'Phía sau cánh cửa'

Triển lãm 'Phía sau cánh cửa' nhằm phản ánh thực trạng xã hội về bạo lực gia đình cũng như thể hiện những nỗ lực của Hội LHPN Việt Nam trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, hướng đến mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.

Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” của Hội LHPN Việt Nam, ngày 23/11, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm “Phía sau cánh cửa”.

Để thực hiện triển lãm, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã nghiên cứu hơn 60 trường hợp bị bạo lực gia đình, trong đó một nửa là các ca bạo lực được cung cấp từ Nhà bình yên của Trung Tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội LHPN Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã trao đổi trực tiếp với tất cả các nhân vật nhưng chỉ có chưa đến 20 nhân vật đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình, thậm chí một số nhân vật đã đồng ý nhưng sau đó suy nghĩ lại và từ chối không tham gia.

Nhân viên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam giới thiệu cho khách mời về các nội dung của triển lãm - Ảnh: Cẩm Linh

Trong số những nhân vật đồng ý chia sẻ, chỉ 07 nhân vật cho ghi âm, chụp ảnh và cho phép Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sử dụng trong trưng bày nhưng phải qua xử lý hình ảnh, không lộ danh tính. Lý do chính là họ sợ câu chuyện công khai sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, con cái của mình, của chồng mình - dù đó cũng là người gây ra bạo lực. Đây thực sự là điều đáng để suy nghĩ.

Theo thống kê của hơn 60 trường hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp cận, nạn nhân bị bạo lực ở lứa tuổi 8x, 9x chiếm 61%; trong đó người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, cao học chiếm 85%; những người gây bạo lực có trình độ từ cao đẳng trở lên cũng chiếm 61%. Nguyên nhân bạo lực ở khía cạnh kinh tế chiếm 10,3%; tác động xã hội như nghiện hút, ngoại tình, ghen tuông, gia trưởng, cờ bạc, bia rượu chiếm 83,8%... Bạo lực thể chất chiếm 98%, bạo lực tinh thần chiếm 100%, bạo lực tình dục chiếm 31%.

Từ kết quả nghiên cứu các trường hợp trong thực tiễn, triển lãm “Phía sau cánh cửa” muốn gửi đi thông điệp: hãy nói ra, phá bỏ sự im lặng, khi bạo lực diễn ra một lần nó sẽ tiếp tục diễn ra.

Triển lãm sử dụng phương pháp trưng bày sắp đặt, tạo ra 5 modul gợi mở về những không gian khác nhau trong mỗi gia đình để khách tham quan tự cảm nhận bằng cảm giác cũng như bằng trải nghiệm của mình trong cuộc sống với các chủ đề Lời ru buồn, Mặt nạ của hạnh phúc, Gánh nặng không cùng san sẻ, Những trái tim lạc lối và Bỏ thì thương vương thì tội. Những tâm sự, chia sẻ của các nhân vật cùng không gian sắp đặt mang tới sự gần gũi quen thuộc, khiến công chúng giật mình nhận ra nhiều góc, nhiều vấn đề của chính mình.

Chính những thói quen trong suy nghĩ, trong cuộc sống làm xúc cảm của con người ta bị mài mòn, tình yêu bị khô cạn, nỗi đau trở nên chai lì… nhưng nhiều người vẫn mang chiếc mặt nạ của hạnh phúc, mà quên đi hoặc không nhận ra rằng trong một khoảnh khắc nào đó mình đã vô tình tạo ra bạo lực hoặc bản thân mình chịu bạo lực tại chính ngôi nhà - nơi đáng ra là tổ ấm của mỗi người.

Triển lãm mở cửa đón khách đến hết ngày 31/12 tại 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cẩm Linh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/-phia-sau-canh-cua-505881.html