Phía sau 'Điểm đến golf hàng đầu châu Á' là bài toán khó của du lịch Việt

Vào ngày 29/10 tới, tại lễ trao giải thưởng golf thế giới ở UAE; Việt Nam sẽ được giải 'Điểm đến golf hàng đầu châu Á'. Tuy vậy golf Việt Nam vẫn chưa thể cạnh tranh với khu vực và thế giới vì bài toán khó: Liên kết!

Việt Nam được trao giải thưởng “Điểm đến golf hàng đầu Châu Á”

Như tin đã đưa, sáng 25/10 tại Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở Du lịch TP Đà Nẵng, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức tọa đàm “Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch golf” nhằm tăng cường xây dựng sản phẩm du lịch golf, kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng và thu hút khách du lịch chất lượng cao trong thời gian tới.

Du khách Malaysia đến Đà Nẵng chơi golf (Ảnh: HC)

Du khách Malaysia đến Đà Nẵng chơi golf (Ảnh: HC)

Tại tọa đàm, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, vào ngày 29/10 tới đây, lễ trao giải thưởng golf thế giới sẽ diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE); trong đó Việt Nam sẽ được giải “Điểm đến golf hàng đầu Châu Á”.

Và vào ngày 6/11, tại Ấn Độ, Hiệp hội Golf Châu Á – Thái Bình Dương sẽ tổ chức trao giải thưởng “Điểm đến golf tốt nhất Châu Á”. Trong đó, qua bình chọn online, Việt Nam là một trong ba quốc gia ứng viên cho giải thưởng này.

“Như vậy trong bức tranh toàn cảnh chung của du lịch Việt Nam thì mảng màu của du lịch golf cũng đang ngày càng khẳng định vị thế của mình là một trong những sản phẩm đang được sự quan tâm rất lớn của du khách quốc tế!” – Ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.

Ông cho hay, hiện trên toàn thế giới có khoảng 60 triệu golf thủ, và ngành du lịch golf được xếp thứ 3 trong các ngành du lịch của Châu Á. Các golfer chi tiêu nhiều hơn 2 lần so với chi tiêu bình thường của khách du lịch.

Và tại nhiều quốc gia, doanh thu du lịch golf tại các điểm đến golf chiếm tỉ lệ rất cao trong doanh thu ngành du lịch. Như tại Maritiert, doanh thu du lịch golf chiếm khoảng 9% trong tổng doanh thu ngành du lịch; tại Mehico 3,46%; tại Thái Lan 3,4%, tại Malaysia 2%...

Trên toàn cầu hiện có khoảng 638 công ty kinh doanh tour golf của 61 quốc gia là thành viên Tổ chức “Du lịch Golf thế giới”, kiểm soát 87% thị tường toàn cầu và tạo ra 2,5 tỉ USD giao dịch hàng năm; vận chuyển gần 2 triệu golfer trên toàn thế giới vừa đi du lịch vừa tham gia đánh golf.

Lợi thế của người đi sau

Ông Ngô Hoài Chúng nói: “Du lich golf đã trở thành một thị trường khách thực sự mạnh mẽ, mang lại doanh thu cao, tạo cơ hội việc làm và cơ hội cho các điểm đến trên toàn thế giới. Đây đã được coi là một ngành công nghiệp du lịch của phân khúc cao cấp đang có tốc độ phát triển rất nhanh và có sức thu hút rất lớn đối với những người có khả năng chi trả cao.

Du lịch golf không chỉ cung cấp sản phẩm phong phú, hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách mà còn mang lại nguồn thu lớn, tạo công ăn việc làm cùng nhiều lợi ích kinh tế – xã hội. Do đó du lịch golf đã giành được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam!”.

Theo ông Ngô Hoài Chung, là một đất nước có khí hậu nhiệt đới, ánh nắng quanh năm, bờ biển dài với các bãi biển nổi tiếng trên thế giới, có nhiều vịnh, đồi núi hùng vĩ, cảnh quan đa dạng và hệ sinh thái hết sức phong phú, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch golf và được coi là một điểm đến lý tưởng đáp ứng các tiêu chí khắt khe về “điểm đến của golf”.

