Phía sau công việc bán lời 'chúc ngủ ngon' của người phụ nữ Trung Quốc

Với cô Ông Bích Anh, mặc dù bán lời 'chúc ngủ ngon' mất nhiều thời gian và công sức nhưng mang đến giá trị. 10 năm làm công việc này là 10 năm cô nghe những câu chuyện và nhìn ngắm cuộc đời con người.

 Ảnh minh họa: SCMP

Ảnh minh họa: SCMP

Mới đây, một phụ nữ tên Cửu Muội (tên trên mạng) trở nên nổi tiếng vì kiếm được hơn 30.000 nhân dân tệ (gần 103 triệu đồng) khi bán tin nhắn "chúc ngủ ngon" với giá 1 nhân dân tệ (gần 3.500 đồng) mỗi tin nhắn trong suốt 10 năm. Cửu Muội thu hút sự chú ý của cư dân mạng khi chia sẻ "1000 điều về việc chúc ngủ ngon". Cô cho biết có người mua lời chúc ngủ ngon để tặng người mình yêu, có người mượn nó để tạm biệt người yêu cũ, cũng có người muốn tặng cho bản thân.

Cửu Muội tên thật là Ông Bích Anh, 35 tuổi, đến từ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Cô nghĩ ra ý tưởng này lần đầu tiên vào năm 2012 khi làm việc tại một công ty thương mại điện tử. Đó là lúc cô gặp rắc rối khi phải vật lộn với cô đơn và mất ngủ do áp lực công việc.

Khi tìm hiểu trên mạng, cô Ông Bích Anh nhận thấy nhiều người khác cũng gặp vấn đề tương tự nên bắt đầu ý định bán tin nhắn "chúc ngủ ngon" trên Taobao. Cô muốn thông qua cách này để kết nối và trò chuyện với những người xa lạ; giúp những người trong hoàn cảnh tương tự cảm giác rằng có người quan tâm đến họ. Hành động giúp đỡ người khác hóa ra lại chính là điều cô cần để tự giúp mình.

Những tin nhắn "chúc ngủ ngon"

Cô Ông Bích Anh, 35 tuổi

Mặc dù không đặt quá nhiều hy vọng thành công vào cửa hàng "chúc ngủ ngon", cô Ông rất ngạc nhiên khi nhận được đơn đặt hàng đầu tiên sau vài ngày khai trương. "Hóa ra là một số người cần dịch vụ", cô nói.

Các tin nhắn thường thân thiện và ngắn gọn, nhưng có lúc cũng dài tới 200 ký tự. Nếu khách hàng có yêu cầu đặc biệt, cô sẽ gửi tin nhắn dựa trên câu chuyện của họ. Khách hàng của cô bao gồm bệnh nhân ung thư, trẻ em từ các hộ gia đình đơn thân và những người LGBTQ (đồng tình luyến ai nam, nữ, song tính, chuyển giới và có xu hướng tình dục, bản dạng giới khác biệt). "Khi đặt mua tin nhắn, nhiều người sẽ viết ra những câu chuyện của chính mình, và qua mỗi câu chuyện, tôi lại hiểu thêm về nội tâm của một người", cô nói.

Người mua tin nhắn bao gồm cả những người mắc chứng sợ xã hội nghiêm trọng, không có bạn bè và khao khát được bầu bạn; nhân viên văn phòng có cuộc sống căng thẳng và muốn tìm một người nào đó tâm sự để giảm bớt căng thẳng; có người thất tình, muốn gửi đến đối phương hoặc chính mình câu nói từ bỏ; có người yêu thầm nhưng không dám thổ lộ, hy vọng qua tin nhắn có thể kiểm tra phản ứng của người kia; một số cặp đôi gặp khủng hoảng trong hôn nhân không biết lựa chọn thế nào và muốn cho nhau cơ hội cuối cùng...

Một người mẹ đã mua tin nhắn "chúc ngủ ngon" gửi cho con gái 14 tuổi sau khi tình cảm mẹ con rạn nứt và ít giao tiếp do con gái chỉ dán mắt vào điện thoại. "Giờ con tôi đã chuyển sang trường nội trú. Tôi hy vọng con sẽ sớm thích nghi với môi trường mới. Tôi hy vọng tin nhắn chúc ngủ ngon có thể nhắc nhở con gái tôi nghỉ ngơi sớm", người mẹ viết.

Trong trường hợp khác, một cô gái bị ung thư vú và trầm cảm nặng đã tự mua cho mình lời "chúc ngủ ngon" suốt một năm. Cô để lại lời nhắn: "Trong thời gian hóa trị, tôi đau đớn tột cùng cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhận được tin nhắn chúc ngủ ngon từ Cửu Muội mỗi đêm, tôi mới cảm thấy không còn buồn như vậy nữa. Sau đó, tôi chấp nhận kế hoạch của bệnh viện và phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú…".

Học cách tận hưởng cô đơn

Hơn 10 năm, cô Ông đã gửi khoảng 30.000 tin nhắn "chúc ngủ ngon". Công việc của cô đã tạo ra rất nhiều điều tốt đẹp, nhưng cũng nhận bình luận tiêu cực từ một số người, chỉ trích cô trục lợi từ những tin nhắn văn bản về cơ bản là miễn phí này.

Trả lời phỏng vấn của Yangtze Evening News, cô Ông chia sẻ đây là công việc tốn nhiều thời gian và công sức, không thể hy vọng kiếm tiền và chỉ là một việc nhỏ bé trong cuộc sống. "Sự tin tưởng từ những người xa lạ giúp tôi tiếp tục thực hiện điều đó, mang lại hơi ấm cho người khác đồng thời chữa lành cảm giác cô đơn của bản thân", cô nói.

Cửa hàng bán lời "chúc ngủ ngon" đã gắn bó cùng cô Ông từ lúc mới tốt nghiệp, đến giai đoạn yêu đương 5 năm và đến hiện tại khi cô đã trở thành mẹ. Qua thời gian, cô dần bắt tay và làm hòa với quá khứ của mình, càng ngày càng ít cảm thấy cô đơn. Với cô, 10 năm bán lời "chúc ngủ ngon" là 10 năm nghe những câu chuyện và nhìn ngắm cuộc đời con người. "Tôi luôn có cảm giác cô đơn, nhưng tôi đã học cách tận hưởng sự cô đơn này", cô Ông nói.

Nguồn: SCMP, The Paper

Kim Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phia-sau-cong-viec-ban-loi-chuc-ngu-ngon-cua-nguoi-phu-nu-trung-quoc-20220518145238469.htm