vận động viên.

Quyền lựa chọn trang phục

Các nữ vận động viên bóng ném Na Uy không phải những cô gái duy nhất phản đối những bộ trang phục mà họ coi là không phù hợp.

Trước đó, đã có một số nữ vận động viên phản đối quy tắc về trang phục thi đấu tại Giải vô địch Thể dục nghệ thuật châu Âu ở Thụy Sĩ đầu năm nay.

Để phản đối những bộ trang phục bị coi là hở hang, gợi dục, các nữ vận động viên người Đức đã ra sân thi đấu với bộ đồ liền thân. Sarah Voss là người đầu tiên sử dụng bộ trang phục liền thân, sau đó là hai đồng đội khác của cô tại đội tuyển Đức.

Quyết định của các nữ vận động viên thể dục dụng cụ Đức đã được tính toán trước và nhận được sự ủng hộ của chính phủ Đức. Nhà chức trách Đức cho biết các nữ vận động viên nên luôn được cảm thấy thoải mái về ngoại hình của họ.

Bộ trang phục liền thân hiếm khi xuất hiện tại các giải thi đấu thể dục dụng cụ, và thường chỉ các vận động viên tuân thủ theo quy tắc của tôn giáo mới sử dụng.

Bộ trang phục liền thân của nữ vận động viên thể dục dụng cụ Đức tại Olympic Tokyo. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, trang phục này thực tế lại phù hợp với các quy định của Liên đoàn Thể dục dụng cụ Quốc tế (FIG). Theo đó, FIG quy định các vận động viên được phép mặc quần áo liền thân che kín toàn bộ phần từ hông đến mắt cá chân, miễn là nó "được thiết kế thanh lịch".

Yếu tố linh hoạt trong quy định về trang phục thi đấu của nữ vận động viên đâu đó vẫn tồn tại, nhưng rõ ràng không áp dụng cho tất cả bộ môn.

Voss và các đồng đội tại đội tuyển thể dục dụng cụ Đức đã có thể nắm lấy cơ hội tranh tài trong trang phục mà họ cảm thấy thoải mái nhất, giúp phát huy tốt nhất năng lực thể chất của họ.

Tại Olympic Tokyo năm nay, đoàn vận động viên thể dục dụng cụ nữ đội tuyển Đức một lần nữa sử dụng những bộ trang phục liền thân kín đáo, thanh lịch.

Quyền lựa chọn trang phục rõ ràng giúp các nữ vận động viên cảm thấy tự tin và có thể thể hiện bản thân tốt nhất. Cần lưu ý rằng thể dục dụng cụ là bộ môn tồn tại nhiều bê bối lạm dụng tình dục.

Bóng ném và thể dục dụng cụ là những ví dụ tiêu biểu cho thấy nữ giới, những người trong cuộc với tư cách vận động viên, đang bắt đầu lên tiếng về cách mà cơ thể họ bị phô bày dựa trên những quy định của các liên đoàn thể thao.

Những diễn biến này mở đường cho thêm nhiều nữ vận động viên bày tỏ quan điểm về những quy tắc trang phục thi đấu vốn dựa trên những quan niệm cổ hủ về việc phụ nữ phải trông như thế nào, mà thường là dưới con mắt của nam giới.

Dù đã có thời kỳ những màn tranh tài của các nữ vận động viên trong thể thao bị ngăn trở và tình dục hóa, nữ giới cuối cùng cũng có thể giành được quyền định đoạt về các quy định đối với bộ quần áo mà họ mặc trên người khi thi đấu.

Giờ là lúc, thay vì cứ mãi chú tâm vào vẻ đẹp thân thể của phụ nữ, giá trị của các nữ vận động viên nên được đánh giá dựa vào những màn trình diễn trên sân đấu và đóng góp của họ cho thể thao.

Duy Anh

Theo The Conversation

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phia-sau-lan-song-chong-tinh-duc-hoa-cac-nu-van-dong-vien-post1243680.html