Phía sau đụng độ biên giới Trung-Ấn

Một cuộc đụng độ trên biên giới giữa các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ hôm thứ Bảy tuần trước đã dẫn đến thương tích nhỏ cho binh lính, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận với CNN.

Hình ảnh một vụ đụng độ giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ trên biên giới (ảnh cắt từ video của India Today)

Hình ảnh một vụ đụng độ giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ trên biên giới (ảnh cắt từ video của India Today)

11 binh sĩ gồm bốn người Ấn Độ và bảy người Trung Quốc được cho là đã bị thương trong vụ việc, diễn ra trong một cuộc tuần tra ở Nuka La, Bắc Sikkim.

Tuy nhiên, căng thẳng không chỉ dừng ở đó. Tờ Hindustan Times hôm qua tường thuật rằng, không quân Ấn Độ đã buộc phải triển khai chiến đấu cơ bay tuần tra ở Ladakh sau khi những chiếc trực thăng của quân đội Trung Quốc bị phát hiện đang bay gần biên giới. Vụ việc này xảy ra vào tuần trước, cùng thời điểm binh lính Trung Quốc và lực lượng Ấn Độ đụng độ ở Bắc Sikkim, khu vực gần với vùng Tây Tạng.

“Trực thăng của quân đội Trung Quốc bay rất gần với Đường kiểm soát thực tế (LAC). Sau đó, các máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ đã bay tuần tra trong khu vực”, hãng tin ANI dẫn lời các nguồn tin chính phủ.

Các nguồn tin chính phủ (yêu cầu giấu tên), nói rằng các trực thăng Trung Quốc đã không đi qua LAC vào lãnh thổ Ấn Độ trong khu vực đó.

Không quân Ấn Độ thường xuyên cử các chiến đấu cơ Su 30MKI từ căn cứ không quân Leh ở Ladakh cùng với các máy bay khác tuần tra khu vực.

Diễn tiến mới nhất này xuất hiện ngay sau khi an ninh Ấn Độ nhận thấy Không quân Pakistan đã tăng cường tuần tra bằng các tiêm kích F-16S và JF-17 dọc biên giới với Ấn Độ, đặc biệt là các chuyến bay đêm sau vụ tấn công khủng bố ở Handwara dẫn đến cái chết của 5 nhân viên an ninh Ấn Độ.

“Hai bên đã rút lui sau khi đối thoại ở cấp địa phương. Quân đội giải quyết các vấn đề theo các giao thức đã được thiết lập”, người phát ngôn quân đội Ấn Độ nói thêm, theo CNN.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết những cuộc đối mặt “tức thời và ngắn” giữa quân đội từ cả hai quốc gia là điều thường xuyên xảy ra do thực tế là “ranh giới không được giải quyết”.

Ấn Độ và Trung Quốc có chung một trong những biên giới đất liền dài nhất thế giới. Năm 1962, hai nước tham gia một cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu ở dãy núi Himalaya và những cuộc giao tranh tiếp tục nổ ra lẻ tẻ trong những thập kỷ sau đó. Năm 2017, lực lượng của hai bên đã đối đầu kéo dài hàng tháng trên cao nguyên Doklam đang tranh chấp, trên biên giới không rõ ràng giữa Trung Quốc và Bhutan.

Mặc dù không phải là một phần của lãnh thổ Ấn Độ, khu vực này nằm gần “cổ gà”, một hành lang chiến lược đóng vai trò là một động mạch quan trọng giữa Delhi và các quốc gia phía đông bắc.

Sau nhiều tháng căng thẳng và diễn tập bắn đạn thật, hai bên cuối cùng đồng ý rút lui vào tháng 8/2017. Năm 2018, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý hợp tác tránh để phát sinh thêm các tranh chấp biên giới.

Nhưng bất chấp thỏa thuận, căng thẳng vẫn tiếp tục. Tháng 9/2019, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tham gia một “vụ ẩu đả” ở biên giới gần hồ Pangong trên dãy Himalaya, theo News18.

Theo nhận định của Hindustan Times, sức ép từ các nước phương Tây về việc minh bạch thông tin liên quan đến dịch COVID-19, chiến tranh thương mại với các quốc gia như Mỹ và Úc ngày càng khốc liệt và hầu hết các công ty đa quốc gia bắt đầu tìm kiếm nguồn thay thế sản phẩm, chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

Ấn Độ là một trong những điểm đến ưa thích. “Các nguồn tin an ninh suy đoán rằng đây có thể là lý do đằng sau sự gây hấn mới của Trung Quốc. Sự phô trương cơ bắp tương tự cũng xuất hiện gần đây khi các tàu của hải quân Trung Quốc tiến vào vùng tranh chấp ở biển Đông”, Hindustan Times nhận định.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/phia-sau-dung-do-bien-gioi-trungan-1656832.tpo