Phía sau căng thẳng quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc

Tokyo đã có chuyển biến lớn về chiến lược ngoại giao trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế ngày càng trở thành trọng tâm thay vì dùng vũ lực để bảo vệ lợi ích.

Ngày 4/7/2019, Nhật Bản bắt đầu thắt chặt các quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF).

Đây đều là những vật liệu mà Nhật Bản chiếm ưu thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến Hàn Quốc dù muốn đổi đối tác mới cũng không thể tìm được sản phẩm thay thế.

Quyết định này được cho là sẽ ảnh hưởng đến các tập đoàn công nghệ toàn cầu của Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display.

Theo khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên.

Tokyo siết chặt các quy định xuất khẩu chất liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 04/7/2019, châm ngòi cho căng thẳng quan hệ Nhật-Hàn (Ảnh: Reuters).

Tokyo siết chặt các quy định xuất khẩu chất liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 04/7/2019, châm ngòi cho căng thẳng quan hệ Nhật-Hàn (Ảnh: Reuters).

Một ngày sau khi Tokyo thực thi quyết định siết chặt xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 mặt hàng công nghệ cao, ngày 5/7/2019, tờ Nikkei của Nhật Bản cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia xây dựng được sự tin cậy và đảm bảo an ninh, còn gọi là White Countries.

Hiện, danh sách White Countries có 27 quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp...Nhật Bản đã đưa Hàn Quốc vào danh sách White Countries từ năm 2004.

Nếu quyết định được đưa ra, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên bị Nhật Bản loại khỏi danh sách. Báo trên cho biết việc cập nhật danh sách sẽ diễn ra vào cuối tháng 8/2019.

Việc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách White Countries đồng nghĩa sẽ phát sinh thêm các thủ tục kiểm tra trước khi xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Nhật Bản sang Hàn Quốc như hóa chất, dược phẩm, linh kiện điện tử, máy móc...

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) sẽ đưa ra các yêu cầu kiểm tra dựa trên những phán đoán liên quan tới vấn đề như an ninh, dự kiến việc cấp phép sẽ mất tới 90 ngày.

Ngoài sự kiểm soát từ METI, Bộ Tài chính Nhật Bản cũng thông báo sẽ kiểm tra về mặt thuế quan, dù đã được METI cấp phép.

Về phía Hàn Quốc, ngày 08/7/2019, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lần đầu đưa ra lập trường về việc Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng Nhật Bản thực hiện biện pháp trên nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế Hàn Quốc vì mục đích chính trị và Seoul đang cân nhắc mọi kế hoạch để đáp trả. Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ, không chỉ Seoul mà toàn thế giới đang lo ngại về động thái của Tokyo.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cáo buộc Nhật Bản đang hạn chế giao dịch giữa doanh nghiệp tư nhân hai nước.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đang tiến hành những biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại đến từ các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản.

Đảng Dân chủ cầm quyền ở Hàn Quốc ngày 11/7/2019 thông báo, 300 tỷ won (255 triệu USD) sẽ được bổ sung vào ngân sách chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước các vật liệu bị Nhật Bản hạn chế xuất khẩu.

Tại Hàn Quốc, người dân cũng đã tổ chức các đợt tuần hành phản đối hành động trên của Nhật Bản. Đồng thời, các cửa hàng, cửa hiệu của Hàn Quốc đã phát động phong trào tẩy chay hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản.

Các cửa hàng ở Hàn Quốc dán biển hiệu tẩy chay hàng hóa Nhật Bản (Ảnh: AP)

Bất chấp việc Seoul dọa sẽ khởi kiện Nhật Bản lên WTO, Tokyo vẫn cứng rắn cho rằng quyết định đưa ra không vi phạm quy định của WTO cũng như quy định về thương mại quốc tế với hàm ý “bóng đang nằm ở sân của Hàn Quốc”.

Nguyên nhân căng thẳng gia tăng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay được cho là liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức thời Thế chiến II.

Phía Hàn Quốc cho rằng, đây là biện pháp trả đũa kinh tế trong bối cảnh tranh cãi ngày càng gia tăng liên quan đến vấn đề lao động bị cưỡng bức thời chiến.

Trong khi đó, Nhật Bản khẳng định nước này đã đáp ứng các khoản bồi thường cần thiết cho Hàn Quốc theo một hiệp ước mà 2 nước ký kết với nhau năm 1965.

Tuy nhiên, phán quyết gần đây của Tòa án Hàn Quốc cho rằng các công ty Nhật Bản vẫn phải tiếp tục bồi thường cho các nạn nhân là lao động cưỡng bức thời chiến của nước này.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 11/7/2019, Ngoại trưởng Hàn Quốc, bà Kang Kyung-wha đã có cuộc điện đàm kéo dài 15 phút với người đồng cấp Mỹ, ông Mike Pompeo, đề nghị Mỹ vào cuộc tìm cách giảm căng thẳng trong quan hệ Nhật-Hàn.

Dẫu vậy, giới quan sát cho rằng quyết định của Nhật Bản được phía Mỹ ngầm ủng hộ. Bởi nó được cố ý đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần thứ ba nhằm tránh gây ra sự giận dữ từ phía Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, phá hỏng kế hoạch Triều Tiên của Mỹ. Hơn nữa, nó còn được đưa ra sau khi ông Trump đã lên máy bay rời khỏi bán đảo Triều Tiên.

Việc áp đặt lệnh cấm này dường như cho thấy Tokyo đã có chuyển biến lớn về chiến lược ngoại giao trong bối cảnh thế giới ngày càng lấy cạnh tranh kinh tế là trọng tâm thay vì dùng vũ lực để bảo vệ lợi ích quốc gia mà Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump là một ví dụ tiêu biểu.

Những bước đi của Nhật Bản được cho chỉ là điểm khởi đầu của những căng thẳng mới giữa hai nước, khi hai bên đều không có dấu hiệu nhượng bộ.

Hãng tin Kyodo News thông báo, Nhật Bản đang cân nhắc mở rộng các mặt hàng xuất khẩu đến Hàn Quốc.

Tài liệu tham khảo:

1. //antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Bung-phat-cuoc-chien-kinh-te-Han-Quoc-Nhat-Ban-552816/

2. //english.kyodonews.net/news/2019/07/02e8e6e4bcf1-update1-japan-rejects-s-korean-calls-for-scrapping-of-tech-export-curbs.html

3. //asia.nikkei.com/Politics/International-relations/South-Korea-Japan-row-rages-on-this-time-over-export-details

4. //www.vietnamplus.vn/my-tim-cach-giam-cang-thang-giua-han-quoc-va-nhat-ban/581911.vnp

5. //www.japantimes.co.jp/news/2019/07/11/business/south-korea-steps-effort-get-u-s-help-export-row-japan/

Thanh Bình

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/phia-sau-cang-thang-quan-he-nhat-banhan-quoc-post200397.gd