Phía sau dự án chế tạo máy bay chiến đấu tương lai của châu Âu

Bộ trưởng Quốc phòng Anh và Pháp đã quyết định sẽ gặp nhau hai lần một năm thay vì một lần như trước, nhằm góp phần tăng cường mối quan hệ an ninh quốc phòng gắn bó truyền thống, đồng thời mở ra khả năng hợp tác trong các dự án chế tạo máy bay chiến đấu tương lai của châu Âu với nỗ lực thoát dần khỏi 'cái bóng' của đồng minh Mỹ…

Khi thông báo về tin tức trên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhấn mạnh thêm rằng giữa Anh và Pháp có mối quan hệ quốc phòng rất gần gũi và sâu sắc. Động thái này là sự khẳng định đối với mối quan hệ hợp tác quốc phòng Anh và Pháp dựa trên Hiệp ước Lancaster House năm 2010, vốn bị đặt dấu chấm hỏi sau khi Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)-Brexit.

Hiện nay, khả năng Anh rời khỏi EU có thể sẽ ảnh hưởng tới một số chương trình hợp tác quốc phòng lớn của châu Âu, bao gồm dự án FCAS chế tạo máy bay chiến đấu tương lai do Pháp dẫn đầu, cùng sự tham gia của một số nước châu Âu, trong đó có Đức. Tuy nhiên, cánh cửa để Anh tham gia vào dự án này vẫn để ngỏ, vì Anh đang cân nhắc khả năng sẽ tham gia FCAS cùng Pháp và Đức do sự hấp dẫn bởi nguồn lợi tài chính mà dự án mang lại. Dù sao FCAS là dự án được dựa trên nền tảng của một chương trình hợp tác giữa Anh và Pháp năm 2012 về phát triển máy bay chiến đấu tương lai vốn bị ngừng lại do Brexit.

Một thiết kế mô phỏng của máy bay chiến đấu tương lai được giới thiệu tại Pháp. Ảnh: Getty Images.

Pháp hiện là quốc gia dẫn đầu ở châu Âu thúc đẩy dự án FCAS, được trông đợi sẽ chế tạo ra loại máy bay chiến đấu hợp nhất của châu Âu thay thế các loại máy bay chiến đấu Rafale, Eurofighter và F-19 Hornet. Đây cũng là một trong những dự án mà châu Âu trông đợi có thể giúp giảm sự lệ thuộc vào máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, F-35 Lightning II của Mỹ.

Nữ Bộ trưởng Parly nhấn mạnh, mối quan hệ hợp tác giữa Anh và Pháp rất có giá trị và cần thiết đối với an ninh châu Âu. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh sự bảo đảm an ninh của Mỹ cho châu Âu ngày càng trở nên thiếu tin cậy sau khi Tổng thống Donald Trump có một loạt động thái cho thấy Mỹ chẳng nể mặt đồng minh. Mỹ đe dọa rút khỏi NATO, đơn phương rút khỏi Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu và quay lưng với Thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran năm 2015-là những việc làm quá sức chịu đựng đối với châu Âu.

Việc Pháp tăng cường hợp tác quốc phòng với Anh ngay cả khi biết chắc tương lai Anh sẽ rời khỏi châu Âu không còn xa, cho thấy Paris đang chủ động tìm cách thoát dần khỏi “chiếc bóng” của Washington trong vấn đề an ninh, quốc phòng.

Không chỉ củng cố mối quan hệ quốc phòng vốn khăng khít với Anh, Paris cũng không bỏ qua các cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Đức. Việc thúc đẩy dự án FCAS với Đức chính là bước đi của Pháp nhằm từng bước tiến tới thoát khỏi các quy định về xuất khẩu máy bay chiến đấu với Mỹ. Nữ Bộ trưởng Parly không ngần ngại cho biết rằng, các nỗ lực của Pháp nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và thúc đẩy xuất khẩu đã được ghi rõ trong ý định thư ký với Đức hồi tháng 6 vừa qua về dự án FCAS. Bà Parly khẳng định, khả năng xuất khẩu máy bay chiến đấu trong tương lai mà FCAS đang nghiên cứu phát triển là một yếu tố quan trọng để bảo đảm tính khả thi về kinh tế của chương trình này.

Bộ trưởng Pháp cũng cho biết, chính phủ Pháp muốn giảm sự lệ thuộc vào Mỹ trong bối cảnh Mỹ đã từ chối thương vụ vũ khí của Pháp với Ai Cập liên quan đến tên lửa hành trình Scalp của Pháp. Các nỗ lực của Pháp nhằm thuyết phục Washington gỡ bỏ các hạn chế theo Quy chế về buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) đều thất bại. Chính bà Parly cũng từng phải trả lời câu hỏi chất vấn của nghị sĩ Jean-Jacques Ferrara về thương vụ bị đóng băng bán một loạt máy bay Rafale cho Ai Cập, xuất phát từ việc Mỹ từ chối thông qua việc bán tên lửa Scalp cho Ai Cập do trên tên lửa này có các “thành tố Mỹ”.

Đáng chú ý, bà Parly còn cho biết những vấn đề mà Paris gặp phải trong việc theo đuổi các thương vụ xuất khẩu vũ khí bề ngoài có vẻ xuất phát từ các nhân tố chiến lược nhưng thực tế là từ yếu tố cạnh tranh thương mại. Thực tế, Mỹ đang là quốc gia kiếm được nhiều lợi nhất thông qua hợp đồng xuất khẩu F-35 cho dù đây là một dự án quốc tế khổng lồ có sự tham gia của nhiều quốc gia.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi không phải là những kẻ bị lừa phỉnh”. Bà thừa nhận, Pháp cần phải dần dần giảm bớt sự phụ thuộc vào các “thành tố Mỹ”, mặc dù Paris không thể độc lập hoàn toàn do còn thiếu nhiều phương tiện. Bà Parly cho biết, Pháp có một kế hoạch để giảm bớt sự phụ thuộc đó.

Vậy giải pháp là gì? Theo bà Parly, các nhà sản xuất tên lửa như MBDA cần phải đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ để có thể chế tạo ra các thành phần cấu tạo tương tự nhằm tránh vi phạm các quy định trong ITAR của Mỹ. Sáng kiến này không chỉ giúp phát triển các ngành công nghệ kỹ thuật cao trong lĩnh vực hàng không quân sự mà được đánh giá là khiến các nguồn tài chính quốc phòng chuyển dịch từ Mỹ về châu Âu.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/phia-sau-du-an-che-tao-may-bay-chien-dau-tuong-lai-cua-chau-au-549160