Ông Ngô Hoài Chung cho biết, Việt Nam vốn có lịch sử phát triển golf rất sớm. Từ năm 1922, vua Bảo Đại đã cho xây dựng sân golf đầu tiên tại Đà Lạt, đánh dấu sự mở đầu của môn thế thao golf tại Việt Nam. Nhưng phải đến những năm 90 của thế kỷ 20 thì môn thể thao golf và nay là du lịch golf mới bắt đầu phát triển mạnh tại Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện lượng du khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có ngành du lịch golf phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Pháp, Anh, Úc, Đức… và không ngừng tăng trưởng mạnh qua từng năm.

Trên cả nước hiện có 32 sân golf đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế trên tổng số 60 sân golf được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch golf Việt Nam đến năm 2020. Các sân golf Việt Nam hầu hết mới được xây dựng nên có thiết kế hiện đại, có vị trí tương đối gần nhau, có khả năng cạnh tranh với những sân golf tốt nhất của các nước láng giềng.

“Đặc biệt các sân golf Việt Nam rất hấp dẫn đối với khách du lịch golf vốn ưa thích chinh phục nhiều sân golf và trải nghiệm cảm giác khác nhau về môi trường, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực… Đây là một trong những lợi thế của người đi sau!” – Ông Ngô Hoài Chung nói.

Bài toán khó nhất: Liên kết giữa golf và lữ hành còn lỏng lẻo!

Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, phát triển du lịch golf Việt Nam hiện nay vẫn chỉ mới ở giai đoạn ban đầu, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh với các nước, kể cả trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới.

Ông Ngô Hoài Chung nói: “Chúng ta mới có khoảng 32 sân golf, trong khi các nước láng giềng như Indonesia có 152 sân, Malaysia có 230 sân, Thái Lan có 300 sân… Và theo số liệu ước tính, tỉ lệ khách đến Việt Nam chơi golf chỉ mới chiếm khoảng 0,8% trên tổng số 15,5 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018. Đây là tỉ lệ rất thấp so với các nước láng giềng đang cạnh tranh với chúng ta như Malaysia khoảng 2%, Thái Lan trên 9% - 10%...”.

Hạn chế lớn nhất của du lịch golf Việt Nam hiện nay, theo ông Ngô Hoài Chung, là việc liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với các sân golf còn lỏng lẻo nên khách tour du lịch golf còn chiếm tỉ lệ thấp. Du lịch golf hầu như chưa kết nối với các ngành du lịch khác như du lịch MICE, du lịch tàu biển, nghỉ dưỡng hay du lịch caravan… là những loại hình vốn rất gắn với du lịch golf.

Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ cho du lịch golf tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa tổ chức nhiều giải đấu chuyên nghiệp, chưa liên kết các sân golf trong khu vực… nên giá trị gia tăng của sản phẩm du lịch golf chưa cao; các sân golf chưa quan tâm công tác quảng bá, chưa chủ động bắt tay với các doanh nghiệp lữ hành để sân có lượng khách dồi dào, tăng hiệu quả kinh doanh.

“Đây có lẽ là một trong những bài toán khó nhất cho du lịch Việt Nam chúng ta. Đó là phải liên kết, hỗ trợ, cùng chia sẻ giữa các doanh nghiệp lữ hành với các sân golf!” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nói.

Kết thúc năm 2018, du lịch Việt Nam đón 15,2 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu về du lịch đạt 637.000 tỉ đồng, đóng góp của du lịch vào GDP của cả nước đạt 8,4%. Và trong 9 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đã đón 12,8 triệu lượt khách quốc tế.

Hiện Việt Nam đã bước vào giai đoạn đầu mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế của năm 2019. Nếu trong 4 tháng còn lại của quý 4, mỗi tháng đón 1,5 triệu lượt khách quốc tế thì ngành du lịch sẽ đạt được mục tiêu mà Chính phủ giao là năm 2019 đón 17,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Mục tiêu đến năm 2020, du lịch Việt Nam cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với đóng góp 10% vào GDP của cả nước.

“Có thể nói đây là mục tiêu hết sức quan trọng. Do vậy việc tăng cường thu hút khách du lịch, nhất là du khách quốc tế từ các thị trường có mức chi tiêu cao và dài ngày ở phân khúc cao cấp đối với du lịch Việt Nam là hết sức quan trọng!” – Ông Ngô Hoài Chung nói.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/phia-sau-diem-den-golf-hang-dau-chau-a-la-bai-toan-kho-cua-du-lich-viet-post318173.info