Phía sau cái gọi là 'Vương quốc Mông' (bài 5)

Với ảo tưởng sẽ được các thế lực ở nước ngoài giúp đỡ, thời gian qua, một số đối tượng xấu trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã âm mưu thực hiện ý đồ thành lập 'Vương quốc Mông'. Đây là hành động chống phá chính quyền, đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Thực hiện phương châm 'ba bám, bốn cùng', phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, BĐBP Điện Biên đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng đập tan âm mưu, ý đồ đen tối thành lập 'Vương quốc Mông', giúp cho các đối tượng trót 'nhúng chàm', gây ảnh hưởng xấu tới chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh giấc u mê trước khi quá muộn.

Bài 1: Vàng Pao và giấc mơ làm thủ lĩnh “Vương quốc Mông”

Bài 2: Nhận diện các tổ chức phản động lợi dụng người Mông

Bài 3: Chiêu trò lừa phỉnh, “lập lờ đánh lận con đen”

Bài 4: Khốn khổ vì “Vương quốc Mông”

Bài 5: Cả hệ thống chính trị vào cuộc ổn định vùng người Mông

Thời gian qua, BĐBP Điện Biên với vai trò, chức năng của mình đã kiên trì bám bản, bám dân để tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Những việc làm đó đều hướng tới mục tiêu ổn định an ninh trật tự ở địa bàn biên giới, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, xóa tan âm mưu dụ dỗ, lừa phỉnh người Mông đi theo ảo ảnh “Vương quốc Mông” của các đối tượng xấu.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nặm Kè tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào Mông. Ảnh: Trần Đức

Cán bộ Đồn Biên phòng Nặm Kè tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào Mông. Ảnh: Trần Đức

Khi cán bộ “3 bám, 4 cùng”

Thực hiện phương châm "3 bám, 4 cùng" (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), BĐBP Điện Biên đã đưa hàng nghìn lượt cán bộ xuống cơ sở trực tiếp phụ trách hộ gia đình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, qua đó giải thích các chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, kiên trì thuyết phục, cán bộ BĐBP đã giúp đồng bào dần hiểu ra thủ đoạn của các đối tượng xấu, yên tâm định cư, lao động sản xuất. Nhờ đó, những “điểm nóng” về mất an ninh trật tự một thời giờ đã bình yên trở lại.

Chúng tôi đến bản Huổi Thanh 1, xã Nậm Kè đúng dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Người đầu tiên chúng tôi gặp là Bí thư chi bộ bản Đặng Dấu Phùng. Anh nở nụ cười, khoe với chúng tôi: “Nhờ cán bộ Biên phòng quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật, bà con đã biết cấy lúa nước 2 vụ. Trong bản, nhiều hộ thoát được đói nghèo, có ti vi, xe máy, nước sạch để dùng. Chúng tôi luôn muốn nói lời cảm ơn cán bộ BĐBP”.

Cũng chính cán bộ BĐBP đã giúp một số hộ dân ở đây thoát khỏi tà đạo Bà Cô Dợ, mà anh Giàng A Phà là một trong số đó. A Phà vướng vào tà đạo này chỉ đơn giản là do Trưởng điểm nhóm đạo Thào A Chang mà anh đang tham gia sinh hoạt đã đi theo tà đạo Bà Cô Dợ từ lúc nào mà anh không hay biết. Vô hình trung, dưới sự dẫn dắt của Chang, anh Phà theo đạo Bà Cô Dợ mà không ý thức được. Sau này, qua các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin của BĐBP cung cấp, biết đó là tà đạo, gia đình anh Phà tự giác từ bỏ.

Được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng hạ tầng và các chính sách hỗ trợ vốn, giống, giáo dục đào tạo... lại được BĐBP “cầm tay chỉ việc”, xã Nậm Kè đã mang một diện mạo khác. Tìm hiểu thêm về sự “thay da đổi thịt” của Nậm Kè, chúng tôi tới thăm bản Huổi Khon 1. 8 năm sau sự kiện người Mông tụ tập gây mất ổn định an ninh chính trị, Huổi Khon 1 bây giờ đã khác xưa nhiều. Ở đầu bản, chúng tôi chứng kiến cặp vợ chồng trẻ cùng nhau xay ngô, nhiều người dân bắt đầu ngày mới với việc chạy xe lên nương chở lúa vừa thu hoạch về. Khói bếp bảng lảng trên những nóc nhà truyền thống của người Mông. Không gian rất đỗi bình yên.

Ông Sùng A Kỷ, Trưởng bản Huổi Khon 1 bảo rằng, người Mông ở đây được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Thực tế, người Mông ở Huổi Khon 1 không là người bản địa mà di cư từ những vùng đất khác về đây. Trong suốt hơn 20 năm qua, họ phải đối mặt với nhiều thử thách, không ít lần cả bản lo âu, bất ổn vì những đối tượng xấu dùng cả súng đe dọa, lôi kéo họ theo bọn chúng xưng vua. Quá thấm những cực khổ, sợ hãi do kẻ xấu gây ra, ông Kỷ đúc kết: “Từ trước tới nay, chỉ có Nhà nước hỗ trợ bà con gạo, tiền làm nhà, cho vay vốn để xóa đói giảm nghèo. Nhà nước cũng đầu tư làm đường giao thông, xây dựng bể nước sinh hoạt cho dân bản. Nhờ đó, chúng tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Tôi không tin những điều kẻ xấu nói. Tôi không muốn đi đâu nữa, sống chết ở đây thôi”.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Tỉnh Điện Biên có 4 huyện biên giới, trong đó, 22/29 xã biên giới có đồng bào dân tộc Mông sinh sống với hơn 25 nghìn hộ, chiếm gần 40% dân số. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Tình trạng di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật; tuyên truyền, lôi kéo, kích động thành lập “Vương quốc Mông”, hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp... Các thế lực phản động lợi dụng trình độ nhận thức còn hạn chế của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông để kích động, lôi kéo họ chống đối chính quyền, gây bất ổn định về an ninh, trật tự an toàn xã hội. Trong khi đó, hệ thống chính trị cơ sở xã, bản có mặt, có nơi chưa thật sự đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nặm Kè, BĐBP Điện Biên giúp gia đình anh Bàn Văn Hoại, bản Huổi Thanh 1, xã Nặm Kè thu hoạch lúa nước trồng thí điểm vụ thứ 2. Ảnh: Trần Đức

Giải quyết những khó khăn trên, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, BĐBP Điện Biên đã tham mưu cho chính quyền các cấp về tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, vận động nhân dân đẩy mạnh khai hoang, thâm canh tăng vụ, phát triển mô hình kinh tế vườn rừng, sử dụng các loại giống mới có năng suất cao...

Đại tá Nguyễn Thanh Dịu, Chính ủy BĐBP Điện Biên cho biết, BĐBP tỉnh đang nhận giúp đỡ 4 xã: Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải, Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé. Đến nay, BĐBP đã vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà từ thiện hảo tâm tổ chức 2 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.500 người dân trên địa bàn xã Leng Su Sìn và Chung Chải (2 xã có đông người Mông sinh sống), đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động của 3 Trạm quân - dân y kết hợp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. BĐBP Điên Biên cũng phối hợp với các nhà trường mở 26 lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho người dân. Với sự giúp sức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, BĐBP đã chủ trì, phối hợp giúp trên 3 vạn ngày công, làm 17 công trình dân sinh, trị giá hơn 4 tỷ đồng cho người dân.

“Hiện, cả 22 xã có đồng bào Mông sinh sống có đường ô tô đến trung tâm, đường giao thông liên xã; 100% có điện lưới quốc gia, có công trình nước sạch... Đồng bào dân tộc Mông phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; giữ gìn khối đại đoàn kết các dân tộc, đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Đại tá Nguyễn Thanh Dịu khẳng định.

Trần Đức - Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phia-sau-cai-goi-la-vuong-quoc-mong-bai-5/